Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 12:26:38 AM

Chăm sóc cây Bonsai thả nước

07/09/2022

Mục lục

Từ xa xưa, cha ông chúng ta, những người đam mê với thú chơi bonsai đã áp dụng phương pháp thả nước để vừa hãm sự phát triển của cây, vừa chủ động trong việc cung cấp nước cho cây cảnh. Đây là phát kiến trong quá trình lao động, sản xuất thuận theo tự nhiên, tuy vậy không phải để áp dụng cho tất cả các loài cây dùng làm cây cảnh.

Việc thả nước cây bonsai trở nên phổ biến, phổ thông như việc đương nhiên. Mỗi người có cách chăm sóc khác nhau, nhưng đằng sau đó là cả một quá trình chăm  sóc phức tạp, bài bản chứ không thuần túy là ngâm trong chậu có nước! Điều đó giải thích tại sao nhiều cây đủ nước đó mà vẫn chết hoặc kém phát triển, dần mất đi vẻ đẹp ban đầu vốn có của nó.

Một tác phẩm bonsai thả nước đẹp trong triển lãm tại Nam Định

Trong khuôn khổ bài này xin được đề cập vấn đề này đối với khu vực có bốn mùa rõ rệt. Đối với cây thả nước, trước hết cần phải được tạo tác tương đối hoàn chỉnh hoặc đã hoàn chỉnh, bởi khi chúng ta thả nước cây sẽ chậm phát triển hơn nên thời gian hoàn thiện sẽ lâu hơn. Ngoài việc chọn chậu hay khay cho phù hợp với mục đích thì điều quan trọng là không được để phần gốc, bệ của cây chìm trong nước. Tránh tình trạng làm thối gốc bệ vì bộ phận này của cây cần được thoáng để trao đổi khí ô xy.

Tạo tác Bonsai tương đối hoàn chỉnh trước khi thả nước

Việc cung cấp thức ăn cho cây cũng cần được thao tác trên cơ sở khoa học. Tuyệt đối không được cung cấp chất hữu cơ vào trong nước, sẽ làm hư nước trong chậu (bồn) dần dần sẽ làm thối rễ cây. Chúng ta chỉ có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây thông qua phần giá thể nổi hơn so với mặt nước với hàm lượng vừa đủ, chia làm nhiều lần, tránh tình trạng dư thừa rồi làm ngộ độc nước. Nếu có điều kiện nên dùng phân thủy canh cung cấp dinh dưỡng cho cây là tốt nhất, vừa tránh được việc dư thừa dinh dưỡng làm hỏng nước, vừa an toàn cho việc chăm sóc cây.

Đối với cây thả nước cần thay nước thường xuyên, định kỳ hoặc thỉnh thoảng để cho nước trong chậu (khay) khô cạn vài ngày rồi mới bổ sung nước mới. Việc làm đó để tránh cho nước lưu lâu bị kiềm hóa hoặc ô nhiễm do quá trình bón phân cho cây. Vào mùa đông giá rét nên rút hết nước, chúng ta chuyển sang chế độ như chăm cây chậu cạn, vì khi đó cây gần như không có nhu cầu nhiều về nước. Với thao tác đó cũng là việc tạo điều kiện cho rễ cây có điều kiện tiếp xúc với ô xy, phục hồi sau thời gian dài ngâm nước. Nếu để rễ cây ngâm trong nước mùa đông giá rét dễ làm cho rễ cây thối, ảnh hưởng đến việc trao đổi chất nuôi dưỡng cây về sau, dần làm cây suy kiệt và chết dần. Điều này cực kỳ quan trọng đối với những cây ngủ đông. Trong thời điểm này cũng không nên cung cấp bất cứ chất dinh dưỡng gì cho cây. Nếu như ở vùng đó nhiệt độ quá thấp có thể phun thuốc có chế phẩm gốc đồng sun fat cho cây, vừa ngăn ngừa nấm bệnh, vừa giữ ấm cho cây; nên phun đúng hàm lượng và tỷ lệ pha mà nhà sản xuất khuyến cáo.

Cần phải cung cấp dinh dưỡng cũng như bảo vệ cây những ngày nắng nóng

Viết ra đây để thấy rằng việc chăm cây bonsai thả nước không phải là việc làm tùy tiện. Để đạt hai mục đích là hãm cây chậm phát triển và không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nó thì cần tuân thủ quy trình kỹ thuật dựa trên cơ sở khoa học cơ bản nêu trên. Mỗi nhà vườn sẽ lập cho mình một quy trình chăm sóc khác nhau cho các đối tượng cây của mình. Không phải cây nào cũng áp dụng một quy trình mà cần được xây dựng riêng biệt cho từng loài cây khác nhau để đem lại hiệu quả cao nhất.

Tiên Dương 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng