Mục lục
VNHS - Võ thuật của nước ta dựa trên đặc tính và thế chiến đấu của loài vật Hổ, Báo, Rắn, Hạc, Mèo, Khỉ… mà các bậc võ sư tiền nhân đã sáng tạo ra các bài quyền, đòn thế như Hổ quyền, Báo quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Miêu quyền, Hầu quyền… Nhân năm Ất Tỵ, đôi dòng về Xà quyền (Võ Rắn) ở nước ta.
Xà quyền trong Võ thuật Việt Nam
Ở Việt Nam, nhiều môn phái Võ cổ truyền thường sử dụng hình tượng của các loài thú để xây dựng quyền pháp. Trong những bài quyền tinh hoa của vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định có bài “Ngũ hình quyền” (Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc). Hệ thống quyền thuật của môn phái Bình thái đạo nổi danh với quyền An Thái do võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) sáng lập dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc nhu công và miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền.
Có 8 bài quyền nổi tiếng được xem là tinh hoa võ học Việt Nam là Long quyền, Hổ quyền, Phụng quyền, Kê quyền, Xà quyền, Hạc quyền, Hầu quyền và Nhạn quyền. 8 bài quyền này do 6 võ tướng thời Tây Sơn đúc kết soạn thảo và chép vào quyển “Lục lăng bạo chúa”. Xà quyền không chỉ là 1 trong 8 bài quyền nổi tiếng mà còn là một trong Tứ hình quyền gồm Hổ quyền (võ Hổ) , Xà quyền (võ Rắn) , Hạc quyền (võ Hạc) và Hầu quyền (võ Khỉ) của võ cổ truyền Bình Định. Trong đó, Trong đó, các tính năng đặc dị của bài Xà quyền được nâng lên thành những quyền năng tuyệt thế để áp dụng một cách hiệu nghiệm trong chiến đấu.
Xà quyền được sáng tạo từ các nguyên tắc Âm dương Ngũ hành, sự quan sát tập tính tự nhiên của loài rắn để hình thành, mô phỏng đòn thế chiến đấu.Võ sư cao cấp Nguyễn Thanh Vũ (hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Bình Định Chủ tịch Hội Võ thuật TP. Quy Nhơn, Chủ nhiệm CLB võ thuật cổ truyền Nguyễn Thanh Vũ) là "truyền nhân" của Đại võ sư Đinh Văn Tuấn hiện đang nắm giữ, truyền dạy bộ xà quyền độc đáo này trên đất Bình Định.
Nhìn vào đồ hình Bát quái ta thấy có 8 quẻ (Càn, Đoài, Khôn, Ly, Tốn, Chấn, Cấn, Khảm), ứng với 8 con vật tiêu biểu của phương Đông (Rồng, Khỉ, Hổ, Hạc, Nhạn, Gà, Phụng, Rắn) và được phân bổ đều ở 8 hướng khác nhau. Từ đây, các nhà võ học tiền bối đã ứng định thành 8 bộ tấn cơ bản, bao gồm: Long tấn là tấn con Rồng, Hắc hầu tấn là tấn Khỉ đen, Hồng hổ tấn là tấn Cọp hồng, Bạch hạc tấn là tấn Hạc trắng, Lạc Nhạn tấn là tấn Nhạn đáp, Kim kê tấn là tấn Gà vàng, Hồi Phụng tấn là tấn Phụng quay về, Xà tấn là tấn con Rắn và cuối cùng trở về tư thế đứng ban đầu, gọi là Trung bình tấn.
Trong đó, Xà tấn vận dụng theo đồ hình Bát quái và mô phỏng, kết tinh từ các tư thế hiểm hóc, tính năng đặc dị của “bộ ngựa con Rắn”. Đặc tính phóng cao, xa, trườn nhanh, quất mạnh, uốn lượn, cuốn, siết, mổ, chuyển hóa ứng biến.
Bài thiệu Xà quyền như sau:
“Thanh Xà đảo “mã”
Cường Long xuất hải
Ngọc trản ngân đài
Hồi Mã Tướng quân
Tả tảo tung phong
Tấn đả song khai
Hắc Ngưu khai giác
Chuyển thân nghịch cước”
Tạm dịch nghĩa:
“Khai thế “Rắn xanh xoay chuyển mình”
Tiến thế ‘con Rồng dũng mãnh phóng thân bay nhanh ra khỏi biển”
Mở bộ “chén ngọc dâng lên bệ vàng”
Đảo thế “vị Tướng quay Ngựa trở lại”
Rồi nương theo ngọn gió, quét bung mạnh hướng trái
Tiếp tục tiến đánh liền hai bận
Theo thế “Trâu đen mở tung sừng xốc tới”
Rồi quay trở về, đảo người đá nghịch”.
Căn cứ theo “Bát quái hoành đồ” thì Xà tấn thuộc quẻ “Khảm trung mãn”, nên rất thuận theo hướng chính Bắc.
Nếu như bộ chân (Tấn pháp) được ví như “nền móng, trụ cột vững chắc”, để tạo lập nên ngôi nhà kiên cố thì bộ tay (Thủ pháp) được các bậc danh sư tiền bối đánh giá là “chiếc chìa khóa vạn năng”, để bảo vệ an toàn và tạo nên sức mạnh công phá kỳ diệu, cản ngăn các đối lực cùng các tác nhân từ bên ngoài muốn thâm nhập vào “ngôi nhà”. Trong mỗi bộ tay, đều bao gồm đầy đủ tính chất Ngũ hành, nguyên lý Âm dương cùng với 2 chức năng chính là tấn công và phòng thủ. Sau khi luyện tập và hoán đổi thành thục các phương cách hóa chuyển của bộ tay, người học võ phải tiếp tục trải qua một quy trình khổ luyện hết sức công phu, bền bỉ, để biến các tính năng trên đôi cánh tay, nhất là bàn tay thành những bộ “Long giác”, “Hổ trảo”, “Hầu chỉ”, “Xà thao”... Trong đó, công dụng chính của Xà thao là dùng để đỡ, cuốn khóa tay, điểm vào các huyệt trọng yếu của đối phương. Ngoài ra, còn có “Xà tín chỉ” với công dụng chính là điểm vào các trọng huyệt như yết hầu, khí hải, đan điền, huyền ung, chiên trung…
Trong Võ cổ truyền Việt Nam, các bậc võ sư tiền nhân khi nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên đã sáng tạo những thế tấn, bài quyền, đòn thế mô phỏng động tác loài Rắn như: Kim xà xuất động, Hoành xà nghịch địa, Xà Miêu lưỡng thủ quyền, Xà miêu hạc quyền, Miêu xà quyền, Bạch xà quyền, Bạch xà thổ khởi, Thập bát xà quyền, Thập nhị xà quyền, Long hổ xà hình quyền, Xà quyền long hổ trảo, Độc xà thám nguyệt, Lưỡng xà khai môn, Kim xà đoạt mục, Bạch xà thổ khởi, Xà vương phún khí…
Trong Vovinam (Việt võ đạo), bài Xà quyền được phân thế theo 20 câu thiệu như sau:
1. Mãng xà vương xuất động/Rắn độc ra khỏi hang
2 Khởi thủy ngọa viên trung/Lúc đầu nằm khoanh tròn
3. Liên thủ hoành chi tự/Rồi bò đi thoăn thoắt
4. Tróc địch tầm thiên long/phóng lên rượt con mồi
5. Mãng xà vương tái xuất/Rắn độc quay trở lại
6. Tả hữu lưỡng đầu khai/Hai đầu ngồi hai bên
7. Tam biên truyền mật khẩu/Mắt nhìn về ba phía
8. Xà đầu trực hậu lai/Thụt lùi ra phía sau
9. Luân thân xà thiệt thích/Quăng mình rắn phóng tới
10. Thôi chưởng chấn ba đào/Cuộn xiết chặt con mồi
11. Đảo thân luân triệt vĩ/Uốn thân đuôi đập xuống
12. Lưỡng biên phạt cương đao/Vặn cổ phùng hai mang
13. Thôi chỉ lưỡng xà đầu/Hai đầu xà trên dưới
14. Song luân xà đầu hạ/Xoắn tròn ngồi bên nhau
15. Thượng hạ luân xà đao/Vươn cao rồi hạ thấp
16. Phượng dực lưỡng đầu tọa/Ngóc đầu ngồi hai bên
17. Tứ diện thôi xà vĩ/Đuôi xà quét tứ phía
18. Song hoàn chưởng xà mâu/Xoay tròn ngược về sau
19. Nhị luân thủ túc vị/Hai đầu về cùng lúc
20. Hồi nhập động xà đầu/Rút vào trong hang sâu
Bài Xà quyền trong môn võ Vovinam được thể hiện là 1 cặp rắn (song xà). Con đực ở bên tay phải, con cái ở bên tay trái. 2 đuôi rắn là 2 chân nối liền chung 1 thân (phần bụng của rắn); từ đầu ngón tay đến nách là xà đầu (phần đầu của rắn); từ nách đến háng là xà trung (phần thân của rắn); từ háng đến đầu ngón chân là xà vĩ (phần đuôi của rắn); hai bên hông ngang thắt lưng là xà động (hang của rắn). Xà đầu khi dựng đứng thì phùng mang nên xà thủ phải dẹp và xếp sát ngón tay lại. Xà thủ cũng chia thành hai phần: hàm trên gồm bốn ngón của tay: trỏ, giữa, áp út và út dùng để móc xuống mắt; hàm dưới là ngón cái móc dưới cằm lên...
Xà quyền có bộ pháp thấp, thân pháp uyển chuyển nhẹ nhàng, thủ pháp mềm dẻo, cước pháp nhanh gọn.
Tuyệt chiêu Xà quyền trứ danh
Lão võ sư Trần Dần (ngụ ở thôn An Vĩnh, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh), người một thời khét tiếng trên các võ đài miền Nam. Võ sư Trần Dần cho biết ông ít khi dùng Xà quyền nhưng mỗi lần sử dụng là một đòn quyết định.
Ông kể lần hạ gục một kẻ thách đấu là tay lính đánh thuê Hàn Quốc tại Quy Nhơn năm 1967. Tay ấy rất giỏi võ, đến đâu cũng thách đấu với thanh niên địa phương. Tôi không để bụng nhưng bạn bè yêu cầu phải ra tay để gã hết dám xem thường dân mình. Thế là tôi nhận lời.
Võ sư Trần Dần còn nhớ mãi những thế võ lợi hại của tay lính ấy, nhất là cú liên hoàn cước. "Thế quyền của tôi ra đòn ngắn nên rất khó tiếp cận gã. Sau một hồi giao đấu, tôi vờ thua chạy và gã rượt theo. Tôi bất ngờ dừng lại rồi dùng thế Giác già ứng vĩ quét ngang cổ chân gã. Tay lính dính đòn, loạng choạng. Tôi liền xoay người dùng thế Bạch xà phấn mạt trong Xà quyền ra đòn quyết định, mổ ngay yết hầu làm gã ngã lăn xuống đất, giơ tay đầu hàng mà miệng không nói được"- lão võ sư hào hứng nói.
Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, chưởng môn đời thứ 4 phái Bình Sơn ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, khi còn sống, cha ông - võ sư Lâm Ngọc Phú, chưởng môn đời thứ 3 - có lần đã giải thích vì sao ông không còn dùng thế Kim xà đoạt mục trong Xà quyền. Năm 1965, ông nhận lời thách đấu và thượng đài tại Quy Nhơn với một tên lính Sài Gòn rất giỏi quyền Anh. Suốt 2 hiệp đầu chỉ tránh đòn, biết sẽ khó trụ nổi đến cuối trận, sang hiệp 3, ông quyết định dùng Xà quyền. Khi tên lính ra đòn để lộ sơ hở, ông nghiêng người né và dùng tay phải tung ngón Kim xà đoạt mục thẳng vào mắt gã. Khi ngón tay cái vừa chạm mặt tên lính, ông giật mình hạ đòn nhưng gã vẫn đổ gục.
"Cha tôi bảo lần ấy may mà ông đã nương tay nên mắt gã kia không mù nhưng cũng đã bị tổn thương. Sau lần ấy, ông không dùng thế võ này nữa"- võ sư Ánh kể.
Theo võ sư Ánh, mỗi môn phái đều có quy định riêng khi truyền dạy Xà quyền. Phái Bình Sơn không truyền dạy Xà quyền cho người ngoài họ Lâm, người dưới 40 tuổi và có dã tâm.
Nổi tiếng nhất là lần võ sư Trần Tiến, chưởng môn sáng lập Thiếu Lâm Nội gia quyền tỉ thí cùng một võ sĩ Tiểu Lâm Xung tại Singapore đầu năm 1944. Tại giải quyền thuật tự do ở Singapore năm đó, Trần Tiến lần lượt hạ hết các đối thủ vòng ngoài, chung kết gặp Tiểu Lâm Xung, võ sĩ người Singapore gốc Hoa. Các chỉ số về chiều cao, cân nặng của võ sĩ này đều nhỉnh hơn võ sư Trần Tiến. Vị cao thủ này luyện tập cơ thể tới mức có thể đưa ngực, bụng chịu những đòn đánh trời giáng mà không hề hấn gì. Ngoài ra, võ sĩ này còn có bàn tay mệnh danh “thiết thủ” đấm vỡ nhiều tấm ván gỗ dày 5 phân.
Trận đấu quy định 8 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, không mang áo giáp bảo vệ, chỉ cấm đánh xòe tay, còn những đòn cùi trỏ, đầu gối đều được. Tiểu Lâm Xung lên đài mặc quần ngắn, áo thun bó sát khoe cơ bắp cuồn cuộn.
Tiếng cồng xung trận vang lên, Tiểu Lâm Xung lập tức tung đòn tới tấp, Trần Tiến bình tĩnh né tránh. Tiểu Lâm Xung ra Hổ quyền, ông dùng Hầu quyền đối lại; Tiểu Lâm Xung tung Xà quyền, ông khống chế bằng Hạc quyền. Bốn hiệp trôi qua. Võ sĩ Việt tuy chưa dính đòn nhưng bị trọng tài trừ điểm vì ít tấn công. Hiệp 5, đang thế thượng phong, Tiểu Lâm Xung trong lúc đắc ý bị hở sườn, Trần Tiến chỉ chờ có vậy, cúi thấp trườn như một con rắn, tung đòn “Xà vương phún khí” bật ngược cùi tay trúng hạ bộ đối thủ. Tiểu Lâm Xung rú lên, đổ sập xuống sàn bất tỉnh. Cả khán đài sững sờ.
Với tuyệt chiêu “Độc xà thám nguyệt” (được hiểu nôm na là một con rắn ngóc đầu lên nhìn trăng), võ sư Phan Thọ (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã 3 lần hạ gục cao thủ Taekwondo Hàn Quốc.
Những năm chiến tranh, Bình Định là địa bàn đóng quân của sư đoàn Mãnh Hổ, Đại Hàn (Hàn Quốc ngày nay). Biết ông có võ, một sĩ quan Mãnh Hổ đến nhà cà khịa thách đấu, nói rằng ông mà thắng thì viên sĩ quan này sẽ cho ông một rổ lựu đạn để đi đánh cá trên sông Côn. Ông nhận lời, không phải vì rổ lựu đạn mà vì tự ái dân tộc. Ông nói: “Tui học võ là để bảo vệ mình và giúp người, không hề có ý định đánh nhau với ai, nhưng hễ kẻ nào chê võ cổ truyền Việt Nam là tui chịu không được, phải oánh”. Địa điểm thi đấu là một khoảnh đất rộng tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Vào trận, ông để cho viên sĩ quan kia thoải mái tung chân còn ông liên tục né đòn, rồi bất ngờ tung ra tuyệt chiêu Độc xà thám nguyệt. Viên sĩ quan đổ gục như cây chuối bị một cây đao sắc phạt ngang lưng.
Nhưng vang dội nhất là trận võ sư Phan Thọ thắng một ngũ đẳng huyền đai Taekwondo tại Pleiku (Gia Lai) vào quãng năm 1971-1972. Lần ấy, nhân giỗ tổ Hùng Vương, đoàn võ thuật Bình Định do võ sư Hà Trọng Sơn (người được võ lâm tôn vinh là Hùm xám miền Trung) dẫn đầu lên biểu diễn võ. Trong những người xem có một thiếu tá của Sư đoàn Bạch Mã, Đại Hàn. Ra mặt coi thường, viên sĩ quan này đã rủ các võ sĩ Bình Định đánh nhau, xem võ nào hơn. Phan Thọ được mọi người đề nghị nhận lời thách đấu.
Lúc ấy, sàn đài đã tháo dây. Võ sư Phan Thọ chỉ 58 kg còn viên sĩ quan kia to cao, nặng trên 80 kg. Mới xáp vô là đối thủ động thủ liền, không thèm chào sân. Biết được thế mạnh của Taekwondo là các đòn chân, võ sư Phan Thọ cứ để viên sĩ quan ra chân thoải mái. “Anh ta tung chân vun vút chừng mấy chục cái thì tui sử dụng chiêu Độc xà thám nguyệt. Anh ta ngã dập mặt xuống đất, máu chảy nhiều, nên xin ngừng trận đấu”, võ sư Phan Thọ kể lại.
Năm 1998, khi võ sư Phan Thọ đã 73 tuổi, có một đoàn khách từ Hàn Quốc đến thăm. Trong đoàn có một cao thủ Taekwondo mới ngoài 30 tuổi. Qua người phiên dịch, võ sư Phan Thọ được biết anh người Hàn kia có ý chê võ cổ truyền Việt Nam chưa đẳng cấp, nên ông tự ái và nhận lời thách đấu. Mọi người can ngăn vì võ sư tuổi đã cao, lỡ có chuyện gì thì không hay nhưng ông đã quyết.
Khoảnh sân trước nhà là nơi tỷ thí. Hai đối thủ, một già một trẻ vừa chào sân thì anh chàng người Hàn đã tung ngay một cú đòn chân sấm sét. Võ sư Phan Thọ hụp đầu xuống né cú đá. Vẫn còn đà, bàn chân đi giày của anh kia vung thẳng đến cây cột trước hiên nhà, kêu đánh rầm một tiếng, cả căn nhà cũ như rung rinh muốn sập, còn cây cột xi măng thì bị rạn nứt.
Cú đá kinh hồn này chưa xong thì đã đến cú đá khác. Đợi cho đối thủ vung chân lên thật cao, võ sư Phan Thọ lẹ làng rùn người xuống thấp rồi dùng toàn lực của cơ thể tập trung vào phần đầu, húc mạnh vào bụng dưới của anh ta. “Độc xà thám nguyệt” tung chiêu. Anh chàng người Hàn bị húc bay lên cao rồi rơi cái ịch xuống sân gạch, không nhúc nhích, mọi người phải khiêng lên ô tô. Tỉnh lại, anh ta thừa nhận đã nhận định sai về Võ cổ truyền Việt Nam.
Vào những năm 1965, 1966, người hâm mộ võ thuật Việt Nam không thể quên hình ảnh võ sư Cao Thành Sơn (con trai cố võ sư Cao Thành Sạn) luôn sử dụng Xà quyền trong chiến đấu. Võ sư Đinh Chí Dũng dùng bài Xà quyền đoạt huy chương vàng tại Hội diễn Võ cổ truyền toàn quốc năm 1987, những chuyến lưu diễn tại Ý, Nhật Bản, Liên Xô…
Phan Thanh Đà Hải