Mục lục
Thường ngày, vườn hoa kiểng nhà anh Võ Hoàng Thảo lúc nào cũng có tầm 100-300 cây cảnh, bonsai có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng và hàng ngàn mục giâm được anh chiết bán cho người đam mê cây cảnh… Tình yêu cây cảnh, bonsai đã nuôi lớn đam mê của anh nông dân miệt vườn, đưa anh trở thành nghệ nhân bonsai cấp tỉnh, giúp anh có cơ hội cống hiến những tác phẩm bonsai nghệ thuật cho đời.
Xuất thân là một nông dân miệt vườn, sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh Thảo trở về địa phương làm nghề bán sim, card điện thoại với thu nhập bấp bênh. Có chút sở thích cây cảnh, anh Thảo sưu tầm cây, trồng trên sân thượng để giải trí, nhưng chỉ thời gian ngắn là cây chết, bởi vậy anh dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn có cây đẹp. Năm 2012, anh cùng gia đình chuyển ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời sinh sống, đồng thời chuyển 7 chậu kiểng yêu thích cùng về quê chăm sóc, nuôi uốn cành để thoả đam mê.
Anh Hoàng Thảo khởi nghiệp cùng chiếc xe máy cùng các dụng cụ như: giá, xẻng, dây chằng… chạy xe rong ruổi khắp nơi mua cây, chở về đầy sân nhà. Anh nhớ lại: Hồi đó, kêu vợ đưa tiền mua cây, bả cằn nhằn dữ lắm, đến cái ngày đầu tiên tôi bán được chậu cây 6 triệu đồng (khi vốn mua chỉ 300 ngàn đồng), kế đến là cây mua 1,5 triệu đồng, sau vài tháng chăm sóc, uốn cành bán được 35 triệu đồng (năm 2016)… từ đó bả mới chịu đưa tiền cho tôi đi mua cây. Chị Thuý An (vợ anh Thảo) cười và thú nhận đó là sự thật, nhưng nay thì khác, chị hết lòng ủng hộ anh Thảo, đồng thời là hậu phương vững chắc giúp anh khá nhiều cho việc ươm và chăm sóc cây.
Là người yêu cây, có tâm, đôi tay khéo léo, anh Thảo rất kỳ công bấm, cắt, tỉa, uốn nắn tỉ mỉ từng nhánh, gốc cây đơn giản thành những tác phẩm nghệ thuật, góp phần nâng giá trị những chậu bonsai từ vài trăm ngàn lên trăm triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng, đồng thời với nghề tay trái sửa kiểng, anh Thảo giúp thoả niềm đam mê cho biết bao người yêu cây. Anh Nguyễn Phi Liệt, nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Bonsai tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong số khoảng 30 nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh, tay nghề Hoàng Thảo khá trội và tôi đánh giá cao cái tâm, đạo đức nghề ở nghệ nhân này. Nghề này ví như bác sĩ có tâm sẽ dốc hết sức và khả năng chăm sóc để chữa lành bệnh cho bệnh nhân, đối với Hoàng Thảo khi nhận “sửa kiểng” là đặt hết cái tâm và đam mê hoá thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cho chủ nhân của chúng. Với cái tâm và tài như thế, CLB Bonsai tỉnh đang chăm lo bồi dưỡng để Hoàng Thảo trở thành thế hệ kế thừa, góp phần đưa bonsai Cà Mau ngày càng phát triển bền vững”.
Với anh Hoàng Thảo, việc đầu tư, chơi bonsai nghệ thuật không chỉ là thú vui tao nhã mà còn góp phần mang lại giá trị kinh tế khá lớn cho gia đình. Riêng với nghề “sửa kiểng”, anh nổi tiếng có tâm và hoa tay nhất nhì đất Cà Mau, hằng tháng anh thu nhập trên 25 triệu đồng, cùng với số tiền bán cây cảnh, bonsai, chậu kiểng giao động 200 - 350 triệu đồng/năm, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Hoàng Thảo tâm niệm: Khi thổi hồn cho cây, trở thành tác phẩm nghệ thuật, tôi như được thoả niềm đam mê, bởi với tôi mỗi tác phẩm là đứa con tinh thần. Tận mắt chứng kiến anh Hoàng Thảo chăm chút từng nhánh cây, chót rễ mới thấy hết sự công phu, ý thức tìm tòi, sáng tạo ở anh để tạo ra tác phẩm độc đáo. Theo đánh giá của các bậc nghệ nhân sinh vật cảnh tỉnh, tác phẩm bonsai của anh Thảo có hồn, thanh thoát kết hợp sự mềm mại, uyển chuyển… Đó là yếu tố làm nên thành công, tạo nên “cái riêng”, giá trị ở tác phẩm bonsai.
PV