Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 9:22:41 PM

Trang trại nuôi cá cảnh công nghệ cao cho doanh thu khủng của hội viên Hội SVC tỉnh Long An

06/10/2022

Mục lục

Chẳng biết tự bao giờ anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (xã An Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An) có biệt danh “Sơn cá cảnh”. Mỗi năm, anh nông dân quái kiệt này có thể thu về tiền tỷ từ nghề nuôi cá cảnh công nghệ cao.  Như đã hẹn, phóng viên và Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Trần Quốc Toản rủ nhau đến trại nuôi cá cảnh công nghệ cao của anh Hồ Nhuận Đăng Sơn xem quái kiệt này nuôi cá cảnh ra sao trong mùa dịch Covid-19.  Biết ý định chúng tôi, anh cười tủm tỉm: "Không những không chết mà còn phất to. Mùa dịch giới chơi cá cảnh rảnh rỗi nên tăng cường mua cá về chơi, tôi bán được rất nhiều cá".

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn trong trại nuôi ương cá cảnh công nghệ cao của mình tại xã An Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An.

Bắt cá "ông tiên" đẻ theo ý thích

Thấy phóng viên có vẻ bán tín, bán nghi, anh dắt ra sau nhà xem khu nuôi, ương cá cảnh đang được mở rộng. Tại đây đang có hàng loạt hồ kính ương nuôi cá cảnh. Chủ yếu là nhiều dòng cá dĩa đầy màu sắc. Còn nhớ mấy lần trước tôi đến, khu vực ương nuôi cá cảnh này chỉ rộng 250m2. "Tôi đang mở rộng khu vực này lên 2.400m2 để tăng cường ương nuôi cá cảnh. Cứ tình hình dịch Covid-19 như thế này, hơn 100 cơ sở nuôi, ương cá cảnh trong tỉnh Long An lời to", anh Hồ Nhuận Đăng Sơn bộc bạch.

Thật ra, trong giới sinh vật cảnh ở Long An, nhiều người nể "Sơn cá cảnh" không chỉ là tỷ phú từ nghề ương nuôi cá cảnh, mà anh còn còn có biệt danh quái kiệt từ việc bắt cá "ông tiên" đẻ theo ý thích. Cá ông tiên là một loại cá cảnh không phải ai cũng có thể cho sinh sản. "Sơn cá cảnh" cho biết, dù là "gà nòi", xuất thân từ ngành thủy sản (tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP HCM), nhưng khi bắt tay vào ương, nuôi cá ông tiên, anh vẫn "lên bờ xuống ruộng".

Anh Sơn kể, năm 2003, lúc bấy giờ mỗi con cá ông tiên bố mẹ được nhập từ Thái Lan, Malaysia…có giá vài ngàn USD. Thế nhưng, những lứa cá ông tiên giống ngàn đô cứ lần lượt chết do bệnh tật, do thiếu kỹ thuật chăm sóc, môi trường sống thay đổi,...Những con sống được lại không đẹp nên phải bán giá rẻ.

Một dòng cá cảnh đẹp đang được anh Hồ Nhuận Đăng Sơn nuôi trong trang trại công nghệ cao của gia đình tại xã An Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An.

Cái thời tài sản cứ đội nón ra đi vì cá ông tiên ngày nào giờ đã xa vời với anh Sơn sau khi anh rút ra nhiều bài học kinh nghiệm xương máu. Không những thế, giờ anh Sơn đã đưa nghề nuôi, ương cá ông tiên lên một tầm cao mới bằng công nghệ 4.0-công nghệ cao. 

Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn cho biết, cá ông tiên có nhiều dòng, nhưng những năm gần đây, các loại cá ông tiên được nhập về mặc dù có giá trị kinh tế cao, như:  Ông tiên Albino trắng, ông tiên koi Albino… nhưng lại khó sinh sản, đòi hỏi chế độ chăm sóc nuôi dưỡng nghiêm ngặt hơn.

Để thành công với loại cá ông tiên này, hiện anh Sơn đang thực hiện giải pháp "Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá ông tiên". Cụ thể, anh đưa công nghệ vi sinh, blocchain, công nghệ nano… vào quy trình sản xuất. Đây là mô hình nuôi cá cảnh công nghệ cao.

"Trước đây, người ương, nuôi cá cảnh dùng máy sục ôxy. Do bọt sinh ra có kích thước lớn nên nhanh chóng vỡ và chỉ giữ lại một phần ôxy trong nước. Nếu dùng hệ thống tạo khí nano sẽ tạo bọt có kích thước rất nhỏ. Do quá nhỏ nên bọt chỉ nằm lơ lửng trong hồ nước, dẫn đến nồng độ ôxy trong nước cao, giúp cho cá ăn nhiều, mau lớn và khí độc trong nước sẽ bị đẩy ra ngoài", anh chia sẻ.

Các loại cá cảnh đang được ương nuôi tại trang trại nuôi cá cảnh công nghệ cao của anh Sơn ở xã An Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An.

Ngoài ra, anh Sơn còn dùng công nghệ blocchain để tra cứu, truy xuất dữ liệu nguồn trong quá trình sản xuất. Công nghệ này giúp anh chọn giống bố mẹ không đồng huyết, an toàn dịch bệnh, tạo ra con giống an toàn, dễ nuôi, mau lớn…

Theo anh Sơn, giải pháp "Công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm cá ông Tiên" sẽ giảm tối đa mầm bệnh từ cá bố mẹ khi đưa vào sinh sản. Điều chỉnh tính chất của nước khi đưa vào bễ sinh sản, như: Tính chất vật lý (ánh sáng) và tính chất hóa học (độ pH, độ cứng…)…

Nhiều loại cá cảnh đắt tiền đang được nuôi trong trang trại cá cảnh công nghệ cao giá trị tiền tỷ của gia đình anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, xã An Ngãi, TP Tân An, tỉnh Long An.

Trong cuộc nói chuyện về nuôi ca cảnh bằng công nghệ cao, anh Sơn cũng "bật mí" sau vài năm tìm tòi, anh đã tự chế được loại thức ăn lý tưởng cho cá cảnh. Theo đó, lâu nay, để cá kiểng mau lớn, người nuôi cho cá ăn trùn chỉ, hay hỗn hợp trùn chỉ, tim bò, tảo… xay nhuyễn. Tuy nhiên, trùn chỉ thường hay mang mầm bệnh nên dễ lây lan sang cá. Bên cạnh đó, người nuôi cá cảnh còn dùng thức ăn có sẵn trên thị trường nội địa, nhưng cá dễ bệnh, chậm lớn, tỷ lệ cá bột sống thấp…

Nếu nuôi cá cảnh bằng thức ăn của Nhật, tỷ lệ cá bột sống khoảng 90%, nhưng đến khoảng 2 tháng tuổi, cá lớn chậm lại. Nhằm khắc phục những nhược điểm của thức ăn cho cá cảnh, anh Sơn đã nghiên cứu cho ra loại thức ăn mang nhiều ưu điểm, như: Cho ra cá đẹp, tỷ lệ sống cao, giá thành giảm, kéo chi phí nuôi xuống còn 1/2 so với bình thường…

Lợi nhuận tăng 300%

Hiện, ngoài khu vực ương nuôi cá cảnh rộng 2.400m2 tại nhà, anh Sơn còn có một khu trại rộng 1,2ha (xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An) để ương nuôi các loại cá cảnh. Ngoài ra, anh còn hợp tác với trên 10 vệ tinh nuôi, ương cá ở trong tỉnh Long An và trên 10 vệ tinh ở các tỉnh lân cận để cung cấp cá cảnh ra thị trường.

Hiện, cơ sở ương nuôi cá cảnh của anh Hồ Nhuận Đăng Sơn đang xuất bán cá cảnh với hai dạng: cá bột và cá thương phẩm. Đối với cá bột, anh bán cho các hộ nuôi, còn cá thương phẩm bán cho các chợ cá cảnh, chủ yếu ở TP HCM và một số tỉnh, thành khác.

Sau nhiều năm sản xuất cá ông tiên cao cấp bằng  giải pháp công nghệ cao, anh Sơn đánh giá, lợi nhuận thu được từ khâu cá tiên ông giống tăng 300% và 200% ở khâu thương phẩm so với việc chưa áp dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất như trước đây.

"Tiềm năng kinh tế của cá ông tiên ông rất lớn. Thị trường đang rất ưa chuộng loại cá này", anh Sơn nhận định.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An (bên trái) thăm trại nuôi ương cá cảnh của anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, TP Tân An, tỉnh Long An.

Theo anh Sơn, nuôi cá cảnh hay bất cứ nuôi con vật gì cũng đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, say mê và tìm hiểu không ngừng về giống vật đó. Muốn thành công, người nuôi phải dành hết tâm sức cho việc nuôi cá.

Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc cá cũng là yếu tố quan trọng để có những con cá đẹp, có giá trị cao trên thị trường. "Với  việc nuôi nuôi cá cảnh cao cấp không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần người nuôi sáng tạo sắp xếp các hồ nuôi hợp lý là có thể làm giàu", Sơn khẳng định.

Cá kiểng (cảnh) được đưa lê bể phân loại và chuyển đến khách hàng

Với những thành tích đã đạt liên tục hơn chục năm liền, anh "Sơn cá cảnh" được công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 5 năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn có tổng cộng 20 Bằng khen, 1 bằng vinh danh và 14 giấy khen. Trong đó, anh vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, một lần Trung ương Hội Nông dân tặng Bằng khen và một lần Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vinh danh nghệ nhân Sinh vật cảnh

Ngoài ra, anh còn được UBND tỉnh Long An 15 lần tặng Bằng khen. Mô hình nuôi cá cảnh của anh được nhiều người tham quan, học hỏi. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Trần Quốc Toản, anh Sơn là một trong những điển hình của nông dân sáng tạo, làm kinh tế có hiệu quả của tỉnh Long An. Mô hình nuôi, ương cá cảnh công nghệ cao của anh đã giúp cho nhiều hộ nông dân trở nên khá giả, giàu có. Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, anh Hồ Nhuận Đăng Sơn được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Khách hàng có nhu cầu về cá cảnh (kiểng) có thể liên hệ trực tiếp chủ trang trang Hồ Nhuận Đăng Sơn 0913.867799

 Trần Đáng

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng