Mục lục
Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, đang từng bước tham gia xuất khẩu sản phẩm… Tuy nhiên, để nâng cao giá trị gia tăng, trở thành ngành kinh tế sinh thái, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… ngành trồng hoa, cây cảnh cần có cơ chế và kế hoạch phát triển bài bản, phù hợp đối với mỗi địa phương.
Thực trạng phát triển trồng hoa, cây cảnh
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35.000ha tập trung chuyên canh hoa, cây cảnh. Trong vòng 15 năm qua, diện tích hoa, cây cảnh đã tăng hơn 2,3 lần; giá trị sản lượng tăng trên 7,2 lần. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh tại các tỉnh, TP cho giá trị vượt trội từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm…
Tại một số tỉnh như: Hà Nội, Lào Cai, Mộc Châu, Sơn La, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam... mức tăng giá trị trên một đơn vị ha trồng hoa, cây cảnh cao gấp 2-3 lần so với các cây nông nghiệp khác. Nhiều mô hình đạt từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/ ha/năm. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh đã có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành rau, hoa quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm việc làm, cải thiện môi trường sống, tạo điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Nhu cầu về hoa cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng mạnh. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, nhu cầu hoa cây cảnh bình quân tăng khoảng 15%/năm, đây được xem là tiền đề cho việc phát triển trồng hoa, cây cảnh thành hàng hóa lớn.
Phát huy tối đa tiềm năng hoa, cây cảnh trong nước
Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có rất nhiều lợi thế để phát triển hoa cây cảnh. Vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ còn rất nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát mẻ quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa, giống hoa cao cấp. Đặc biệt như tại Mộc Châu - Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có điều kiện để hình thành các trang trại, các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) những năm gần đây cũng đã xác định thế mạnh và tính hiệu quả của lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây lương thực thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp… đã được đầu tư nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hoa. Nhiều địa phương từ nguồn đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh cũng quan tâm đầu tư cho việc nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ về hoa như hoa hồng, hoa ly, nhân giống hoa đồng tiền, hoa cúc… Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà kính nhà lưới, nuôi cấy tế bào, giao thông và cấp thoát nước, tưới phun mưa, nhỏ giọt được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp.
Điển hình là Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Cụ thể, tại huyện Thường Tín có các làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân); thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo); tại huyện Mê Linh có làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh), thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); tại huyện Gia Lâm có làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng); tại quận Bắc Từ Liêm có làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu)… hiện Hà Nội xác định một số sản phẩm: Hoa lan, hoa hồng, hoa lily, hoa đào là sản phẩm chủ lực được khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển. Đây cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 8 sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch Sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; xây dựng Tuyến phố văn minh thương mại Sinh vật cảnh Vạn Phúc, Hà Đông; khuyến khích nhiều phong trào Sinh vật cảnh trong xây dựng Nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, con đường bích họa; phong trào thêm hoa bớt rác…
Những khó khăn trong ngành trồng hoa
Bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều khó khăn trong phát triển bền vững ngành hàng hoa, cây cảnh, bởi thực tế ở nước ta, mới duy nhất có Đà Lạt đầu tư trọng điểm phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất hoa. Còn lại đa phần quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; các giống chất lượng cao thường không chủ động sản xuất mà hầu như phải nhập nội; biến đổi khí hậu và những tác động của nó khiến việc điều tiết thời vụ, năng suất, chất lượng hoa, cây cảnh dễ bị ảnh hưởng, rủi ro cao. Đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh, nhất là áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn, vượt khả năng đầu tư của nông dân. Chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp với lĩnh vực này. Quy hoạch vùng hoa cây cảnh còn bất cập, cần được rà soát, điều chỉnh. Thị trường và cạnh tranh trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu và tham gia vào các hiệp ước TPP, FTA và khối cộng đồng ASEAN...
Người nông dân còn thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng trồng hoa. Nông nghiệp công nghệ cao là nhà máy cho sản phẩm đầu ra thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cũng phải có nhà xưởng, có máy móc thiết bị, công nhân, phải có quy trình kỹ thuật. Ví dụ: Mỗi ha nhà kính của công ty Dalathasfarm giá khoảng 7-8 tỷ đồng. Mỗi ha nhà kính của công ty Apolo đầu tư khoảng 3 triệu USD. Nhà kính mà nông dân hay các công ty Việt Nam nhập về từ nước ngoài chất lượng có thể chấp nhận được cũng phải 5 tỷ đồng/ ha. Người sản xuất hết lòng trông chờ vào các chính sách cho vay vốn trung và dài hạn của nhà nước
Chính sách thuế chưa thỏa đáng. Chúng ta chưa có chính sách thuế phù hợp để thúc đẩy ngành trồng hoa công nghệ cao phát triển đúng với tiềm năng vốn có. Vẫn còn thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến. Sản xuất hoa hướng tới sản xuất theo công nghệ cao với cả dây truyền thiết bị tiên tiến liên hoàn tử sản xuất đến thu hoạch, bảo quản chế biến. Về mặt này chúng ta hoàn toàn cần được trợ giúp và chuyển giao. Hơn thế nữa hầu hết các giống hoa đang được trồng ở Việt Nam là nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài nên không có bản quyền không thể xuất khẩu.
Định hướng phát triển hoa, cây cảnh theo hướng bền vững
Mong muốn lớn nhất hiện nay của các nhà quản lý, các chuyên gia và cả nông dân là làm thế nào để xây dựng nước ta trở thành một trung tâm về sản xuất hoa, cây cảnh có chất lượng cao, phong phú đa dạng về chủng loại, mang tính hàng hoá ở khu vực các nước ASEAN, để cung cấp cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Đồng thời, làm sao để xây dựng các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, đề ra các chính sách phù hợp để thúc đẩy nghề sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, đúng hướng, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Bởi thế, trên cơ sở tiềm năng và thuận lợi để phát triển, ngành NN&PTNT đã gắn định hướng phát triển hoa cây cảnh với chương trình phát triển công nghệ cao trong trồng trọt. Theo đó, hoa là lĩnh vực có cơ hội và điều kiện để gắn với hệ thống sản xuất công nghệ cao, nhà kính nhà lưới, sản xuất theo quy mô công nghiệp. Còn lĩnh vực cây cảnh, cây thế cần tận dụng lợi thế của các vùng sản xuất truyền thống, đã trở thành làng nghề, rà soát để quy hoạch lại, xây dựng cơ chế đặc biệt cho vùng này về đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, chính sách thông thoáng cho chuyển đổi, lấy vùng chính làm hạt nhân với hệ thống các vùng vệ tinh. Đồng thời, kết hợp các vùng hoa, cây cảnh, cây thế với du lịch sinh thái, kết nối với du lịch tâm linh và các điểm du lịch danh lam, thắng cảnh; Kết hợp giữa việc xây dựng, hình thành khu sản xuất hoa, cây cảnh với đào tạo cho học sinh, sinh viên, đặc biệt học sinh các cấp tiểu học, trung học, như hình thức trải nghiệm từ thực tế nhằm hình thành nhân sinh quan và cách sống hòa đồng với thiên nhiên, yêu thiên nhiên.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư nguồn lực cho khoa học công nghệ, nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống hoa, cây cảnh, chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới. Hỗ trợ để xây dựng các mô hình, chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế chính sách về đất đai, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực hoa cây cảnh; đặc biệt việc hình thành các doanh nghiệp chuyên môn sản xuất cung ứng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh, cây thế, cây bon sai; hoa chậu, cây lá màu với giá thể hữu cơ, xanh, sạch cung cấp cho hộ gia đình, công sở và các địa bàn công cộng nhằm cải thiện môi trường, làm sạch không khí, tạo cho khắp nơi một không gian sạch xanh.
Đặc biệt, hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa cây cảnh, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp, tìm kiếm mở các thị trường xuất khẩu không chỉ hoa mà cả cây cảnh, cây thế cây bon sai. Củng cố nâng cao sức mạnh và kết nối theo chuỗi sản xuất của hệ thống hộ với doanh nghiệp, hình thành hiệp hội hoa ở các vùng trọng điểm được quy hoạch nhằm hỗ trợ nhau trong khoa học, công nghệ, thị trường.
HV