Tản văn của Nguyễn Doãn Lương
Tháng ba, khi những cơn mưa như rắc bụi cũng đã thưa dần, giọt nắng cuối xuân đã bắt đầu rọi lên trên những kẽ lá. Cũng là lúc tôi như muốn gom những màu hoa của tháng, vội gói gém cất giữ vào ký ức của riêng mình. Quê ai đó, có sắc trắng hoa ban hay tím ngát hoa tam giác mạch, hoa bưởi đưa hương…
Còn với quê tôi, thì cây gạo đầu làng vẫn hết mình cháy rực, càng nắng càng tươi và ngọt như nụ môi con gái. Có không ít bài hát, áng thơ văn gắn liền với loài hoa mộc mạc mà rực rỡ, kiêu sa này. Hoa gạo gợi nỗi niềm thương nhớ, bâng khuâng khôn tả… Đoàn Thị Tảo viết nên bài thơ “Cho một ngày sinh”, sau này trở thành những ca từ đầy da diết, vang mãi trong trái tim nhân loại bài hát “Chị Tôi” của nhạc sỹ Trọng Đài.
“Thế là chị ơi
Rụng bông hoa gạo đỏ
Ô hay, trời không nín gió
Cho ngày chị sinh…”
Và loài hoa ấy, đẹp đến nao lòng ngay cả khi rụng xuống, với sắc đỏ rực rỡ.
“Hoa gạo đẹp kiêu kỳ đến vậy
Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son”
(Nguyễn Khắc Hào - Hoa gạo).
Tháng ba, làm sao tôi quên được, dáng mẹ tảo tần trên đồng làng hôm sớm. Từ gốc rạ, mớ rau, con ốc và cái tép… Đều mang dáng hình của mẹ yêu sao, đôi bàn tay chai rộp, giải nắng dầm sương cả đời bươn chải gánh gồng vất vả. Và rồi đôi bàn tay ấy, bây giờ vẫn chưa thôi nghỉ ngơi để nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Thương sao khi đôi mắt mẹ đã hằn lên những vết chân chim in dấu thời gian, đói khổ “ điệp khúc” tháng ba giáp hạt.
Tháng ba, ươm vàng góc phố, mùa con ong đi lấy mật… là hình ảnh của sự sống động tươi mới ngập tràn hạnh phúc. Mỗi khoảnh khắc trên con phố là những hình ảnh đẹp, câu chuyện khó phai, làm cho tháng ba trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn, trong trái tim của mỗi người.
Tin tức khác