Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, November 17, 2024 11:23:10 AM

Sinh vật cảnh là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

19/10/2023

Mục lục

Vai trò của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam với phát triển ngành kinh tế sinh thái sinh vật cảnh.

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (SVC) là một trong số ít hội xã hội nghề nghiệp được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 1989, đến nay đã trên 34 năm hoạt động với quy mô hoạt động cả nước, chịu sự quản lý về tổ chức của Bộ Nội vụ, về chuyên môn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hội là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Hội có tổ chức từ Trung ương (Hội SVC Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, hội viên trực tiếp), các Hội SVC cấp tỉnh, thành phố. Cả nước hiện có trên 400 Câu lạc bộ chuyên ngành, gần 5000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hơn 11.000 nhà vườn, trên 50 làng nghề  SVC được các cấp có thẩm quyền công nhận.

Chủ tịch Hội SVC Việt Nam ông Nguyễn Hữu Vạn phát biểu tại hội thảo "Đề xuất giải pháp thực hiện nghị định 52/ND-CP ngày 12/4/2018 của  Chính phủ về phát triền ngành nghề nông thôn gắn với phát triển ngành kinh tế SVC"

SVC tuy thuộc lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, nhưng phạm vi, lĩnh vực hoạt động, sản phẩm SVC lại rất đa dạng, phong phú: Hoa cảnh, Cây cảnh, Cá cảnh, Vật nuôi cảnh (Chó, Mèo, Gà cảnh, Chim cảnh), Đá cảnh, Gỗ lũa nghệ thuật, Cảnh quan sân vườn, dịch vụ phụ trợ (phân bón, đất, giá thể, dụng cụ chế tác, thiết kế, đồ họa...).

SVC vừa là thú chơi mang đậm bản sắc văn hóa, có tính nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế xanh mang lại hiệu quả cao. Sản phẩm SVC đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của đời sống, gắn liền với sự phát triển xã hội. Không chỉ làm đẹp, là món ăn tinh thần, SVC còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xanh, sạch, đẹp khu dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái... Những năm gần đây, SVC đang trở thành một ngành kinh tế đặc hữu, sinh thái với những sản phẩm có giá trị cao cả về văn hóa và kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Nguyên Bộ trưởng NN & PTNT phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội SVC Việt Nam khoá VII, nhiệm kỳ 2022 - 2026

Phong trào SVC phát triển rộng khắp cả nước, là một phần của đời sống xã hội, gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội, các dịp Lễ, Tết, ngày hội văn hóa truyền thống của dân tộc... Hoạt động hội chợ, triển lãm, trưng bày SVC không chỉ làm cho cuộc sống thêm vui tươi, hạnh phúc, mà còn mang lại những giá trị kinh tế không nhỏ cho người nông dân, hội viên, cơ sở sản xuất, kinh doanh SVC. Những năm gần đây, hoạt động SVC không chỉ diễn ra trong nước, mà đã mở rộng giao lưu, tham gia các hoạt động trưng bày, triển lãm SVC quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...

Tiềm năng phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh

Việt Nam là quốc gia rất có tiềm năng phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và kinh tế SVC, trong đó thế mạnh rất lớn về phát triển hoa cảnh, cây cảnh, cây bóng mát.

Là quốc gia đông dân, xấp xỉ 100 triệu người, người dân Việt Nam có truyền thống, bề dày văn hóa, rất ưa chuộng hoa cảnh, cây cảnh, cây bóng mát. Hoa, cây cảnh được sử dụng cho nhiều mục đích: từ đón chào năm mới, trang trí lễ hội, đón tiếp khách, chúc mừng sinh nhật, chúc mừng khai trương, thành đạt, bày tỏ tình cảm, chia vui, sẻ buồn… đặc biệt là nhu cầu trang trí nội, ngoại thất, cảnh quan và nhu cầu tâm linh tại gia đình, cơ sở thờ tự. Nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ngày càng tăng (bình quân 15%/ năm).  

 

Nguồn lao động dồi dào, cần cù, sáng tạo, với khoảng 70% dân số sống ở vùng nông nghiệp, nông thôn. Người Việt Nam rất cần cù, khéo léo, sáng tạo và có khả năng thích ứng nhanh với xu hướng ứng dụng công nghệ. Nguồn nhân lực thành thạo nghề nông nghiệp và sản xuất hoa, cây cảnh rất lớn. Kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với những nghệ nhân tài ba, gắn bó nghề nông nghiệp và làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh lâu đời. Nghề trồng, kinh doanh cây bóng mát, cây công trình cũng đang được quan tâm, phát triển. Nghề sản xuất, kinh doanh SVC giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, giữ chân lao động nông thôn cho hàng chục vạn hộ gia đình.

Việt Nam có thế mạnh về tự nhiên, địa hình, địa vật, sinh thái của Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp nói chung và SVC nói riêng. Nguồn tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, phù hợp với phát triển nhiều loại hoa cảnh, cây cảnh. Nguồn gen hoa cảnh, cây cảnh phong phú, trong đó có nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chúng ta có thị trường nội địa tiềm năng với xu thế đô thị hóa nhanh. Nhiều tỉnh, thành phố đã nhận thức, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của SVC để phát triển kinh tế - xã hội. Theo số liệu điều tra, hiện cả nước hiện có trên 50 nghìn ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh, doanh thu bình quân từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm; giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm. Những năm gần đây, nhờ có các chính sách phù hợp, lĩnh vực nông nghiệp và sinh vật cảnh đang có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để khai thác thế mạnh SVC, nhiều địa phương đã quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh: Hà Nội (5.300ha, xây dựng làng nghề Đào cảnh, Quất cảnh, Hoa cảnh ở Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Tựu, Vân Tảo, Hồng Vân, Phù Đổng.... Bắc Ninh phát triển làng nghề cây cảnh Phú lâm. TP Hải Phòng phát triển làng nghề Hồng Thái, Đặng Cương, Đồng Thái. Hưng yên có làng nghề cây cảnh, hoa cảnh Phụng Công, Thắng Lợi, Xuân Quang - Văn Giang. Thái Bình có làng nghề sinh vật cảnh và du lịch Bách Thuận -Vũ Thư. Nam Định phát triển làng nghề hoa cảnh, cây cảnh ở Xuân Trường, Ý yên, Hải Hậu; duy trì truyền thống Lễ hội tôn vinh Tổ nghề trồng hoa, cây cảnh tại Điền Xá - Nam Trực. Ninh Bình phát triển cây cảnh ở Tam Điệp. Phú Thọ có làng nghề Cá chép đỏ Thủy Trầm - Cẩm Khê). Thanh Hóa có các làng nghề hoa, cây cảnh ở Triệu Sơn. Quảng Ngãi có làng nghề cây cảnh Xuân Vinh - Nghĩa Hành. Bình Định có các làng nghề trồng Mai cảnh ở An Nhơn. Long An có các làng nghề Mai cảnh ở Thạnh Hóa. Trà Vinh có làng nghề hoa cảnh Long Đức. Cần Thơ có các làng nghề hoa cảnh Bình Thủy, Thới Lai. Bến tre quy hoạch 31 làng nghề trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc. Đồng Tháp có làng nghề trồng hoa cảnh, cây cảnh nổi tiếng về quy mô ở TP. Sa Đéc...

Một số giải pháp về phát triển kinh tế sinh vật cảnh góp phần nâng cao hiệu quả cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn

Trước hết cần bám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chính sách về phát triển sinh vật cảnh, như: Triển khai Nghị định 52 của Chính phủ ban hành 2018, trong đó xác định ngành sản xuất và kinh doanh SVC là một trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Trước mắt triển khai Đề án phát triển hoa cây cảnh Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.

Thứ hai : Cần tích cực khai thác, phát huy tiềm năng tại chỗ, nguồn lực tại chỗ để phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Những năm gần đây, nhờ có các chính sách phù hợp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và SVC đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng nhiều năm từ 2,8% đến 3%/năm, nông nghiệp, nông thôn được đánh giá “Có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng... góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân” (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII). SVC đã khẳng định vị thế, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Ngành kinh tế SVC đang hình thành với những sản phẩm đặc hữu, sinh thái, có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế.

Thứ ba:  Muốn phát triển kinh tế sinh vật cảnh cần gắn các mục tiêu phát triển, sự kiện, hoạt động của Hội với chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…

Thứ tư:  Các cấp Hội cần quán triệt sâu sắc, đổi mới nhận thức để theo kịp định hướng, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Những nội dung NĐ 52/NĐ-CP và các chính sách phát triển nông nghiệp, SVC phải được cụ thể hóa, đưa vào nghị quyết BCH, chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm và toàn khóa. Phong trào SVC sẽ đơn điệu, không theo kịp yêu cầu của cuộc sống xã hội nếu chỉ tổ chức triển lãm, trưng bày cuối năm, đầu Xuân. Lãnh đạo các cấp Hội không thụ động trông chờ, mà phải chủ động tư vấn, đề xuất, tham gia vào quá trình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là các giải pháp phát triển SVC gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; gắn với du lịch sinh thái, gắn với hoạt động nhà vườn, làng nghề, sản xuất, kinh doanh SVC; gắn với trình diễn tay nghề, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc hữu. SVC gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại với không gian, môi trường đáng sống và nông dân văn minh với sự những sản phẩm sáng tạo, có giá trị cao về văn hóa, tinh thần, kinh tế...

Trên cơ sở các lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp, các cấp Hội cần xây dựng một số đề án, mô hình phát triển sinh vật cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Cần quan tâm các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, khai thác hiệu quả các sản phẩm sinh vật cảnh truyền thống, coi đó là một lợi thế của địa phương; phát huy vai trò đi đầu và sự sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao để tạo ra các sản phẩm đặc hữu, đạt chất lượng cao, sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế, thẩm mỹ cao. Đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu, giao lưu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh.

Mỗi Nhà vườn, Làng nghề SVC cần được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, sạch, đẹp, thân thiện, trở thành mô hình “Du lịch SVC”, “Làng nghề du lịch SVC”, thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều khách hàng và du khách đến tiếp cận, chiêm ngưỡng sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc sinh vật cảnh. Tăng cường các hoạt động  phối hợp, kết nối, tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết giữa người sản xuất, nhà kinh doanh, dịch vụ phụ trợ; gắn kết các khâu sản xuất, chăm sóc, bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm sinh vật cảnh. Xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh chính là xây dựng thành công sự gắn kết, hiệu quả các công đoạn làm nên chuỗi giá trị cho sản phẩm sinh vật cảnh.

Thứ năm: Các cấp Hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác thi đua khen thưởng, phát hiện, vinh danh nghệ nhân, đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, vinh danh nghệ nhân, công nhận nhà vườn, làng nghề, vinh danh và công nhận các danh hiệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

Vấn đề cuối cùng: Phát triển tổ chức, hoạt động hội, phát triển kinh tế SVC đang đứng trước những cơ hội to lớn và thuận lợi. Kinh tế SVC không thể tách rời quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị xanh, sạch, văn minh. Một mặt cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, mặt khác cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách của Nhà nước, trọng tâm là các chính sách về nông nghiệp, nông thôn. Đó là trách nhiệm, là mong muốn của mỗi cá nhân và tổ chức Hội SVC Việt Nam.

Mạnh Quỳnh- Ngọc Văn 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng