Mục lục
VNHS - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng việc quá lạm dụng thuốc BVTV cũng là con dao 2 lưỡi dẫn đến những hậu họa khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường. Đặc biệt là với lượng lớn từ rác thải bao bì hóa chất bảo vệ thực vật.
Hà Tĩnh có tổng diện tích gần 140 nghìn hecta đất sản xuất trên toàn tỉnh 2023 chủ yếu là sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp những cũng đang gia tăng nhiều sức ép lên môi trường, đặc biệt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất.
Thực tế ý thức người dân chưa cao, chỉ cần bước chân tới những cánh đồng sản xuất trên địa bàn Hà Tĩnh không khó để phát hiện bao bì thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ từ dạng túi đến các chai, lọ đủ kích cỡ vứt ngổn ngang khắp các bờ ruộng, trôi dạt trên kênh mương. Gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, môi trường sống sinh vật thủy sinh, không những thế mà ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật - Thanh tra thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, bà Hồ Thị Thủy, cho biết: “Trung bình mỗi năm, nông dân Hà Tĩnh sử dụng gần 220 tấn thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất, đồng nghĩa một số lượng lớn bao bì, chai lọ đựng thuốc thải ra môi trường. Cùng với đó, rác thải từ chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản cũng chiếm một khối lượng lớn…”
Một người dân chia sẻ "Không chỉ ở các xã miền núi mà các xã ở vùng đồng bằng có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu, chai, lọ, bao bì thậm chí còn trôi theo dòng nước phát tán lượng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc diệt chuột tồn dư ra khắp các địa bàn. Điều đó phần nào giải thích vì sao tôm, cua, cá ở những khu vực này hầu như không còn”.
Theo phân tích của các chuyên gia lĩnh vực môi trường, hàng năm, khối lượng chất thải rắn từ sản xuất thâm canh các loại cây trồng gồm 137 nghìn tấn sinh khối thải loại, 108 tấn bao bì phân bón, 125 tấn bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật. Trong mỗi bao bì đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng luôn tồn dư lượng thuốc BVTV tối thiểu là 2% thể tích. Do đó, chai lọ, bao bì thuốc BVTV được xếp vào diện chất thải rắn độc hại, nguy hiểm. Khi không được xử lý đúng quy trình thì những hóa chất này ngấm vào đất, vào nguồn nước hoặc phát tán trong không khí sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Dù đã có những khuyến cáo từ cơ quan chức năng nhưng nhiều người dân ở một số địa phương chưa chú tâm, vẫn duy trì những thói quen vứt rác thải BVTV bừa bãi. Nhằm hạn chế, tiến tới giảm dần lượng bao bì hóa chất BVTV phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai các Đề án sản xuất mùa vụ, trong đó, chú trọng các giải pháp về sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, sử dụng bộ giống ngắn ngày, nhiễm nhẹ sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng; khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh…
Việc quản lý, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV phát sinh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 252/KH-UBND ngày 11/8/2016 triển khai thực hiện; Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn. Bên cạnh đó, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV và triển khai xây dựng các bể/lu bê tông để thu gom, lưu chứa bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng.
Thực hiện chủ trương trên, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tham gia hưởng ứng, tuyên truyền vận động người dân chấp hành, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được 4.661 bể chứa được đặt tại các cánh đồng, trong đó một số địa phương có số lượng bể lớn như: Thạch Hà có 1.226 bể, Cẩm Xuyên có 936 bể, Hương Sơn với 610 bể...
Nếu như trước đây, sau khi sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng, nhiều người vẫn quen “tiện tay” vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, nương rẫy hay dưới kênh mương, ao hồ nơi dùng để pha chế thuốc thì nay đã có sẵn bể chứa. Được biết, sau khi tập kết tại bể thu gom, các địa phương hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV tại bể đảm bảo quy trình, an toàn.
Ông Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi sự chung tay của các cấp, ngành và đặc biệt là toàn thể hội viên nông dân – những người trực tiếp tiếp xúc, sử dụng các loại thuốc BVTV; Tham gia bảo vệ môi trường thông qua việc nâng cao ý thức và hành động cụ thể bằng thông điệp “Vì một môi trường sống an toàn, xanh sạch đẹp bền vững”; “Nói không với vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi trên đồng ruộng”.
Việc xây dựng bể thu gom bao gói thuốc BVTV đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng vứt bừa bãi trên đồng ruộng gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Hà Tĩnh đã và đang đặt quyết tâm, cùng với các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ có những giải pháp hỗ trợ để chặn nguồn ô nhiễm từ thuốc BVTV, đưa công tác bảo vệ môi trường đạt được những hiệu quả thực chất. Song song với đó, giúp nông dân dần nâng cao ý thức, loại bỏ những thói quen trong sản xuất tác động xấu đến môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trung bình hàng năm người nông dân sử dụng gần 220 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất, đồng nghĩa với việc một lượng lớn bao bì, chai lọ đựng thuốc sau khi sử dụng sẽ thải ra môi trường, cần phải được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến môi trường, sức khoẻ con người và cả nền nông nghiệp bền vững.
Xuân Bắc – Quốc Chung