Mục lục
Phát triển du lịch nông thôn là giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. Ngược lại, NTM là nền tảng hỗ trợ phát triển đa dạng, sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu, là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng NTM bền vững.
Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản... Ở Hà Tĩnh, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện trên các khía cạnh, đó là: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch - Nông nghiệp thực hiện và đề xuất của Sở VHTTDL. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) là điểm để đề xuất Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh. Đồng thời lựa chọn, thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền (Vũ Quang), bản Phú Lâm, xã Phú Gia (Hương Khê) là 2 điểm để xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh để tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hương Sơn phối hợp với Sở NN&PTNT và Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại xã Sơn Kim theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Ông Nguyễn Kiều Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút khách du lịch đến các điểm Du lịch như: Đồi chè Sơn Kim, khu du lịch sinh thái nghỉ mát Nước Sốt, bãi tắm Rào Àn, Thác Xai Phố, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khu du lịch tâm linh di tích Hải Thượng Lãn Ông.
Kết hợp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đến với du khách. Hiện nay Hương sơn có 28 cơ sở sản xuất, 49 sản phẩm đã chất lượng OCOP. Thúc đẩy kinh tế phát triển góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững và huyện Hương Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2022.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao cho UBND huyện Vũ Quang và UBND huyện Hương Khê chủ trì xây dựng Đề án thí điểm mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 tại thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) và bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê).
Trên cơ sở phương án, dự toán đã được phê duyệt. Các xã chủ động triển khai thực hiện mô hình thí điểm đảm bảo đúng tiến độ, đạt các mục tiêu đề ra và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng mô hình thí điểm; cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để xây dựng mô hình (ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025). Các Sở, ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ góp ý dự thảo, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến các lĩnh vực chuyên ngành của mô hình thí điểm đã được phê duyệt.
Đây là mô hình kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...
Thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. Ở góc nhìn khác, du lịch nông thôn bao gồm chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn nhằm khai thác các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách ở địa phương hoặc những vùng, miền khác nhau. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng NTM bền vững. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Phát huy bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống nông thôn địa phương Hà Tĩnh, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Đình Xuân – Quốc Chung