Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, November 16, 2024 8:40:04 PM

Hà Nội tập trung nguồn lực, dồn sức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới trước thời hạn

27/06/2024

Mục lục

VNHS - Chương trình số 04-CTr/TU là một trong 10 Chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy Hà Nội khoá XVII về xây dựng nông thôn mới. Do đó trong thời gian vừa qua Văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới Thành phố Hà Nội đã nỗ lực hết mình với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của TP Hà Nội trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Thông tin từ văn phòng điều phối Nông thôn mới (Sở NN& PTNT Hà Nội) cho biết: nhằm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Thành ủy ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Quyết định số 586-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 đã tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình tại các huyện, thị xã; tổ chức họp giao ban hàng quý để đánh giá tiến độ, kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra; đã ban hành các thông báo kết luận tại các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Thành phố và kiểm tra thực tế tại cơ sở để giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành thực hiện; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố, theo đó Kế hoạch đã cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở ngành kèm theo kinh phí để thực hiện. Các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chỉ đạo của Thành ủy tại Chương trình 04 đã tập trung chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, bám sát cơ sở để hướng dẫn thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Ngoài ra, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND Thành phố về việc ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các huyện, thị xã xây dựng và ban hành các hướng dẫn chấm điểm tiêu chí xã, huyện nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.

Một cánh đồng mẫu lớn ở ngoại thành Hà Nội

Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong giai đoạn 2016 – 2020, đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” và phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trên địa bàn Thành phố; thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí trên cơ sở kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phong trào vận động Nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn,…

Về mục tiêu chung: nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu từ Thành phố đến cơ sở một cách đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.

Xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp và an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới các cấp trên cơ sở những tiêu chí đã đạt được nhằm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn Thành phố.

Mục tiêu cụ thể: Thành phố Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 18 huyện, thị xã với 382 xã xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến nay, Thành phố có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 68 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 04 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được UBND Thành phố trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trình ngày 05/4/2024). Phấn đấu trước một năm, năm 2024 thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2025 Thành phố có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 – 2021 và các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024: rà soát, xây dựng đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung vào các tiêu chí có nguy cơ không duy trì được mức đạt chuẩn như: giao thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; môi trường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế;… và tiêu chí mới chất lượng môi trường sống.

Nông dân nô nức xuống đồng để chuẩn bị cho vụ mới

Đối với các đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và 2021-2025: đầu tư nâng chất hoàn thiện các tiêu chí, đồng thời cập nhật các tiêu chí theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021– 2025. Tập trung vào các tiêu chí có nguy cơ không duy trì được mức đạt chuẩn như: Tiêu chí số 5 về y tế – văn hóa – giáo dục; tiêu chí số 6 về kinh tế; tiêu chí số 7 về môi trường; tiêu chí số 9 về hệ thống chính trị – an ninh trật tự – hành chính công.

Đối với các huyện dự kiến đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới: tiếp tục rà soát bổ sung điều chỉnh phù hợp theo định hướng phát triển đô thị. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các vùng. Đảm bảo các tuyến đường huyện đã được nhựa, bê tông đạt chuẩn theo quy định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp và an toàn. Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã đạt chuẩn. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện. Đối với các nội dung thực hiện Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: các sở, ban, ngành Thành phố và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện đảm bảo đạt 08 nội dung theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sinh vật cảnh góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế nông thôn

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay là 75.755,8 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Thành phố là 27.713,4 tỷ đồng, chiếm 36,6%. (trong đó: lồng ghép 21.996,2 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp: 5.717,2 tỷ đồng). Ngân sách huyện: 40.699 tỷ đồng, chiếm 53,7%. Ngân sách xã: 2.779,3 tỷ đồng, chiếm 3,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 4.564,1 tỷ đồng, chiếm 6%. (trong đó dân đóng góp 1.101,1 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp HTX 2.295 tỷ đồng, vốn khác 1.168 tỷ đồng). Ngoài ra, năm 2024, ngân sách Thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng chính sách 800 tỷ đồng để hỗ trợ cho vay thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy. Từ năm 2021 đến nay, có 08 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 830,8 tỷ đồng. Trong đó Quận Tây Hồ (270,8 tỷ đồng), quận Long Biên (328,7 tỷ đồng), quận Hoàng Mai (55 tỷ đồng), quận Hoàn Kiếm (65,7 tỷ đồng),...

Về Chương trình OCOP, Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP lũy kế từ 2019 đến nay khi đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Về phát triển ngành nghề trong khu vực nông thôn, các đơn vị cần đánh giá lại quy mô đầu tư hạ tầng và phát triển các làng nghề để phát huy được 327 làng nghề và các làng nghề truyền thống của thành phố.

Đối với nội dung nâng cao đời sống của nông dân, cùng với hỗ trợ giải quyết việc làm, cần hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách, các quỹ đoàn thể để hỗ trợ cho người dân để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; có đánh giá sát hơn mức thu nhập thực tế của người dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cho người dân.

Trường Minh (nguồn : Văn phòng điều phối NTM Hà Nội)

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng