Mục lục
VNHS – Bên cạnh việc tập trung triển khai, thực hiện giải pháp phân loại rác tại nguồn thì việc quy hoạch, đầu tư mạng lưới nhà máy với mô hình và quy mô thích hợp với từng vùng miền, khu vực để xử lý cần được đầu tư xây dựng đồng bộ. Việc xử lý rác thải, nước thải bảo vệ môi trường là một vấn đề hàng đầu cần phải quan tâm giải quyết.
Từ việc hoàn thiện lộ trình thu gom, xử lý....
Hiện nay công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phổ biến chủ yếu lò đốt, chôn lấp rác tạm là giải pháp tình thế. Về lâu dài tỉnh Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu bền vững và những giải pháp căn cơ: phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải, làm phân bón hữu cơ, điện rác…
Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. Song, lựa chọn phương pháp nào cho hiệu quả đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý địa phương.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh có 212 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH (gồm: 05 Công ty môi trường và 01 Trung tâm dịch vụ hạ tầng, 164 HTX môi trường, 43 tổ/đội vệ sinh môi trường); với 2.187 lao động, 1.869 xe đẩy tay, 125 xe tải các loại (chủ yếu là xe Julong), 45 xe chuyên dụng, 30 xe điện và một số phương tiện thu gom rác tự chế.
Có 12 khu xử lý rác thải đang hoạt động với các loại hình công nghệ (03 nhà máy, 04 bãi chôn lấp, 05 lò đốt độc lập), tổng công suất thiết kế là 669,25 tấn/ngày. Tuy nhiên, công suất thực tế chỉ đạt khoảng 371,6 tấn/ngày; chủ yếu là công nghệ đốt.
Năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có lượng chất thải sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 262.096 tấn (tương đương 718 tấn/ngày, khu vực đô thị 200 tấn/ngày chiếm 27,9%, nông thôn 517,9 tấn/ngày chiếm 72,1%). Lượng CTRSH được thu gom, vận chuyển để xử lý khoảng 478 tấn/ngày đạt tỷ lệ 66,6%, nông thôn 61,7%; đô thị 79%.
Để thực hiện được mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt lâu dài và bên vững cần phải nâng cấp cải tạo, đầu tư xây dựng mới hệ thống lò đốt, dây chuyền phân loại tái chế rác thải để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các cấp chính quyền phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân của toàn xã hội. Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo lộ trình từng giai đoạn. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
.. đến việc thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu
Theo lộ trình từng giai đoạn, tỉnh Hà Tĩnh đồng bộ hệ thống quản lý về thu gom vận chuyển cũng như nâng cấp cải tạo và đầu tư xây dựng hệ thống máy móc chuyển giao công nghệ xử lý rác thải, biến rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, rác thải xây dựng thành những sản phẩm phân hữu cơ, gạch không nung, hạt nhựa. Nhằm giảm áp lực lên môi trường.
Hiện tại tỉnh Hà Tĩnh có 3 nhà máy phân loại xử lý rác thải và tạo ra các sản phẩm tái tạo từ rác thải như: Nhà máy Sản xuất, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần và công trình Đô thị Hà Tĩnh đóng tại xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng từ năm 2011. Với tổng mức đầu tư 156 tỷ đồng, đây là nhà máy đầu tiên nhập khẩu hệ thống dây chuyền thiết bị nhà máy xử lý rác của Vương quốc Bỉ., nhà mày có công suất xử lý rác thải 200 tấn/ngày đêm. Hiệu suất xử lý rác của nhà máy đạt khoảng 97% lượng rác đầu vào, tỷ lệ rác chôn lấp chỉ chiếm khoảng 3%. Sản phẩm mùn của nhà máy được dùng để chế biến phân hữu cơ, các sản phẩm có thể tái chế và gạch không nung phục vụ xây dựng cơ bản. Nhà máy đảm bảo các điều kiện về môi trường theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Hiện nay, nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế về đầu tư cải tạo, nâng cấp dây chuyền thiết bị máy móc dẫn đến hiệu quả xử lý rác thải chưa đúng như công suất thiết kế.
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp Hoành Sơn do Công ty TNHH Môi trường Phú Hà đầu tư xây dựng tại thôn Nam Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có tổng công suất xử lý 1.560 tấn rác thải/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư 625 tỷ đồng, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt xử lý chất thải công nghiệp sản xuất các loại sản phẩm được tái chế từ việc xử lý như: kim loại và phôi kim loại, nhựa và hạt nhựa, gạch không nung, phân compos từ rác thải hữu cơ trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt và phân bùn bể phốt. Cơ bản đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh và một số xã trên địa bàn Cẩm Xuyên.
Nhà máy xử lý CTRSH thứ ba được đặt tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng, công suất 40 tấn/ngày, công nghệ xử lý gồm: sản xuất phân vi sinh 70%, đốt 15%, chôn lấp 10%, tái chế 5% lượng CTRSH. Hiện tại đang tiếp nhận xử lý CTRSH trên địa bàn huyện Can Lộc với khối lượng cần xử lý khoảng 36 tấn/ngày.
Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang thu hút kêu gọi nhà đầu tư có năng lực để đầu tư nhà máy xử lý CTRSH gắn với lò đốt phát điện với công nghệ hiện đại, tiên tiến, thu hồi năng lượng tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.
Ông Phan Tiến Dũng - Trưởng phòng TNMT huyện Lộc Hà cho biết: Về lâu dài UBND tỉnh đã có Quyết định số 1815/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 về điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Công ty CP Môi trường và xử lý rác thải An Dương thực hiện Dự án nhà máy xử lý chất thải với công suất 200 tấn/ngày đêm.
Gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, nâng cấp cải tạo dây chuyền xử lý rác thải tại nhà máy rác thải của Công ty cổ phần và công trình Đô thị Hà Tĩnh
Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác thải được phê duyệt hiện nay không còn phù hợp với định hướng công nghệ xử lý rác thải của tỉnh trong giai đoạn mới. Để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường quản lý chất thải rắn, Công ty An Dương đã xin thay đổi sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng (điện rác), vừa thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc phát sinh mùi hôi, khí thải, nước thải gây ô nhiễm. Quy mô xây dựng nhà máy điện rác được nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh có tổng công suất xử lý rác 950 tấn rác/ngày (700 tấn rác thải sinh hoạt và 250 tấn rác thải công nghiệp thông thường) và công suất phát điện 30MW; sử dụng công nghệ lò đốt nguyên khối dung ghi thu hồi nhiệt công nghệ ghi đốt VonRoil-Hitachi Zosen (Thụy Sĩ).
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do vứt rác bừa bãi, đốt hoặc chôn lấp rác tại các điểm tập kết, trung chuyển… tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến cảnh quan, đến đời sống sinh hoạt của người dân, việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH là hết sức cấp thiết nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra.
Bài, ảnh: Xuân Bắc - Dương Bằng