Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Friday, December 27, 2024 12:13:54 AM

Tỉnh Bắc Ninh phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP

21/09/2023

Mục lục

Sau hơn 5 năm triển khai, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm.

Triển khai từ năm 2018, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Sau hơn 5 năm, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình. Chương trình đã tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Sau hơn 5 năm, chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản.

Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh được thực hiện hiệu quả, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Ninh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 102 sản phẩm của 40 chủ thể tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2023. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực như lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… Các địa phương có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm nay, gồm: Thị xã Quế Võ (23 sản phẩm của 8 chủ thể); thành phố Từ Sơn (18 sản phẩm của 5 chủ thể); thị xã Thuận Thành (13 sản phẩm của 6 chủ thể); huyện Tiên Du (12 sản phẩm của 5 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (12 sản phẩm của 4 chủ thể)…

Tỉnh Bắc Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm trở lên đạt chất lượng 5 sao; xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, nhằm phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách, Bắc Ninh đang triển khai Đề án Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, bước đầu, tỉnh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (còn gọi là làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).

Theo Đề án, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thiết kế, phát triển sản phẩm, dịch vụ để du khách có thể trải nghiệm cuộc sống làng nghề, cuộc sống nông thôn tại các điểm du lịch cộng đồng (gốm Phù Lãng, khu Viêm Xá, tranh Đông Hồ và vùng phụ cận), thực hành các công đoạn làm ra sản phẩm nghề truyền thống (như: gốm, tranh dân gian, nghi thức, lề lối, trình diễn của Quan họ làng Diềm). Tỉnh chú trọng liên kết với các điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch đến các nơi triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch nhằm tăng cường trải nghiệm để giữ chân du khách.

Việc triển khai Ðề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa, mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh-Kinh Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế.

Để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, HTX và hộ dân hiểu về lợi lích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng NTM bền vững. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, phát triển sản phẩm OCOP thì rất cần sự chủ động, đồng thuận của người dân trong việc đưa văn hóa bản địa vào các sản phẩm OCOP, tạo giá trị kinh tế bền vững trong các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

NK

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng