Mục lục
Trong quá trình trồng và chăm sóc cây cảnh, hầu hết mọi người, đặc biệt là những người mới tham gia vào lĩnh vực này, đều mắc phải một số sai lầm khiến cây ngày càng yếu đi,thậm chí có thể làm cây bị chết. Dưới đây là một số sai sót cơ bản chúng ta cần tránh để có thành quả là một tác phẩm cây bonsai khỏe mạnh, có dáng thế đẹp và tuổi thọ cao.
Sai lầm lớn nhất trong quá trình trồng và chăm sóc cây cảnh là tưới nước quá mức cần thiết. Chúng ta thường chăm chút cho cây quá nhiều dẫn đến tâm lý sợ cây khát và ngày nào cũng tưới. Một số loại cây có nhu cầu hút nước nhiều hơn các cây khác, tuy nhiên hầu hết các cây bonsai đều không cần tưới nước mỗi ngày. Đặc biệt, khi cây được trồng trong các bồn, chậu thoát nước chậm hoặc các loại đất giữ nước, rễ cây sẽ bị thối và cây nhanh chết.
Phần lớn, cây cảnh nên được trồng trong chậu đất thoát nước tốt để tránh tình trạng rễ bị ngấm nước liên tục. Kỹ thuật tưới nước cho cây cảnh đúng là chỉ tưới nước cho cây khi thấy bề mặt đất bắt đầu có hiện tượng khô.
Nhiều người không coi trọng việc bón phân cho cây cảnh vì nghĩ chúng không cần nhiều chất dinh dưỡng như các loại cây ăn quả, tuy nhiên đây được cho là một trong những sai lầm khá phổ biến khiến cây yếu dần và có thể bị chết. Cây cối trong tự nhiên có bộ rễ to, dài phát triển trong lòng đất, rễ của chúng lan rộng ra xung quanh và vươn sâu xuống đất để tìm các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cây sống khỏe mạnh. Cây bonsai thì khác. Chúng cũng có nhu cầu khá cao về dinh dưỡng nhưng lại được trồng trong những chiếc chậu, bồn nhỏ, ít đất nên không thể hút đủ dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng trong những chậu đất nhỏ rất nhanh chóng bị cạn kiệt. Cây cần được bổ sung phân bón để thay thế những chất dinh dưỡng đã mất. Nếu không bón phân, cây sẽ yếu dần và bị chết.
Một sai lầm khác nhiều người thường mắc phải là giữ cây ở trong nhà hoặc văn phòng quá lâu, đặc biệt đối với các cây ưa môi trường ngoài trời, điển hình là cây Bách xù. Cây Bách xù là loại cây cảnh ngoài trời nhưng nhiều người lại lầm tưởng chúng là cây trồng trong nhà. Một trong những nguyên nhân khiến họ nghĩ như vậy là do những hình ảnh quảng cáo cây Bách xù khỏe mạnh, xanh tốt, có dáng thế đẹp đang được đặt trên máy tính, trên bàn và kệ trong nhà, trong văn phòng. Cây Bách xù không thể sống lâu ở môi trường trong nhà vì chúng cần nhiều ánh sáng mặt trời để phát triển. Giữ chúng trong nhà một thời gian dài, cây chắc chắn không thể sống tiếp.
Nếu không nắm được các kỹ thuật chăm sóc cây bonsai cơ bản, chúng ta cũng dễ mắc phải một số sai lầm trong việc cắt, tỉa cây. Ví dụ, cây Bách xù lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời nhờ tán lá của chúng. Vào mùa xuân, lá của những cây Bách xù khỏe mạnh sẽ mọc ra phần lá mới màu xanh nhạt tươi sáng. Đây là dấu hiệu cho thấy cây đang phát triển tốt, tuyệt đối không được cắt tỉa vào lúc này, nếu không cây sẽ yếu đi rất nhiều. Do đó, khi cắt tỉa cho Bách xù, không được cắt bỏ phần ngọn của cây.
Khi cây bonsai được đặt ở vị trí có đầy đủ ánh nắng mặt trời chiếu vào các hướng xung quanh, cây sẽ tiếp nhận được đủ ánh sáng. Tuy nhiên, khi được đặt ở những vị trí chỉ được chiếu sáng một phần, chúng ta sẽ phải xoay cây hàng tuần hoặc có thể vài tuần để đảm bảo rằng tất cả các tán lá đều nhận được lượng ánh sáng mặt trời như nhau. Nhiều người chơi cây chỉ muốn “mặt tiền” của chúng hướng về phía người xem, giúp phô diễn phần đẹp nhất của cây, tuy nhiên trên thực tế, người nghệ nhân bonsai phải đặt sức khỏe của cây lên hàng đầu bằng cách giúp chúng hứng đủ ánh sáng mặt trời.
Những sai sót kể trên khá phổ biến nhưng có thể dễ dàng tránh được, tuy nhiên một thiếu sót của những người chơi cây cảnh khó có thể khắc phục được là sự kiên nhẫn. Vì không có tính kiên nhẫn, nhiều người đã phải dừng bước trước những khó khăn của lĩnh vực này. Bonsai là một môn nghệ thuật đầy thử thách, các nghệ nhân trồng và phát triển cây qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ mới có thể thu được thành quả.
Nghệ thuật bonsai được nhiều người đam mê coi đó như một phần ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Nhờ bonsai, họ tô vẽ cuộc sống của mình thú vị hơn và cũng học hỏi được rất nhiều từ đó. Họ học được cách song hành cùng sự phát triển chậm rãi của cây, học cách kiên nhẫn để chăm sóc một cây non trở thành một tác phẩm bonsai trưởng thành sau nhiều năm kiên nhẫn, gắn bó.
YẾN NHI