Cũng như Bonsai, nghệ thuật chơi Đá cảnh xuất phát từ Trung Hoa, dưới triều nhà Tống. Vào năm 1117, khi Tống Huy Tông được triều cống những viên đá đẹp từ vùng núi Khánh Đá, thuộc huyện Từ Châu (nay là huyện Linh Bích), thì vị hoàng đế này bắt đầu say mê chơi đá và dân chúng cũng bắt đầu chú ý tới những viên đá đẹp…
Người chơi đá nổi tiếng nhất thời đó là Lý Dục với những sơn nghiên trứ danh, vốn là những viên đá đẹp có hình núi non, và được mài trũng ở giữa để đựng mực. Những nghiên đá đẹp này đã được truyền từ đời vua này qua đời vua khác. Sau đó, thi hào Tô Đông Pha về nhậm chức tại Từ Châu cũng ưa sưu tầm đá đẹp. Những bài thơ vịnh đá cùng với tiếng tăm của ông đã làm hưng khởi phong trào chơi đá cảnh. Năm 1086 Thái thú Mễ Nguyên Chương về trấn nhậm gần Linh Bích, ông đã cùng Tô Đông Pha đặt ra những nguyên tắc đầu tiên cho việc lựa chọn đá cảnh. Theo các ông thì đá đẹp phải có đủ bốn tiêu chuẩn là Sấu, Thẩm, Lậu, Thấu.
Sấu: gầy guộc nhưng phải rắn rỏi.
Thẩm: gân sớ, nhăn nheo biểu hiện tính cổ lão, “tang hải thương điền”…
Lậu: lồi lõm, hang hốc biều hiện sự thâm u…
Thấu: có hang lỗ thủng xuyên qua biểu thị sự triệt thông (thông suốt)…
Có nghĩa là viên đá phải là một trong 6 dạng sau đây:
– Thanh tú thạch: đá có hình dáng đẹp, màu sắc hài hòa, vân đá mạch lạc.
– Cô thuận thạch: trái với thanh tú thạch, đá loại này gầy guộc, cằn cỗi, tượng trưng cho sự khắc khổ.
– Thần lâu thạch: đá lồi lõm, có hang hay lỗ.
– Viên hược thạch: đá tròn, nhẵn.
– Tượng hình thạch: đá có hình người, vật, đồ vật hay cảnh quan tự nhiên.
– Quái thạch: đá có hình thù kỳ dị.
Ngoài ra, dựa theo màu sắc người ta còn phân biệt ra các loại đá hoàng lạp (sáp vàng), kim qua (vỏ dưa), hắc đảm (đen như mật), ngũ sắc (nhiều màu), vân thạch (có vân), quy giáp (có khứa vằn như mai rùa).
Những chi tiết sau đây cũng rất quan trọng vì làm tăng thêm giá trị của viên đá:
– Chất đá: đá càng cứng càng quý.
– Hốc đá: đá bị soi mòn thành những chỗ lồi lõm ở phía trong.
– Mắt đá: đá có những lỗ hổng xuyên thủng qua.
– Huyệt đá: hốc đá chứa một hay nhiều cục đá nhỏ ở trong (gọi là măng đá) mà ta không lấy ra được.
– Vân đá: những vân này thay đổi theo nhiều hình thể. Thể cảnh vật là khi những vân đá tạo nên một cảnh trí núi non, sông nước như bức tranh thủy mạc hay hình con nai đang nhảy dưới trăng, hình mỹ nữ đang múa, hình cành hoa hay chim chóc vv… Thể vân là khi đá trông như những đám mây vần vũ trên trời, như ráng mặt trời lúc hoàng hôn, như sóng vỗ bờ, như nước chảy cuồn cuộn dưới sông hay chỉ là những vân như trong lòng các cây gỗ quý…
Trung Hoa là một quốc gia có diện tích rộng lớn, cho nên mỗi miền có một loại đá khác nhau với những đặc điểm của nó, ta có thể kể một vài loại như sau:
– Đá san hô: do san hô hay các loại sinh vật sống bám dưới nước tích tụ lại. Đá có chỗ mịn, chỗ thô, có vân. Loại này có nhiều ở vùng duyên hải tỉnh Fujian.
– Đá bọt: màu xám đậm hoặc lợt, cấu tạo bởi các chất của núi lửa và là sản phẩm của vùng Changbai trên dãy núi giáp giới Triều Tiên.
– Đá có cặn cát hay lỗ rỗng: màu xám nhạt hay nâu đỏ nhạt, có hình dáng núi hoặc những ống đan chéo nhau rất lạ lùng và đẹp mắt. Đó là sản phẩm của các vùng Anhui, Sichuan và Guangxi Zhuang.
– Đá Taihu: màu trắng nhạt, mặt nhẵn bóng và có nếp xếp nhăn nheo, có ngóc ngách như các hang động. Đá này có ở miền Gansu, Zhejiang và Anhui.
– Đá Guizhou: màu xám, bề mặt lồi lõm, có nhiều loại hình và loại vân là sản phẩm của vùng Guizhou.
– Đá Guilin: màu trắng hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn và vết xếp trên mặt, nên hình thù trông rất giống các núi tuyết. Đá có ở vùng Guangxi.
– Đá Yingde: màu đen, xám hoặc xanh da trời, hoặc xám với những vệt trắng. Vân đá rất rõ. Đá có các khe trông như khe núi rất đẹp. Đây là sản phẩm của vùng Shaoguan.
– Đá Lingbi: giống đá Yingde về màu sắc và hình dáng, nhưng đặc biệt khi gõ vào thì phát ra âm thanh như kim khí. Đá có ở huyện Lingbi tỉnh Anhui.
Đá Lingbi
– Đá vân rùa: màu xám nhạt, vân trông như mai rùa, rất đẹp. Đá có ở tỉnh Shangdong.
– Cây hóa thạch: đá màu nâu hoặc xám, có dáng dấp như cây gỗ, đá này có nhiều ở tỉnh Zhejiang.
Như trên ta đã thấy, nghệ thuật chơi đá cảnh bắt nguồn từ Trung Hoa, du nhập và phát triển mạnh tại Triều Tiên rồi tới Nhật Bản, sau đó lan truyền qua các nước khác. Vì đất chật, dân đông, người Nhật tìm cách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên qua cảnh vật thu nhỏ như bonsai và đá cảnh. Dân tộc này có biệt tài thu dụng những cái hay, cái đẹp của nước ngoài rồi thần tình biến hóa thành nghệ thuật riêng. Vì thế, cũng như bonsai, họ nổi tiếng về nghệ thuật chơi đá cảnh mà ngày nay giới chuyên môn gọi là Suiseki.
Thú chơi đá cảnh bắt đầu du nhập từ Trung Hoa, qua Nhật Bản vào khoảng năm 593-628. Lúc này đá hoàn toàn phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của Trung Hoa với dáng đá thẳng, có khi cao tới 90cm (3 feet), sần sùi, và thường được đục đẽo hoặc mài dũa cho đẹp. Người Nhật không ưa thế đá này mà thích thế đá nằm ngang. Những Thiền sư cũng đem từ Trung Hoa về lối bài trí đá cảnh lẫn với hoa Iris hoặc hoa phù dung. Trong thời kỳ này quan niệm về đá cảnh cũng chịu ảnh hưởng của Đạo Lão và Đạo Khổng. Các vị Thiền sư quan niệm rằng đá là biểu tượng cho thế giới siêu hình, nên đá cảnh đã dự một phần trong việc tu, thiền. Các vườn thiền (Zen) lớn nhỏ được tạo nên tại các tu viện và tại tư gia của các nhà quyền quý. Trong những vườn này người ta thường để rải rác những viên đá trên một nền đá dăm hay cát, được cào thành mô hình theo quy luật.
Lãnh Chúa Ashikaga Yoshimasa (1449-1474) là người rất yêu thích đá cảnh, và đã dùng đá làm bối cảnh cho những buổi lễ trà đạo, từ đó lối bài trí đá cảnh chung với hoa của Trung Hoa không còn nữa. Bắt đầu từ năm 1853, người Nhật bãi bỏ chính sách bế môn tỏa cảng, mở cửa giao thiệp với nước ngoài, nên các bộ môn nghệ thuật cũng bắt đầu bành trướng, do đó thú chơi đá cảnh cũng trở thành phổ thông, và không chỉ còn là thú tiêu khiển được quyền của các hiệp sĩ và giới quý tộc nữa. Dưới triều đại Meiji (1868-1912) người ta đã phân ra 3 loại đá cảnh: Tennen Kiseki là đá có hình dáng thiên nhiên như núi đồi, sông hồ, người hay vật; Tenseki: đá để bày chung với bonsai dùng để diễn tả các mùa; Kaseki là cây hóa thạch.
Trong triều đại này đá cảnh được những văn nhân, thi sĩ nổi tiếng đề thơ ca ngợi và nhiều nghệ nhân viết sách để giới thiệu những viên đá đắc ý của mình. Cũng trong thời gian này, danh từ Suiseki ra đời. “Sui” là nước, “Seki” là đá. Đá mới được sưu tầm về gọi là đá non (shinseki). Người ta phải dùng tới kỹ thuật nuôi đá (yoseki) với 2 phương pháp: Nuôi đá khô – là để đá ở trong nhà rồi thoa bằng tay và bằng khăn mềm trong nhiều năm liên tiếp cho tới khi đá nhẵn bóng; tuyệt đối không được dùng dầu hay bất cứ một chất liệu nào khác để đánh bóng ngoài mồ hôi của con người. Nuôi đá ẩm là để đá ngoài vườn cho đá chịu ảnh hưởng của thời tiết, nắng, mưa, và năng tưới nước; dần dà đá sẽ giữ nước (mizumochi) và trở thành sẫm màu. Với phương pháp này, người ta còn để đá trong nhà, trên một khay không thấm nước và tưới nước lên đá ngày 3 lần trong nhiều năm liên tiếp. Lúc đầu thì nước bốc hơi đi, nhưng lâu dần đá thấm nước thành nhẵn bóng và mọc rêu. Nếu đá có dạng viễn sơn (núi nhìn từ xa) thì thường được để đất xung quanh với rêu ướt, như cảnh một cánh đồng hoang dã.
Như vậy, chữ Suiseki mà ngày nay người ta quen dùng để gọi các loại đá cảnh không hoàn toàn đúng, khi Suiseki chỉ tất cả các loại đá cảnh, dù không phải là đá được tưới nước trong nhiều năm như trước. Người Mỹ gọi là “Viewing Stone” và ta gọi là “Đá cảnh” hợp lý hơn. Đá được “nuôi” không có giá trị bằng đá đẹp tự nhiên. Thế giới biết nhiều tới Đá cảnh do cục triển lãm Bonsai và Đá cảnh được tổ chức tại Hội chợ Quốc Tế Osaka năm 1970, và từ đó tại các quốc gia trên toàn cầu bắt đầu xuất hiện những hội chơi đá cảnh, mà phần đông là cùng chung với những hội chơi bonsai. Người ta thường phân loại đá cảnh theo kích thước, hình thể, chất cấu tạo, gân đá, màu đá và xuất xứ, nhưng đôi khi những yếu tố trên phối hợp lại thành một tác phẩm mỹ thuật độc đáo mà ta không thể nào xếp loại được:
Kích thước: Đá cảnh do thiên nhiên tạo ra, cho nên kích thước không đồng đều. Người ta phân ra làm nhiều loại tùy theo kích cỡ:
Loại tí hon (Mame) 2.5-15cm ( 1-6 inches).
Loại nhỏ (Kogata) 15-30 cm (6-12 inches).
Loại trung (Hyojun) 30-60 cm (12-24 inches).
Loại lớn (Ogata) 61 cm (21.2 inches) trở lên.
Hình thể: Đá cảnh thường có nhiều hình thù khác nhau, nhưng dạng cổ điển và có nhiều nhất là dạng núi (yamagata-ishi) với hình tam giác. Có khi đá là một trái núi đơn độc, cô phong hay độc phong (koho-seki); có khi là hai ngọn, song phong (soho-seki); có khi là nhiều ngọn, đa phong (rempo-seki). Đôi khi nhiều hình tam giác liên kết với nhau tạo thành một dãy núi, trường sơn (renzan-seki). Hình tam giác này có thể là một hình tam giác đều với 3 chiều bằng nhau, hoặc là hình tam giác cân với 2 chiều bằng nhau, nhưng có khi là những hình tam giác có cạnh không đồng đều, cũng giống như hình thể của núi non thật trong thiên nhiên vậy.
Nếu dưới dạng trường sơn thì ngọn phụ, nhỏ hơn, phải nằm ở phía sau ngọn chính để tạo cho ta cái ảo giác về chiều sâu của một dãy núi trùng trùng, điệp điệp, khơi dậy ở người thưởng lãm tính tò mò, khiến họ phải chú tâm tìm hiểu thêm. Đỉnh chính phải ở vào khoảng 1/3 chiều ngang của dãy núi.
Đá dưới dạng viễn sơn (toyama-ishi), núi nhìn từ xa, là hình dáng đơn giản và cổ điển được người Nhật ưa thích, vì họ cho là viên đá này bao gồm đầy đủ nét thẩm mỹ, tinh thần đạo giáo, cũng như triết lý cao siêu, nên được dùng để làm trọng tâm cho việc tu thiền. Đỉnh của đá dạng này cũng phải theo quy luật là nằm ở khoảng 1/3 chiều ngang của núi, và hơi nghiêng về phía trước hay phía sau, chứ không ở ngay chính giữa. Sườn núi phải dốc thoai thoải từ ngọn xuống. Những ngọn khác cũng phải chếch về phía sau hay ra phía trước, chứ không nằm ngang hàng với ngọn chính.
Đá có dáng cận sơn (kinzan-seki), núi nhìn gần cũng phải theo cùng quy luật trên, nhưng khác ở chỗ những gân đá và những chi tiết nổi lên rõ ràng hơn, giống như khi ta đứng ngay dưới chân núi mà ngắm núi thật vậy.
Đá có dáng núi với thác nước (taki-ishi) được tạo ra bởi chất khoáng có màu lợt hơn màu đá nền núi, trông giống như nước chảy từ giữa khe núi. Nếu thác nước chảy từ giữa hai ngọn núi không cùng một chiều cao, thì quý hơn là thác bắt đầu chảy thẳng từ trên ngọn xuống, vì người thưởng làm sẽ tò mò tới gần để tìm hiểu xem nước bắt nguồn từ đâu; đó chính là điểm nghệ thuật và là giá trị của hòn đá. Thác nước nằm ở vị trí 1/3 chiều ngang của núi thì được coi là đẹp, vì trông không nhàm chán như khi nằm ở ngay giữa ngọn núi. Dòng nước càng xuống phía dưới chân núi càng phải lớn dần, như thác nước từ cao đổ xuống càng gần mặt đất càng tỏa rộng ra vậy.
Đá có dáng núi và suối (keiryu-seki) khác với đá có thác ở chỗ: những vệt đá tượng trưng cho nước chạy theo chiều ngang của núi, chứ không chạy theo chiều dọc, và đường nước lưu thông trông có vẻ nhỏ, vì lượng nước suối chảy yếu hơn lượng nước ở thác. Nếu thác hay suối chạy vòng từ đằng sau hòn đá ra đằng trước, thì viên đá vô giá trị vì trái với sự thật ngoài thiên nhiên. Trường hợp những hòn núi có khe lõm mà không có chất đá khác màu tượng trưng cho nước, thì gọi là Thác cạn, cũng giống như một ngọn núi ngoài thiên nhiên bị thác nước xói mòn thành khe núi, và nước đã bị khô cạn trong mùa nắng ráo.
Ngoài ra, ta còn thấy đá dưới những dạng khác như: một mỏm núi nhô ra biển (amazadori-ishi), một cái hồ ở giữa hay ở lưng chừng núi (mizutamari-ishi), một bình nguyên (doha-ishi), một bậc đá (dan-seki), một hang động (dokutsu-ishi), một ghềnh đá ở bờ biển (iwagata-ishi), hình người, thú vật hay đồ vật như mái nhà, cái thuyền (sugara-ishi) v.v… Những đá sa mạc không có hình thù rõ rệt thì được xếp vào loại trừu tượng (chusho-seki). Tóm lại về hình thể thì đá cảnh có muôn hình vạn trạng, tùy theo óc tưởng tượng của người sưu tầm cũng như khách thưởng lãm.
Chất cấu tạo: Những khoáng chất màu lợt như quartz hay feldspar đã cấu tạo thành suối hay thác nước. Đôi khi các chất khác với nhiều màu sắc đã tạo ra những vân đá như những vằn trên da cọp, hình hoa mà người Nhật ưa thích nhất là hoa cúc, hình lá, hình cảnh trí thiên nhiên như ráng mặt trời, tranh thủy mặc v.v… Những đá loại này thường có nhiều ở Á châu, nhất là tại Trung Hoa và chỉ có giá trị về thẩm mỹ, chỉ được coi là đá đẹp Biseki thôi chứ không được coi là Suiseki.
Gân đá: Người ta cũng còn phân loại đá cảnh dựa theo gân đá; thường có 6 loại chính:
Itomaki: vân chạy ngang dọc trên mặt đá như cái lưới.
Jagure: vằn trên đá giống như vết bò của loài rắn trên mặt cát.
Sudachi: mặt đá có lỗ hoặc những vết lõm sâu khoảng 12mm (1/2 inch).
Shun: đá có những vết hằn, vết cắt rất sâu.
Ryugan: đá có những vệt đậm màu trên nền đá lợt.
Nashijihada: đá có nhiều đốm trên mặt như trái lê Nhật Bản.
Màu đá (shoku): Đá đậm màu có giá trị hơn, mặc dù trên thực tế rất hiếm khi kiếm được một hòn đá cảnh đẹp lợt màu. Màu đá cũng phải tùy thuộc hình dáng của đá, vì không gì khó chịu hơn khi nhìn một hòn đá dáng cận sơn hay viễn sơn màu đỏ hay màu vàng.
Xuất xứ: Người ta còn phân loại đá theo xuất xứ, tức là vị trí đã tìm thấy đá trên thế giới như đá Ligurian Alps ở Ý, đá Murphys ở Sierra Nevada Hoa kỳ, đá Sa mạc (sabaku-ishi) ở miền Tây Nam Hoa kỳ, Úc châu và Phi châu. Đá tại những nơi này có chất cấu tạo đặc biệt, khiến ta không thể nhầm lẫn được với các đá khác.
Đặc điểm của đá cảnh là không có viên nào giống viên nào, vì qua sự xoi mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn, hàng ngàn có khi hàng triệu năm, mỗi viên đá tùy theo địa chất, tùy theo hoàn cảnh thiên nhiên mà có một hình dáng, một sắc thái đặc thù, nhân loại không thể nào bắt chước được. Thường thì người ta để nguyên hình dáng sẵn có của đá để chiêm ngưỡng, nhưng đôi khi cũng khéo léo đục bỏ hay mài dũa bớt những mẩu đá dư thừa để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Những đá được mài bóng bởi máy móc không còn mấy giá trị.
Muốn sưu tầm đá cảnh, ta có thể tìm tới ven biển hay sông ngòi, các vùng sa mạc, nhất là những nơi có vết tích của sông ngòi xưa, nay đã khô cạn ở khắp nơi trên thế giới. Ở Âu châu đá đẹp có tại vùng thung lũng sông Loire, hoặc Massif Central của nước Pháp, vùng Angelsey của nước Anh, vùng sông Aare của Thụy Sĩ. Ở Nam Mỹ đá đẹp có nhiều tại Brazil, Venezuela và Columbia. Ở Bắc Mỹ đá đẹp tìm thấy ở sông Columbia và ở thung lũng sông Fraiser. Ở Hoa Kỳ đá đẹp có ở những vùng sa mạc Arizona, Utah và Nevada. Tại California đá đẹp có tại vùng các sông Russian, Kern, Eel, Klamath và Trinity. Vùng Jade Cove ở Monterey Bay có loại đá đen bóng gọi là Ngọc California (California jade) rất đẹp. Đá cũng có tại Garnet Hill gần Palm Spring, Lake Hill gần Death Valley, vùng núi San Benito và đặc biệt là vùng Clear Creek có loại đá màu tím rất đẹp.
ST
Tin tức khác