Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 3:44:25 PM

Hội nghị hợp tác phát triển ngành hoa lan Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc)

26/09/2024

Mục lục

VNHS - Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, phát triển các giống hoa lan giữa Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam  (FAVRI) và Hiệp hội phát triển sản xuất và thương mại Hoa Lan Đài Loan (TOGA), sáng ngày 24/ 9/2024 tại Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam đã diễn ra Hội nghị hợp tác phát triển ngành hoa lan Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc). Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hoàng Yến Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác - Bộ NN và PTNT, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng - Viện Trưởng, PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam, GS Trần Duy Quý Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh Hoa lan Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, Ông Tseng Chun Pi - Tổng thư ký Hiệp hội phát triển sản xuất và thương mại Hoa Lan Đài Loan và gần 200 đại biểu là các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm vườn tại các tỉnh thành của Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu hoa lan của Đài Loan.

Toàn cảnh Hội nghị

Những năm gần đây, Hoa lan Hồ Điệp được người tiêu dùng yêu thích, số lượng cũng như chủng loại hoa phong phú với nhiều ưu điểm so với các chủng loại hoa khác, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất hoa Lan Hồ điệp tại Việt Nam hiện nay còn rất nhiều hạn chế, bất cập như thiếu bản quyền về giống, chưa chủ động nguồn cây giống, vốn đầu tư lớn, quy mô còn manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu thông tin về thị trường trong và ngoài nước...

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác - Bộ NN và PTNT phát biểu khai mạc Hội nghị

Việc đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất và tiêu thụ là cơ sở đề xuất một số giải pháp, kiến nghị, góp phần phát triển ngành sản xuất hoan Lan Hồ Điệp ở Việt Nam. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hoa cây cảnh, tính từ 2017 - 2023, tổng diện tích nhà lưới trồng Lan Hồ Điệp cả nước tăng > 2 lần, từ 33,83 đến 82,80ha trong đó miền Bắc 17ha tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; miền Nam 65ha tập trung tại Lâm Đồng, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng từ 10%.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng - Viện Trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam đơn vị chủ nhà tổ chức Hội nghị

Năm 2023, số lượng cây thương phẩm Lan Hồ Điệp sản xuất trong nước khoảng 17,71 triệu cây trong đó miền Bắc 3,5 triệu cây và miền Nam trên 14 triệu cây. Tuy nhiên, cây giống nhân bằng nuôi cấy mô ở trong nước mới đáp ứng 8,5%, số còn lại phải nhập khẩu cây con các loại từ Trung Quốc đại lục (41%) và Đài Loan (51%).

Ông Tseng Chun Pi - Tổng thư ký Hiệp hội phát triển sản xuất và thương mại Hoa Lan Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm về sự phát triển của ngành hoa Lan Hồ Điệp của Đài Loan

Về giá trị nhập khẩu, năm 2023 Việt Nam đã chi khoảng 43,7 triệu USD nhập khẩu hoa lan hồ điệp, 6 tháng đầu năm 2024 tổng kim ngạch nhập khẩu đã đạt khoảng 68,5% của cả năm 2023. Theo báo cáo của Hiệp hội phát triển sản xuất và thương mại Hoa Lan Đài Loan, từ năm 2017 đến năm 2023 Việt Nam luôn nằm trong 4 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu hoa lan lớn nhất từ Đài Loan, chỉ đứng sau Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản. Năm 2023, giá trị xuất khẩu hoa lan của Đài Loan sang Việt Nam ước đạt 18,6 triệu USD. Bên cạnh việc nhập khẩu số lượng lớn hoa Lan Hồ Điệp của Đài Loan, Việt Nam cũng là một trong những nước nhập khẩu Lan Hồ Điệp lớn nhất từ các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam (Trung Quốc).

TS. Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội SVC Việt Nam (áo trắng) đến dự và trao đổi bên lề Hội nghị với PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng - Viện Trưởng, PGS.TS. Đặng Văn Đông Viện phó Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam

Theo báo cáo tại Hội nghị, duy nhất cả nước là tỉnh Lâm Đồng có xuất khẩu Lan Hồ Điệp ra các thị trường Nhật Bản, Trung Đông, Đông Nam Á, Hàn Quốc khoảng 20% còn lại 80% được tiêu thụ tại thị trường nội địa do địa phương có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất. Đối với sản xuất Lan Hồ Điệp tại miền Bắc, 100% được tiêu thụ nội địa.

Do đặc thù văn hóa, thói quen cũng như nhu cầu, Hoa Lan Hồ Điệp thường được tiêu thụ chính vào dịp tết Nguyên đán chiếm tới 90% sản lượng, số lượng còn lại được tiêu thụ rải rác.

Các đại biểu về dự chụp ảnh lưu niệm

Cũng tại Hội nghị, TS. Đặng Văn Đông cho rằng Hoa Lan Hồ Điệp còn rất nhều dư địa để sản xuất, để đáp ứng thị trường trong nước, cần có chiến lược bài bản, kế hoạch dài hơi, kiến nghị đề xuất với Bộ NN & PTNT, Chính phủ cần có chính sách ưu tiên cho phát triển sản xuất như ưu đãi về đất đai, hỗ trợ vốn đầu tư, ưu tiên cho nghiên cứu, hợp tác sản với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất cây giống, giảm giá thành sản xuất, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, từng bước đưa ngành sản xuất Hoa Lan Hồ Điệp phát triển bền vững.

Rất nhiều giống hoa Lan Hồ Điệp được Ban tổ chức trưng bày tại Hội nghị để bầu chọn cho sản xuất vào năm tới tại thị trường Việt Nam 

Bài và ảnh Khánh Huyền

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng