Mục lục
Nhắc đến làng nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, không thể bỏ qua cái tên Làng gốm Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng không chỉ là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền đời của Hà Nội, mà còn một trong những nguồn cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Làng gốm Bát Tràng ngày nay là địa điểm du lịch rất hấp dẫn ở gần Hà Nội, thu hút nhiều người muốn tìm hiểu về kỹ nghệ làm gốm, cũng như mua về nhà những sản phẩm gốm xuất sắc nhất tại đây.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, nằm ở tả ngạn sông Hồng (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.
Sau hơn 700 năm tồn tại và phát triển, Làng gốm Bát Tràng ngày nay trở thành trung tâm sản xuất gốm sứ có quy mô chuyên nghiệp, với nhiều công ty lớn lớn được thành lập bên cạnh những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Dẫu vậy, ngôi làng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đáng quý và giá trị nghệ thuật được đặt vào từng sản phẩm.
Ngoài các mặt hàng phục vụ đời sống tâm linh, cúng bái của người Việt, các lò gốm ở Bát Tràng còn làm ra sản phẩm tiêu dùng, trang trí, trưng bày với mẫu mã, kiểu dáng, và chất liệu hiện đại hơn. Các tuyệt phẩm gốm Bát Tràng hiện nay đã có mặt khắp nơi trên thị trường Việt Nam, và còn được xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Âu, châu Á, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu mới chỉ chiếm 20% sản phẩm được sản xuất tại đây.
Làng gốm Bát Tràng nằm tại xã Bát Tràng, bao gồm thôn Giang Cao và thôn Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến năm 1964, xã Bát Tràng chính thức được thành lập, Làng gốm Bát Tràng bắt đầu ổn định và phát triển hơn.
Làng gốm Bát Tràng như một bảo tàng sống động
1. Làng cổ Bát Tràng
Dạo quanh khu vực làng cổ, đi dọc đường đê, hay len vào những con ngõ nhỏ là một trong những điều thú vị khi đến Làng gốm Bát Tràng. Những giàn phơi gốm dọc đường làng, những bức tường phủ rêu, cổng làng, sân đình, cột đá... chắc chắn sẽ làm nền cho những bức hình đậm chất vintage của bạn.
2. Chợ gốm Bát Tràng
3. Trải nghiệm làm gốm Bát Tràng
Sau khi dạo chơi trong chợ, bạn ra phía cổng chợ và đăng ký trải nghiệm tự tay làm gốm. Với chiếc bàn gốm xoay, và được chỉ dẫn tận tình về cách tạo hình, tạo mẫu, bạn đã có thể thử tài nặn gốm, và sáng tạo theo ý mình. Sau khi chế tạo xong, nếu bạn muốn nung cho ra sản phẩm hoàn thiện để làm kỷ niệm, bạn phải trả thêm chút kinh phí cho việc nung và gửi về địa chỉ bạn đã đăng ký.
4. Nhà cổ Vạn Vân
Vạn Vân có ý nghĩa là những áng mây lành hội tụ. Nhà cổ Vạn Vân là nơi lưu giữ sản phẩm của các làng nghề, nhiều nhất là gốm sứ Bát Tràng. Nằm ở cuối làng Bát Tràng, ngôi nhà cổ thích hợp để bạn ghé đến nghỉ chân, chiêm ngưỡng bộ sưu tập hơn 400 món đồ gốm sứ cổ quý giá có niên đại khoảng trên 500 năm.
5. Bảo tàng gốm Bát Tràng
Tọa lạc ở thôn 5, xã Bát Tràng, Bảo tàng gốm Bát Tràng là một địa điểm giới thiệu sản phẩm gốm sứ, bảo tồn văn hóa, bảo tàng còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, kết hợp đưa đến trải nghiệm làm gốm thủ công cho du khách, và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Ấn tượng trong thiết kế với 7 xoáy ốc khổng lồ đấu vào nhau, dựa trên ý tưởng bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện, tạo thành một khối kiến trúc uốn lượn rất mềm mại, công trình này sử dụng triệt để các vật liệu địa phương như gạch nung và ngói Bát Tràng để tôn vinh nét mộc mạc, và bình dị của làng nghề truyền thống.
6. Lò gốm cổ còn lại được bảo tồn
Một điểm đến thú vị nữa, du khách không nên bỏ qua trong hành trình tham quan là đến thăm lò bầu cổ duy nhất còn sót lại của Bát Tràng. Lò cổ này gồm có 5 bầu, có tuổi đời gần 100 năm. Trước kia, lò bầu này được dùng để nung gốm theo cách thức thủ công. Tuy nhiên, ngày nay, người Bát Tràng đã sử dụng kỹ thuật nung hiện đại để tránh gây ô nhiễm môi trường, lò bầu cổ được giữ lại để khách tham quan.
Du khách có thể chui được vào bên trong các lò bầu này, xem không gian sắp đặt các bình nung được mô phỏng như cách sắp xếp lò nung trước kia. Ngoài ra, du khách còn được thấy lớp gạch phía bên trong lò được phủ một lớp tráng men đẹp mắt sau 100 năm nung gốm.
7. Sản Phẩm Làng Gốm Bát Tràng
Việt Nam có rất nhiều làng gốm nổi tiếng khắp từ Bắc chí Nam, nhưng đâu là nét độc đáo của sản phẩm gốm Bát Tràng, giúp khẳng định tên tuổi, thương hiệu của làng nghề cổ này?
Để làm ra một sản phẩm gốm sứ Bát Tràng hoàn hảo, các nghệ nhân Bát Tràng phải trải qua hai công đoạn chính: Tạo cốt gốm và họa tiết, sau đó là phủ men. Những sản phẩm của Bát Tràng luôn có chất riêng và nổi bật với lớp men sáng bóng, họa tiết sắc nét, với độ bền rất cao, không lo bị hỏng hay vỡ nét qua thời gian.
Khánh Huyền