Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Monday, November 4, 2024 3:06:12 AM

HTX ứng dụng sản xuất hiện đại, cùng nông dân Hưng Yên làm giàu bền vững

11/03/2024

Mục lục

Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, nhiều nông dân ở Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, hình thành liên kết với HTX, doanh nghiệp, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Ở HTX nấm Nam Hàn (xã Phù Ủng, huyện Ân Thi), công nghệ cao đang được ứng dụng ở hầu hết các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch, bao gồm cả khâu khó nhất là nhân giống, nuôi cấy phôi nấm...

Sản xuất hiện đại

HTX Nam Hàn được thành lập từ năm 2017, duy trì gần 10 nghìn m2 trồng nấm công nghệ cao trong trang trại khép kín. Hiện, HTX đang có nhiều loại máy móc hiện đại như máy đảo nguyên liệu tự động, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động, hệ thống theo dõi nhiệt độ, độ ẩm…

Các sản phẩm chủ lực của HTX hiện tại là nấm rơm, nấm sò yến, nấm sò nâu, nấm sò trắng… được sản xuất theo quy trình khoa học, an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nhiều năm qua, HTX xuất bán sản phẩm ổn định cho thị trường Hà Nội, sản lượng 3 - 5 tấn/tháng, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

“Nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX hạn chế tối đa tác động của thời tiết, duy trì sản xuất 4 mùa, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã vượt trội”, Giám đốc HTX Phạm Văn Khá cho hay.

-6577-1709799552.jpg
Nhiều HTX ở Hưng Yên đang tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.
 

Tương tự, HTX rau quả và dược liệu An Thịnh Phát (xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) cũng đang là một trong những điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho giá trị kinh tế vượt trội.

Hơn 5 năm qua, HTX lần lượt ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, đem lại sản phẩm tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn.

Đến nay, 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng công nghệ cao, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm. Nhờ luôn quan tâm đến việc sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới cũng được HTX ưu tiên hàng đầu.

Những diễn biến thực tế cho thấy, những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang là một trong những điểm tựa quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 44 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ nâng cao giá trị sản xuất 25-50%, các HTX đang thay đổi tư duy canh tác của thành viên, nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững tại các địa phương.

Hình thành chuỗi giá trị

Bên cạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều HTX, nông dân trên địa bản tỉnh Hưng Yên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành các chuỗi giá từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

HTX nông nghiệp Ngũ Phúc (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) là một “lá cờ đầu” trong ngành trồng trọt, hiện đang liên kết 144 hộ thành viên, nông dân và các đơn vị chứng nhận trồng 21,7 ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hay như HTX sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh (huyện Kim Động) đang liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu trà hoa cúc, sâm ích mẫu...

-1446-1709799552.png
Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao, nông dân, HTX ở Hưng Yên cũng tích cực sản xuất theo hướng hữu cơ.
 

Nhắc đến Hưng Yên là nhắc đến nhãn lồng, tuy nhiên, trong những năm qua, quả vải cũng đang dần trở thành nông sản chủ lực tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ cái “bắt tay” giữa các HTX và doanh nghiệp.

Đơn cử, ở huyện Ân Thi, quả vải trứng của HTX vải trứng Hưng Yên, xã Đa Lộc đã tạo tiếng vang lớn khi liên tục xuất khẩu thành công sang thị trường EU mở ra cơ hội để người dân trên địa bàn tỉnh yên tâm mở rộng vùng sản xuất, nâng cao thu nhập, tự tin làm giàu bền vững.

Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc HTX vải trứng Hưng Yên, cho biết vải trứng Hưng Yên những vụ vừa qua cung chưa đủ cầu. Với kế hoạch mở rộng vùng trồng các giống nhãn, vải đặc sản, trong đó có vải trứng thì sản lượng vải dự kiến sẽ tăng trong năm 2024 này và những năm tới. Với giá trị hiện tại, những người trồng vải trứng có thể thu vài trăm triệu/ha/năm.

“Với đặc thù thời gian thu hoạch vải trứng ngắn, chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nên việc quả vải trứng tươi được thị trường EU đón nhận là tín hiệu tích cực để HTX mở rộng sản xuất”, ông Hiểu bày tỏ.

Được biết, để có được những thành công hiện tại, tỉnh đã triển khai Đề án “Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025”.

Để các mô hình trong Đề án thực hiện đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ hệ thống cấp, thoát nước cho 3 mô hình, nhà lưới cho 1 mô hình, hệ thống điện cho 2 mô hình, hệ thống xử lý chất thải cho 1 mô hình, công nghệ bảo quản cho 1 mô hình...

Phát triển theo hướng bền vững

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, với định hướng phát triển bền vững, các sản phẩm nông sản phục vụ thị trường nước và xuất khẩu, đặc biệt là các loại quả tươi chủ lực như nhãn, vải, cam... đang được ngành nông nghiệp chú trọng chuyển đổi theo hướng an toàn sinh thái gắn với công nghệ cao, trước hết đều phải bảo đảm các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Để hiện thực hóa mục tiêu, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững cho gần 500 lượt các doanh nghiệp, trang trại, HTX, người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. 

Năm 2023, hàng loạt mô hình sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh được xây dựng với tổng diện tích 12 ha, trong đó trên cây lúa 10 ha, cây rau quả thực phẩm 2 ha. Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu.

Kết quả cho thấy các mô hình sản xuất hữu cơ bước đầu đã làm thay đổi tư duy của người sản xuất theo hướng tạo ra các sản phẩm nông sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng, từng bước xây dựng nền sản xuất sạch, bền vững.

Với những thành công đạt được, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khuyến khích các cá nhân, tổ chức mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm có chất lượng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, thành lập các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực...

Với riêng khu vực kinh tế hợp tác, tỉnh dự kiến tiếp tục tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hưng Nguyên

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng