Mục lục
Cũng giống như chơi cây cảnh, chơi đá cảnh là “thú chơi” tao nhã đòi hỏi người chơi phải bỏ nhiều công phu. Những viên đá có hình dáng đẹp, sống động, hài hòa được ví như những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu từ thiên nhiên đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Ông Trần Phương Nam, một người chơi đá cảnh tại Hà Nội cho biết: “Đá là món quà vô giá do thiên nhiên tạo ra với nhiều hình dạng khác nhau ví như thạch anh, ruby, gỗ hóa thạch thành đá… Ngắm nhìn những khối đá lớn, mỗi người có cảm nhận khác nhau, liên tưởng tới con người, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, như hòn trống mái ở Sầm Sơn hay hình rồng như vịnh Bái Tử Long, hàng Thạch Sanh ở Hà Tiên… Chơi đá cảnh không phân biệt giàu nghèo cao thấp, công chức viên đá nhỏ để bàn, đại gia thì phiến đá to tạc tượng, tùy theo thu nhập nhưng phải có hiểu biết mới chơi được”.
Đá cảnh là thú chơi tao nhã của nhiều người.
Để chơi được đá cảnh, trước hết người chơi phải có kiến thức về đá, gắn mình với thiên nhiên cùng trí tưởng tượng để tìm ra được những tác phẩm quý đang “ẩn mình” . Những người chơi đá cảnh chuyên nghiệp cho biết chơi đá cảnh giống như những thú chơi khác trước tiên phải có sự đam mê và 90% do yếu tố cảm nhận tự nhiên của con người thấy được viên đá nào đó đẹp. Vì vậy để chơi được đá cảnh thì ngoài đam mê cũng phải tìm hiểu kỹ về nó.
Như yếu tố đầu tiên của đá quý là nặng và mát, người có khả năng có thể cảm nhận được năng lượng trong đá. Nếu thích đá cảnh nhưng không tìm hiểu kỹ rất dễ mua phải đá cảnh giả. Ông Nguyễn Tiến Hải, công ty cổ phần đá quý Việt Nam cho biết: “Mỗi người chơi đá cảnh lại có sự đam mê với loại cũng như màu sắc đá khác nhau. Đơn cử như có người chơi đá cảnh hay qua cửa hàng tôi chỉ thích đá thô và màu vàng, mỗi khi lĩnh lương lại dạo quanh cửa hàng để tham quan. Có khi thích viên một viên đá nhưng không đủ tiền mua liền gửi dần cho cửa hàng đến khi đủ tiền thì đem về”.
Người chơi đá cảnh phải có không gian rộng để bày đá, với những người chơi chuyên nghiệp không để đá cảnh trong phòng, cũng vì vậy càng cần có không gian thậm chí hàng ngàn mét vuông. Việc tìm kiếm rất khó khăn, nhiều khi để có được những viên đá như mong muốn, người chơi đá cảnh phải trèo đèo lội suối hay chờ đợi hàng tháng trời để mang được tác phẩm về.
Đá cảnh có 2 dạng là nguyên bản và qua chế tác. Với những viên đá sẽ chế tác, sau khi chọn được đá, người chơi mất khá nhiều công sức và thời gian để gia công. Một viên đá nặng khoảng 20 kg, người thợ lành nghề phải làm 2 tới 3 ngày mới hoàn thành. Hoặc những hòn non bộ được làm theo tích truyện, với chi tiết sắc sảo hang đá, ông tiên, đường núi… phải rất kỳ công.
Với những pho tượng lớn cần rất nhiều công sức. Ví dụ để tạc tượng Phật, đầu tiên phải có bản vẽ, và kích thước, sau đó phải nhờ tới 4 lớp thợ, lớp thợ thứ nhất phá đá cắt thành phôi mang về xưởng, lớp thứ 2 làm thô trực tiếp chân tay mặt, lớp thợ thứ 3 làm chi tiết nét mặt, ngón tay hay dấu hiệu đặc trưng, lớp thợ cuối cùng là đánh bóng. Trước đây làm các tượng đá được làm thủ công nên rất lâu, hiện nay người chơi đá có cả một hệ thống các “công xưởng” hỗ trợ với máy cưa, máy đục nên thời gian được rút ngắn, một tượng từ 2 đến 3 tấn làm trong khoảng 3 tháng là hoàn thành.
Đơn cử như tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đặt ngày 16/2 nhằm mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân. Đây là pho tượng quý được tạc từ đá ngọc bích đỏ rất uy nghiêm,thể hiện Phật hoàng trong tư thế ngồi tu thiền, do những người thợ Hà Nội tạc từ đá nguyên khối nhập từ Myanmar (có chiều cao 0,98 m, trọng lượng 500 kg). Sau 7 tháng tạo tác và tu sửa khối đá đã có hình thù đúng với pho tượng Phật hoàng cổ trong Tháp Huệ Quang (Yên Tử).
Ông Lê Doãn Thăng, Phó Chủ tịch Hội đá cảnh, đá phong thủy Việt Nam, người công đức bức tượng này cho biết:“Làm tượng phật hoàng Trần Nhân Tông để cúng dường cho chùa Ngọa Vân, tôi phải tự đảm bảo các khâu vẽ hình, chọn mua đá, sau đó hướng dẫn thợ làm một cách tỷ mỉ không để sai sót nào”.
Nhiều người chơi lại chọn chơi những viên đá thô chưa qua chế tác, tất nhiên với ngọc chưa qua chế tác chưa thể thành ngọc được, nhưng đối với nhiều người họ lại cho rằng có sự hấp dẫn riêng của nguyên bản, giúp họ tưởng tượng được nhiều hơn hay đơn giản chỉ là thích thú, khi mới chơi họ thích đá qua chế tác nhưng sau này chuyển qua đá chưa chế tác. Anh Nguyễn Long Khánh, người chơi đá cảnh cho biết: “Ban đầu mới chơi tôi bị hấp dẫn bởi những viên đá được chế tác công phu tỉ mỉ nhưng lâu dần tôi lại rất thích những viên đá thô như đá thạch anh đẹp mang về đánh bóng trưng bày”.
Cũng như nhiều thú chơi khác, người đam mê chơi đá cảnh tập hợp lại với nhau thành những câu lạc bộ chơi đá cảnh. Từ đây mà kinh doanh đá cũng phát triển. Chơi đá cảnh chủ yếu là đam mê nhưng nếu biết kinh doanh cũng rất khá, bởi nhiều người đã bán những khối đá cảnh hàng trăm triệu đồng tùy theo chất đá, kích thước, màu sắc, hình dáng. Dù giá trị của mỗi viên đá là vô cùng, những người kinh doanh đá cảnh thường không nói sai sự thật. Nhiều người cho rằng đam mê hay kinh doanh đều phải khôn ngoan, nghề chơi cũng lắm công phu, đá cảnh chơi cũng khó mà kinh doanh cũng khó, có những người có kinh tế nhưng không thể mua được vì luôn nghi ngờ về giá trị của viên đá.
Ngoài ra nhiều người đam mê nhưng không thể chuyển sang kinh doanh được bởi phải dời đam mê với viên đá mình yêu thích và bỏ công sức tìm kiếm, sưu tập được. Ông Hoàng Trần Hậu, nghệ nhân chơi đá cảnh cho biết: “Tôi đi nhiều nước châu Âu, Trung Quốc, Tây Tạng tìm những viên đá đẹp, kỳ công và gian nan để sưu tập nên khi bán đi rất tiếc, cảm thấy như mất đi phần nào đam mê của mình. Vì vậy tôi tự nhủ bản thân chẳng có gì là bất biến, là mãi mãi, viên đá đẹp để mọi người có thể cùng chiêm ngưỡng, chia sẻ đam mê với người khác để rồi lại tiếp tục đi tìm những viên đá khác mặc dù hành trình khó khăn”. Ông Hậu cho biết thêm, thị trường đá cảnh vừa có tiêu chuẩn vừa phi tiêu chuẩn, ở chỗ những viên đá dạng bình thường được cho là tiêu chuẩn khi cái đẹp vượt quá lên là phi tiêu chuẩn, quan trọng là người chơi chấp nhận giá mua đến đâu.
Có thể nói chơi đá cảnh là thú chơi lành mạnh, đem lại nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Người chơi khi bỏ công sức sưu tầm, chau chuốt, bày biện và chiêm ngưỡng, đôi khi có thể rút ra được nhiều triết lý sống sâu xa. Còn với những người có điều kiện thì lợi ích của đá cảnh là tạo không gian kiến trúc đặc biệt, thậm chí có thể gia tăng giá trị cho các bất động sản. Nguồn thu nhập từ việc giao lưu, trao đổi bán đá cảnh cũng đã đem lại phần thưởng đáng kể về vật chất và tinh thần cho những người chơi. Đó là nguồn động lực để thú chơi đá cảnh vẫn giữ nguyên từ xưa đến nay và tiếp tục phát triển.
Bài và ảnh: Tuấn Anh