Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 12:21:38 AM

Tội ác ẩn nấp trong những cơn gió mùa

23/01/2024

Mục lục

Chưa có vùng nào đồng đất lại mênh mông như các huyện ven biển Nam Định. Nhưng, cũng chưa có vùng nội đồng nào, máu của chim trời lại bị chảy nhiều như vậy...

Những chiếc lưới mờ giăng mắc trên cánh đồng để bẫy chim trời...

Gió nồm cuối đông mang theo hơi ẩm len lỏi trong những cơn mưa lạnh dầm dề khiến đất trời cuối năm thêm xám xịt, sùi sụt. Những cánh đồng của các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Thành, Nghĩa Sơn… hay các xã Giao An, Giao Châu, Giao Lạc, Giao Long… thẳng cánh cò bay, nhìn ra xa tít tắp chỉ thấy màu nâu xám của đất cày lật úp đang phơi ải, đợi qua Rằm sẽ đổ nước, chuẩn bị cho một vụ mới.

Tôi cùng P. trùm kín áo mưa, vượt qua những cánh đồng vắng lặng, không bóng người trên chiếc xe máy có ngáng chở hàng bằng sắt gá phía sau yên xe. Trên chiếc ngáng sắt này, đã có bao nhiêu chim trời bị bẫy bắt mà P. từng chở đi tiêu thụ? Điều này, chỉ P. mới biết.

Một chiếc loa phát tiếng gọi chim được giấu kỹ dưới mép bờ cỏ...

Những xóm làng, những khu dân cư dần lùi lại phía sau. Dường như, đồng đất càng trống trải, vắng vẻ, mưa như càng dày thêm, và cái lạnh như thêm phần giá buốt. Len lỏi hết những con đường bê-tông nội đồng - sản phẩm của các phong trào xây dựng nông thôn mới, P. dẫn tôi qua những con đường đất. Qua mấy tháng hanh khô, mặt đất se lại, chắc nịch, dù mưa mấy ngày qua nhưng không bị ngập lún. Gần như đến phần cuối của cánh đồng, bởi nó tiếp với những khu đầm bãi, những khu đất ngập nước, P. dừng lại, chỉ tay vào khu đất trước mặt, bảo: “Đây là một trong những vị trí mà cánh bẫy chim trời hay giăng lưới”.

Khác với khu đặt bẫy trong các vùng rừng ngập mặn, chủ yếu bẫy bắt cò, diệc, vạc…, bẫy chim ở khu nội đồng thường để bắt cuốc, gà đồng, rẽ giun, các loại cò, choắt… vì vào mùa lúa chín, chim hoang dã di chuyển sâu vào nội đồng để kiếm ăn.

Đồ nghề quan trọng của dân bẫy chim...

“Vẫn những dụng cụ truyền thống thôi, lưới, chim mồi, máy phát gọi chim, loa, bình ắc-quy điện…, nhưng sử dụng lưới giăng, lưới tàng hình màu trắng, sợi mảnh, nhỏ, mắt thường cách xa vài chục mét còn chả phát hiện chứ nói gì tới chim”, P. giảng giải.

Theo đó, người đặt bẫy sẽ giăng lưới trên những con sào cao vài ba mét, lưới chăng ngang, kéo dài tới hàng trăm mét. Con chim mồi bị buộc chân, chỉ nhảy nhót, phát ra tiếng kêu, kèm theo tiếng chim được thu vào USB, cắm vào thiết bị âm ly nối với loa để dụ chim về.

“Bắt chim gì thì phát loa tiếng của loại chim đó. Bắt cuốc thì phát tiếng kêu của chim cuốc; cò, choắt, rẽ giun…, loài nào thì có tiếng nấy. Chim bay ngang bị dính lưới, càng giãy giụa thì càng mắc kẹt”, P. giảng giải.

Một chiếc bẫy chim được ngụy trang kín kẽ, bên trên là những con chim mồi bị buộc chân, khâu mắt...

Tuỳ theo độ dài của bẫy lưới mà đặt loa để gọi chim. Lưới dài, cách nhau vài trăm mét sẽ đặt một loa, âm thanh phát ra khoảng cách vài cây số.

Đó là cách thức đặt bẫy ở nội đồng. Còn tại khu vực đầm nước, sình lầy, lại đặt bẫy kiểu khác.

Vẫn là lưới giăng ngang trên những cây sào dài, chim mồi sẽ được thả trên mặt đầm, hoặc kênh. Chim mồi (là chim thật) sẽ được buộc chân, cho đứng trên một cái cọc tre đóng nổi trên mặt bùn, hai mắt của chúng đã bị khâu bằng chỉ để không nhìn thấy gì. Có vài con chim mồi bằng chim thật để dụ đồng loài, còn lại sẽ là những con chim nhựa hoặc chim làm bằng phao xốp, sơn giả như chim thật với đủ các tư thế, đứng thành một đàn. Nhìn từ xa, hệt như một đàn chim đang mải mê mò cá, tôm trên mặt nước lưng lửng.

Những chiếc bẫy, mồi nhử bắt chim trên mặt nước, đầm bãi.

Ngoài lưới giăng, lưới chụp, đội bẫy bắt chim còn bắc những con sào, trên có dính băng keo. Chim hoang dã đậu lên cây sào sẽ bị keo dính chặt chân hoặc lông, cánh…, không tài nào thoát được.

“Đến người còn nhầm đấy là chim thật chứ nói gì tới những đàn chim trời. Có những ngày đặt bẫy, trúng đàn, số lượng chim bẫy bắt lên tới cả trăm con. Có những người sống bằng nghề bẫy chim, cả một mùa chim kiếm được cả trăm triệu đồng. Đội thu mua chim, đều là những mối quen đã có hẹn từ trước, có những ngày có cả chục xe máy sang gom chim dính bẫy, rất nhiều” – P. cho hay.

Xác thực câu chuyện của P., một cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho biết, cứ đến mùa chim di cư, VQG Xuân Thủy phải ban hành nhiều văn bản gửi các ngành chức năng của huyện để phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo vệ chim di cư, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng bẫy bắt chim trong khu vực nội đồng…

Cán bộ hạt kiểm lâm Giao Xuân Thủy triệt phá một bụ giăng lưới bắt chim trời trong năm 2023.

“Hiện tượng bẫy, bắt chim trời, chim hoang dã di cư bằng lưới mờ kết hợp đài cát sét hoặc lưới úp, băng keo, súng hơi... nhằm mục đích thương mại thường diễn ra ở các vùng nội đồng của các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy. Mùa chim di cư cũng là mùa lúa vụ mùa trên địa bàn huyện Giao Thủy, nên nhiều loài chim hoang dã, chim di cư thường di chuyển sâu vào trong nội đồng để kiếm ăn.

Những hoạt động bẫy, bắt chim trời là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp, đồng thời có nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học tại khu vực, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của VQG Xuân Thủy, của địa phương trong nỗ lực bảo tồn chim hoang dã, chim di cư”, vị cán bộ VQG Xuân Thủy cho biết.

Theo Kiên Trung - Báo Nông nghiệp Việt Nam

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng