Mục lục
“Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân
Vượt lên bão táp đã trăm lần
Mang cả bốn ngàn năm vào trận thắng
Cho Việt Nam tươi sáng mãi những mùa xuân”*
Lời bài hát như lời khẳng định, mà cũng là khẩu hiệu hành động để vượt lên những khó khăn thử thách, khẳng định vị thế và tầm vóc việt Nam đã đánh và đánh thắng 2 đế quốc to, chiến thắng tất cả các thế lực xâm lược, và ngay trên mảnh đất thấm máu quân thù hoa đã nở…sau hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và phát triển vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng, được bạn bè thừa nhận: như Bà Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS khẳng định: Thành công to lớn của Việt Nam ngày càng được công nhận trên trường quốc tế. Việt Nam có nền kinh tế phát triển, có lực lượng lao động hiệu quả, có dòng vốn đầu tư lớn vì lực lượng nhân công có trình độ. Việt Nam có những chính sách kinh tế tốt bên cạnh đó còn là nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và có tiềm năng rất lớn.
Có một câu chuyện nhàn đàm lúc Xuân về cũng đáng nghe như thế này: Trong cuộc tranh luận tại buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964… Tham dự buổi sinh hoạt này hầu hết là người Nhật và Pháp, duy chỉ có Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt. Diễn giả hôm ấy là một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp. Ông ta khởi đầu buổi nói chuyện:
“Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.”
Lời phát biểu đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê. Chính vì thế, khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu: “Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO. Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?
Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách… Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác.
Tôi không biết ngài đối xử với người Việt Nam thế nào, nhưng người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người khác nghe. Nhưng người Việt chúng tôi cũng “chọn mặt gửi vàng”, với những người phách lối có khi chúng tôi không tiếp chuyện. Việc ngài không biết về áng văn nào của Việt Nam cho thấy ngài giao du với những người Pháp như thế nào, ngài đối xử với người Việt ra sao. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vậy mà ông còn dùng đại ngôn trong lời mở đầu”.
Rồi để so sánh với Tanka, Giáo sư đưa ra những câu thơ như: “Núi cao chi lắm núi ơi; Núi che mặt trời, không thấy người yêu” hay“Đêm qua mận mới hỏi đào; Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” để đối chiếu: tức là cũng dùng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình.
Còn về số lượng âm tiết, Giáo sư kể lại câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên, gặp lúc bà Phi của vua Nguyên vừa từ trần. Nhà Nguyên muốn thử tài sứ giả nước Việt nên mời đọc điếu văn. Mở bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ “nhất”. Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác đọc liền:
“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”
Dịch nghĩa là:
“Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!”
Tất cả chỉ 29 âm chứ không phải 31 âm để nói việc người vừa mất đẹp và cao quý như thế nào.
Khi Giáo sư Trần Văn Khê dịch và giải nghĩa những câu thơ này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Ông thủy sư đề đốc đỏ mặt:“Tôi chỉ biết ông là một nhà âm nhạc nhưng khi nghe ông dẫn giải, tôi biết mình đã sai khi vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam, tôi xin thành thật xin lỗi ông và xin lỗi cả dân tộc Việt Nam”…
Và đã lâu lắm rồi chúng ta cứ mơ về 1 huy chương vàng bóng đá Sea Game- 1 giải đấu khu vực vừa sức của chúng ta; thì cũng tại Sea Game 30 năm 2019 tổ chức tại Philippines, Bóng đá Nam đã giành Huy chương vàng, mà lại cả bộ HCV bóng đá nam và HCV bóng đá nữ ! Chúng ta cũng đã giành ngôi vị Á quân tại Thường Châu Trung Quốc trong giải U23 Châu Á- Khẳng định sự vươn lên vượt khỏi “Ao Làng” Sea Game.
Trong Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực tế, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc Đổi Mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế.”
Và ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc- là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của hệ thống Liên Hợp Quốc. Và tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20-9-1977 - 20-9-2022), chúng ta được đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đến thăm Việt Nam- khẳng định và tạo dấu ấn mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Liên Hợp quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc phát biểu khẳng định tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, trở thành mô hình thành công để các quốc gia khác học tập. Tổng Thư ký cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực, nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua đối với công việc chung của Liên Hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực trụ cột, trong đó có việc đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Tổng Thư ký khẳng định Liên Hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; kỳ vọng Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của mình tại Liên Hợp quốc, đóng góp trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; ủng hộ Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò chủ nhà, chủ trì tổ chức các sự kiện, hội nghị quốc tế lớn về biển và đại dương thời gian tới... Đầu tháng 11/2023 Việt Nam vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế và cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động ứng cử và đảm nhiệm tốt vai trò quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 nhiệm kỳ 2022-2023; thành viên Hội đồng khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU (nhiệm kỳ 2022-2025)...Một bước tiến mới gần đây là Việt Nam đã đề cử một số chuyên gia ứng cử, được các nước tín nhiệm bầu và đảm nhiệm xuất sắc cương vị thành viên một số cơ quan tổ chức quốc tế quan trọng như thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ (hai nhiệm kỳ từ 2017-2022 và 2023-2027), thành viên Ủy ban pháp lý và kỹ thuật Cơ quan quyền lực đáy đại dương (nhiệm kỳ 2023-2027), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II Châu Á thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới – WMO (hai nhiệm kỳ 2018-2021 và 2021-2024)…và triển khai lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng và thành công! Người khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(1).
Đảng ta luôn khắc sâu và thực hiện những lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh- thể hiện rõ nét trong các văn kiện, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; và để cụ thể hóa hơn nữa Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và tiếp đó Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII.
Nghị quyết Đại hội XIII đúc kết: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; và Nghị quyết Đại hội XIII đã kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng được khẳng định từ các Đại hội trước về vị trí, vai trò và nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực và nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn kết là sức mạnh; Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cộng với ngoại giao cây tre Việt Nam “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”- năm 2023 có thể khẳng định là một năm đặc biệt thành công của Việt Nam nói chung, và ngoại giao Việt Nam: cùng với nhiều thành công mà Hội nghị ngoại giao 32 chỉ ra, thì chỉ riêng địa vị chủ nhà liên tiếp đón Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden tới thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9, xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững. Và đầu tháng 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Kết quả hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước, góp phần quan trọng vào phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, nâng tầm quan hệ 2 nước trong thời kỳ mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước lớn đã phát triển rất mạnh, rất thành công, tạo không gian, dư địa phát triển cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam cân đối và vững chắc.
“Với những thành tựu to lớn đã đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội…, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.”(3)
“Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo
Không chòng chành nhằm thẳng hướng mà đi...”*./.
*- Lời trong bài hát: Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Nhạc Chu Minh, Thơ Hoàng Trung Thông.
(1). Trích bài nói chuyện tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, tập 1, Nxb CTQG Sự Thật, HN, 2021, tr.34
(3). Trích Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2020) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đào Xuân Dũng- MTTQ tỉnh Hưng Yên