Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, November 17, 2024 3:42:34 PM

Độc đáo lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

27/11/2023

Mục lục

Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày nay đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ và đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng trong khu vực, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc khai mạc lễ hội

Đồng bào Khmer ở Nam Bộ tổ chức lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ cúng Trăng hay lễ "Ðút cốm dẹp" vào dịp trăng tròn của tháng 10 âm lịch. Ðây là một trong những lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta (cúng ông bà) của đồng bào Khmer.

Theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng là một vị thần điều tiết "mưa thuận, gió hòa", giúp mùa màng trong năm tươi tốt, đem lại sự no ấm. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa, vào đêm rằm tháng 10, khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ, người dân lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa quả khác làm lễ vật cúng Mặt trăng.

Ðồng bào chuẩn bị mâm lễ dâng cúng khá đơn giản, chủ yếu là sản vật gần gũi, cấy hái được như: khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột. Trong đó, một lễ vật bắt buộc phải có là cốm dẹp, một loại cốm được dùng bằng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp, tất cả các lễ vật được trưng bày đẹp mắt trên chiếc bàn đặt giữa sân. Dưới ánh trăng, mọi người trong gia đình cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh, ác vị sư đọc kinh cầu an và ban phước lành cho mọi người.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng trao cờ và 20 triệu đồng hỗ trợ 9 đội nữ tham gia Giải đua ghe Ngo

Nghi thức quan trọng được thực hiện sau đó là đút cốm dẹp, các sư sãi, các vị achar (người hướng dẫn hành lễ), người có uy tín trong cộng đồng, phum, sóc hoặc người cao tuổi nhất trong gia đình vóc từng nắm cốm dẹp lần lượt đút vào miệng từng trẻ nhỏ rồi vỗ nhẹ sau lưng chúc các em thành đạt. Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống và mọi người cùng quây quần thưởng thức với ý nghĩa chung hưởng lộc của thần Mặt trăng cũng là thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình đoàn kết.

Nếu lễ cúng trăng là một nghi thức để tạ ơn thần linh thì phần hội đua ghe Ngo trong dịp này có ý nghĩa đưa tiễn và tạ ơn thần Nước sau một năm ban cho mùa màng bội thu. Giải đua ghe Ngo mang tính đại chúng rất cao và thể hiện sự gắn bó cộng đồng với sự tham gia của nhiều người. Các cuộc đua ghe Ngo thường được diễn ra trong 3-4 giờ, nhận được sự reo hò, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người xem hội. Trong thời gian diễn ra lễ hội Ok Om Bok, tại nhiều nơi ở Sóc Trăng còn diễn ra các hoạt động nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, thể thao, hội chợ hay diễn xướng dân gian truyền thống thu hút nhiều người đến chung vui.

Ngoài phần lễ nghiêm trang, ý nghĩa, Ok Om Bok còn được tổ chức ở các chùa, phum, sóc với phần hội rộn ràng, vui tươi, mang tính cộng đồng cao. Nhiều hoạt động như: Hội thả đèn nước, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ… thu hút nhiều người cùng chung vui với những bài ca, điệu múa truyền thống dưới ánh trăng rằm trong niềm vui an lạc, được mùa…

Ðồng bằng sông Cửu Long là nơi kết tinh nhiều giá trị văn hóa gắn với không gian sông nước vô cùng độc đáo, phong phú, giàu bản sắc của dân tộc Khmer Nam Bộ và các dân tộc anh em, là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, Ðảng và Nhà nước ta đã hỗ trợ các địa phương khôi phục các lễ hội cũng như phong tục tập quán vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Nghi thức lễ Ok Om Bok - cúng Trăng của đồng bào Khmer Nam Bộ

Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo của người Khmer, cũng là niềm tự hào của cộng đồng dân cư Tây Nam Bộ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất. Vào năm chẵn, Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng được tổ chức cấp khu vực, hoặc kết hợp tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ.

Theo đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo luôn được Trung ương và tỉnh tổ chức, duy trì hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng cuộc đua ghe Ngo truyền thống.

Năm nay, với chủ đề "Sóc Trăng - Khát vọng vươn xa" lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng có quy mô cấp tỉnh, được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 25 đến 27/11, tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Lễ hội có các hoạt động chính: Liên hoan tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; triển lãm ảnh nghệ thuật; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền - Sóc Trăng năm 2023; liên hoan ẩm thực đường phố "Hương vị Sóc Trăng" lần thứ 5 năm 2023; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng; tổ chức xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST; trình diễn (thả đèn nước) - ghe Cà Hâu; khai mạc giải đua ghe Ngo; lễ cúng trăng…

Giải Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023, số lượng đội tham gia lên tới 46 đội ghe trong tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực đăng ký tham gia; trong đó có 6 đội ghe Ngo nữ. Riêng đơn vị tỉnh Sóc Trăng có 35 đội ghe Ngo nam và 3 đội ghe Ngo nữ tham gia giải.

Có thể nói, đây là dịp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ nói riêng, bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Ðảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

NGUYỄN PHONG

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng