Mục lục
Là một trong những loại phong lan được nhiều người chơi đánh giá là dễ nuôi trồng, không yêu cần khắt khe trong quá trình chăm sóc lại cho mùa hoa rải rác từ tháng 2 đến tháng 11 hàng năm, hoa có hương thơm rất đặc trưng, màu sắc hoa bắt mắt tạo sự tươi mát cho người thưởng hoa; Trong khi đó, giá thành của loại lan này cũng khá hợp lý. Do vậy, phong lan kiếm xanh Huế này đang được nhiều người tìm kiếm và sẵn sàng chi tiền để bổ sung chúng vào bộ sưu tập vườn lan của mình.
Xuất xứ và phân bố
Phong lan kiếm xanh Huế có tên khoa học là Cymbidium finlaysonianum alba được xếp vào loại địa lan. Loài lan này có nguồn gốc từ Huế, Việt Nam. Hiện nay, với những kinh nghiệm vốn có trong việc nuôi trồng lan, người trồng đã nhân giống chúng tại các tỉnh, thành khác trong nước một cách hiệu quả.
Đặc điểm nhận biết của phong lan kiếm xanh Huế
Về thân:
Thân của Cymbidium finlaysonianum alba thường có màu xanh tuyền, xanh vàng và một số loại cây có cả những sọc trắng mờ chạy dọc thân cây. Thân cây sinh trưởng và bắt đầu phình to từ 2 – 5 cm, thân có chiều cao trung bình từ 5 – 10 cm tùy thuộc vào sự chăm sóc của người trồng và do khí hậu từng vùng miền.
Về lá:
Lan kiếm xanh có bộ lá to, dài từ 40 – 60 cm, dạng hình chữ V, lá có màu xanh đậm hoặc xanh vàng tùy thuộc vào ánh sáng và nhiệt độ nơi trồng lan; bẹ lá lan kiếm xanh Huế thường ôm trọn cả thân cây, cuối 2 nửa lá không bằng nhau và bị khuyết vào ở giữa.
Về rễ:
Kiếm là loại lan có rễ chùm giúp chúng bám chắc vào các giá thể và hút chất dinh dưỡng tốt nhất nuôi các bộ phận khác của lan; đầu rễ thường có màu trắng hoặc màu trắng tím và màu trắng ngà ở thân rễ.
Về hoa:
Hoa của lan kiếm xanh Huế, không giống như những loài lan khác chỉ ra hoa 1 lần/năm, loài lan này mùa hoa kéo dài rải rác trong năm từ tháng 2 – 11 hàng năm. Hoa mọc theo từng chùm, phát triển dài theo cần hoa và rũ xuống mềm mại; hoa mọc trải đều trên cần, số lượng hoa khá nhiều từ 20 – 35 bông hoa, có đường kính từ 3 – 5 cm/bông. Hoa nhanh tàn, khi bung nụ chúng chỉ giữ được từ 5 – 7 ngày nhưng nếu trong điều kiện khí hậu mát mẻ hoa có thể kéo dài ngày hơn. Bên cạnh đó, chúng có hương thơm rất dễ chịu vì thế nhiều người trồng lan kiếm xanh Huế thường đặt chúng trước ban công nhà để thưởng hoa.
Kỹ thuật chăm sóc lan kiếm xanh Huế
Ánh sáng:
Để lan kiếm xanh Huế có thể phát triển tốt nhất chúng ta cần đặt lan tại nơi có 20 – 50% lượng ánh sáng và nhiệt độ dao động từ 20 – 30oC; tại các vườn lan cần tiến hành dùng các lưới che chắn cho cây không để nắng, mưa, lượng ánh sáng hắt trực tiếp vào cây. Khi cây chuẩn bị bước vào mùa hoa cần đặt cây ra nơi có ánh sáng và ánh nắng mạt trời dịu nhẹ giúp cây quang hợp và ngâm nụ.
Chế độ nước:
Với loài lan này, sau khi trồng một thời gian cây sinh trưởng các bộ phận đặc biệt là rễ đã mọc dài từ 3 – 5 cm, chúng ta cần tưới cho lan 1 ngày/lần đối với những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng chú ý không cần quá đậm, và tưới 2 -3 ngày/lần đối với những ngày thời tiết mát mẻ. Đặc biệt, cẩn trọng trong quá trình tưới nước cho cây, không tưới quá mạnh khiến các bộ phận của cây bị dập nát làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển.
Giá thể cho cây:
Điều này cần được tính toán và lựa chọn kỹ càng, từ khi bắt đầu đầu trồng cần kiếm những giá thể có khả năng thoát nước tốt, để khi tưới nước lan không bị ngập úng gây ra bệnh hoặc bị thối rữa rễ và thân.
Bón phân:
Ta có thể bón phân cho lan kiếm xanh Huế quanh năm nhưng chỉ trong giai đoạn lan đã và đang phát triển các bộ phận giúp chúng nhanh lớn và tích trữ đủ chất dinh dưỡng bắt đầu cho một mùa hoa mới.
Phun thuốc phòng trừ bệnh:
Cũng giống như các loài lan khác chúng ta cần tưới nước vào buổi chiều khi thời tiết đã mát mẻ. Định kỳ 1 tháng/lần tiến hành phun thuốc cho chúng. Tuy nhiên, đối với cây đã và đang mắc bệnh thì cần tiến hành phun thuốc 15 ngày/lần đến khi cây khỏi hẳn mới trở về định kỳ phun thuốc cũ. Liều lượng phun thuốc 1 thìa cà phê thuốc/4 lít nước ./.
Minh Đức ST