Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Monday, November 4, 2024 1:48:04 AM

Thăm hợp tác xã nấm được Thủ tướng tặng Bằng khen

14/08/2023

Mục lục

  Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, không ngừng tìm hướng đi mới nên hoạt động sản suất, kinh doanh của Hợp tác xã nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (HTX Tuấn Hiệp) ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy (Nam Định) những năm qua luôn làm ăn hiệu quả, tạo công ăn việc làm và giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo...

HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

 

Hướng đi khả quan từ cây nấm

Về thăm cơ sở sản xuất nấm của HTX Tuấn Hiệp đúng vào dịp nấm đang bắt đầu cho thu hoạch rộ, chúng tôi chứng khiến không khí lao động rộn ràng, hăng say của những người trồng nấm. Anh Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 2014 với 7 thành viên tham gia và hoạt động theo Luật HTX 2012; sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay HTX đã tăng lên 12 thành viên.

Các thành viên HTX chủ yếu lao động trong ngành nông nghiệp, sau khi thấy tiềm năng kinh tế từ cây nấm so với các loại cây trồng khác, những người chung ý tưởng đã tỏa ra đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu, và sau này quyết định đem nghề trồng nấm về phát triển trên quê hương mình.

Năm 2014, từ những thành viên HTX ban đầu, đã cùng nhau vận động vay vốn người thân, bạn bè và ngân hàng để mở trang trại trồng nấm. Quá trình triển khai, các thành viên còn tranh thủ tìm hiểu thêm cách thức trồng nấm thông qua mạng internet, báo đài để nắm vững thêm kỹ thuật trồng nấm an toàn. HTX Tuấn Hiệp đã mạnh dạn xây dựng lều lán và bắt đầu trồng nấm, đầu tư thiết bị vật tư nông nghiệp tiên tiến để xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm nhằm tạo ra những sản phẩm nấm an toàn, chất lượng.

Hiện nay HTX đang sản xuất chủ yếu các loại nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chiến lược của HTX. Trung bình, mỗi năm HTX nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại; với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…

Hiện HTX Tuấn Hiệp đang canh tác và sản xuất nấm trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch sẽ từ đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm.

 

Đặc biệt, 2 sản phẩm mặc dù mới ra mắt nhưng được khách hàng, người tiêu dùng ủng hộ rất nhiều, đó là nem nấm đang được bán với giá 180.000 đồng/kg và giò nấm bán với gián 130.000 đồng/kg. Khi Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh Nam Định, HTX nấm Tuấn Hiệp đã tích cực hoàn thiện sản phẩm và tham gia nhiệt tình. Đến nay, HTX đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: Nấm sò trắng Tuấn Hiệp, Nấm sò nâu Tuấn Hiệp, Nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp. Qua tìm hiểu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nấm của HTX chủ yếu trong và ngoài tỉnh. Tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu về chiếm trên 80%.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật – chìa khóa thành công

Các kỹ thuật viên của HTX Tuấn Hiệp cho biết, nấm là loại cây ưa ẩm, dễ sống, dễ chăm sóc; rất phù hợp với khí hậu, thời tiết của Việt Nam. So với cây lúa, ngô và một số cây trồng khác, nấm cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Hiện nay, HTX Tuấn Hiệp đang canh tác và sản xuất nấm trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP, đảm bảo sạch sẽ từ đầu vào cho đến đầu ra; và sản xuất theo hình thức luân canh gối vụ. Nhờ vậy, quanh năm HTX luôn có nấm thương phẩm để cung ứng ra thị trường.

Để có những kết quả khả quan trên, nhiều năm qua, HTX đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm; sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt; lắp đặt các thiết bị tự động điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm, sản xuất nấm trong nhà màng… Do đó, cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt; đặc biệt, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm giúp HTX điều chỉnh được thời gian sinh trưởng của cây nấm, “ép” được nấm phát triển theo kế hoạch sản xuất.

Chia sẻ về quy trình sản xuất nấm, những kỹ thuật viên của HTX cho biết gồm 4 công đoạn. Công đoạn phối trộn nguyên liệu, trong đó nguyên liệu chính là rơm băm nát, mùn cưa trộn ủ với vôi bột theo tỷ lệ 100kg nguyên liệu + 2kg vôi bột. Sau khi ủ từ 5 - 7 ngày thì đảo lại đống ủ, đồng thời điều chỉnh độ ẩm dao động từ 65 - 70%.

Tiếp đến cho nguyên liệu đã phối trộn vào máy đóng bịch, mỗi bịch nặng khoảng 1kg. Vỏ bịch được sử dụng đóng phôi là túi bóng ni lông màu trắng. Sau đó, đưa bịch phôi vào lò hấp ở nhiệt độ 100°C nhằm xử lý triệt để vi khuẩn gây hại. Thời gian hấp khoảng 10 tiếng đồng hồ.

Hoàn thành công đoạn hấp, đưa bịch phôi ra ngoài để nguội khoảng 1 ngày và cấy meo giống, dụng cụ cấy meo giống cũng phải được tiệt trùng. Meo giống là các loại giống như nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi, mộc nhĩ…

Sau khi hoàn tất 4 công đoạn trên thì đưa bịch đã cấy meo giống lên giá. Khoảng 1 tháng, phôi bắt đầu ăn trắng thì bịch phôi được gọi là đạt. Lúc đó, treo bịch phôi lên dây, chờ nấm phát triển rồi thu hoạch. Trong quá trình chăm sóc nấm, cần chú ý đến độ ẩm. Trung bình, mỗi ngày tưới nước 1 - 2 lần, tùy theo thời tiết.

Năm 2022, HTX Tuấn Hiệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo.

 

Vẫn theo bộ phận kỹ thuật của HTX, trong 4 công đoạn nói trên, thì công đoạn hấp, tiệt trùng bịch phôi là công đoạn quan trọng nhất. Nếu hấp bịch phôi không kỹ, không đủ nhiệt độ thì nấm vi khuẩn vẫn còn tồn tại, gây hại cho cây nấm khó phát triển.

Hiện tại, nguồn nguyên liệu đầu vào đang được HTX nấm Tuấn Hiệp tận dụng từ nguồn rơm khô sau khi bà con nông dân thu hoạch lúa xong. Đây là nguồn nguyên liệu đang bị bỏ lãng phí nhiều năm nay, việc tận dụng nguồn rơm rạ sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các vùng nông thôn.

“HTX chúng tôi đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm, nhất là trong sản xuất nấm trái vụ; chẳng hạn điều chỉnh nhiệt độ, nước tưới trên smartphone, kìm nén sự sinh trưởng của nấm để nấm phát triển theo kế hoạnh của mình… Cạnh đó, HTX cũng đã đầu tư kho lạnh để bảo quản nấm sau khi thu hoạch, sơ chế, với công suất chứa 1 tấn nấm/mẻ; đầu tư máy băm nguyên liệu, máy đóng bịch phôi; lò sấy tiệt trùng để chủ động kiểm soát chất lượng cho từng sản phẩm… ” - Giám đốc HTX Vũ Tuấn Hiệp chia sẻ.

Việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp HTX giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả của quy trình sản xuất nấm, chủ động được nguồn cung. Qua đó, hứa hẹn mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong quá trình phát triển mô hình nấm.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, Giám đốc Vũ Tuấn Hiệp cho hay, dự kiến HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, bởi hiện nay nguồn nguyên liệu tại địa phương đang sẵn có; phát triển thêm 1 - 2 sản phẩm OCOP; tiếp tục đầu tư thêm máy móc hiện đại vào sản xuất nấm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Phong, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận (Nam Định) cho biết: Nhiều năm qua, HTX Tuấn Hiệp chuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh nấm tại địa phương hoạt động rất hiệu quả, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con nông dân địa phương. HTX cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất.

“Quá trình hoạt động của HTX, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ mọi mặt để phát triển mô hình hiệu quả; đồng thời xã phối hợp tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình, xúc tiến giao thương, quảng bá sản phẩm cho HTX. Năm 2022, HTX Tuấn Hiệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo… Và mới đây, HTX Tuấn Hiệp tiếp tục được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập” – Chủ tịch xã Phạm Trung Phong nhấn mạnh./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng