Mục lục
Ngày 9/9, tại Đồng Tháp, Vusta phối hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Quang cảnh hội thảo
Ông Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta; Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp; ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Theo số liệu điều tra gần đây, cả nước có khoảng 50 nghìn ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh. Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh, cây cảnh của cả nước và nhiều vùng, địa phương là rất lớn. Doanh thu bình quân từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm, đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta phát biểu khai mạc tại hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Vusta cho biết, hoạt động phổ biến kiến thức là hoạt động quan trọng của Vusta, từ năm 2023, Vusta đã thực hiện tổ chức chuỗi hội thảo tuyên truyền và phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao. Đây là nội dung vừa có giá trị lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, thiết thực đối với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và thành viên, đặc biệt đối với hội viên, nghệ nhận, doanh nhân, nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh. Thời gian qua, ngành hoa, cây cảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều nguồn thu lớn cho nhiều người tham gia, và thực sự ngành hoa, cây cảnh hiện không còn là thú chơi mà đã trở thành một ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù đạt được nhiều tích cực, nhưng hiện việc phát triển hoa, cây cảnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để phong trào sinh vật cảnh trong thời gian tới ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trình bày tại hội thảo
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho hay, phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái với những sản phẩm đặc hữu có giá trị cao. Sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh hướng tới phát triển toàn diện, bền vững với nhiều nhóm ngành, lĩnh vực, đa dạng chủng loại sản phẩm, nhiều sản phẩm có giá trị cao, phấn đấu có các sản phẩm có thương hiệu, tiềm năng thị trường, đủ điều kiện xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, phát triển sinh vật cảnh cần gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đô thị văn minh, môi trường xanh, sạch, làm giàu cho quê hương, đất nước. Do đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, hội viên, nghệ nhận, doanh nhân, nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh cần có sự chủ động, tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Ông Lê Minh Hùng – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp
Ông Lê Minh Hùng – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong nhiều năm qua, các hội thành viên đã chủ động xây dựng chuơng trình công tác, phối hợp cùng với Liên hiệp Hội tỉnh. Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với các Hội thành viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Qua đó, góp phần định hướng cho mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở các Hội thành viên và Liên hiệp Hội.
Ông Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả
Theo Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, muốn phát triển hoa, cây cảnh có hiệu quả cao thì phải gắn phát triển theo hướng thị trường, gắn với phát triển du lịch; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.
Ông Đặng Văn Đông nhận định, để phát triển ngành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần có giải pháp cơ chế chính sách; Giải pháp về khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất; Giải pháp quy hoạch, gắn với đầu tư; Giải pháp tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; Giải pháp phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh; Giải pháp về công tác thông tin tuyên truyền.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều ý kiến về chất lượng hoa, cây cảnh hiện nay bao gồm cả tiêu chí về mức ô nhiễm nông dược trên sản phẩm, do vậy việc kiểm soát ô nhiễm hoá chất là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong xuất hoa, cây cảnh.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Một số đại biểu cho rằng cần đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo chuyên môn, tạo điều kiện để hội viên, người nông dân nâng cao kỹ năng và kiến thức về phát triển hoa, cây cảnh. Đồng thời, cần tạo ra môi trường làm việc thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong ngành.
Để phát triển ngành sinh vật cảnh thời gian tới, theo ý kiến của các đại biểu cần xây dựng các chương trình, chính sách để sinh vật cảnh có nhiều điều kiện phát triển, tham gia đóng góp và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong sản xuất đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tăng cường chuyển giao công nghệ kỹ thuật, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, ngành sản xuất hoa, cây cảnh đang từng bước phát triển gắn với yếu tố bền vững, tiến tới trở thành ngành đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng; góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Theo: Vusta