Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 12:49:50 AM

Các giải pháp để phát huy giá trị sen Việt

12/07/2024

Mục lục

VNHS - Tạp chí Việt Nam Hương sắc xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả - tại Hội thảo về “Bảo tồn và phát triển hoa Sen Việt Nam” được tổ chức chiều nay (12.7) trong khuôn khổ lễ hội Sắc Sen Hà Nội 2024.

Cây hoa sen (tên khoa học Nelumbo nucifera) đã từ lâu, rất gần gũi và thân thiết với người dân Việt Nam, ngoài giá trị về thẩm mỹ (sử dụng hoa cắt cành, làm cảnh quan) cây hoa sen còn được dùng làm thực phẩm, làm hương liệu, làm dược liệu, làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, thủ công mỹ nghệ và đặc biệt sen còn phục vụ phát triển du lịch.

Hiện nay, hoa sen được trồng nhiều ở hầu khắp các vùng, miền trên cả nước. Việt Nam có 3 miền/vùng rõ rệt, cũng có 3 loại giống sen, rất đặc trưng cho mỗi vùng miền đó là : Miền Nam có sen Hồng Đồng Tháp, Miền Bắc có sen Bách diệp Tây Hồ, Miền Trung có sen trắng Huế.

Tham luận của PGS. TS Đăng Văn Đông

Sen Bách diệp Tây Hồ, trồng ở Hồ Tây có đặc trưng là có lá xanh đậm, hình tròn, mặt lá nhẵn và bóng, cánh hoa to, dạng kép, mỗi bông có xấp xỉ 100 cánh, Cánh hoa màu màu hồng đỏ, nhụy, nhị đều to, màu vàng nâu, có hương thơm rất đặc biệt, mùi hương quyến rũ, dễ chịu, chính vì vậy giống sen này đã từ lâu được coi là đặc sản vùng, đồng thời cũng được coi là một phần của văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Theo quyết định số 4924/QĐ-UBND ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quí hiếm cần được bảo tồn phát triển.

Tổng diện tích các đầm sen ở Tây Hồ, (đã từng trồng giống sen Bách Diệp Tây Hồ) tại phường Quảng An là gần 30 ha trong đó:  Đầm Trị (5,7 ha); Đầu Đồng (3,6 ha); Thuỷ Sứ trên (3,6 ha); Thuỷ Sứ dưới (0,7 ha); Phổ Linh (2,0 ha); Đầm Chéo (4,0 ha)…

 Đầu năm vừa qua, tại các đầm sen, đang trong tình trạng đất trắng, hoặc bèo tây, cỏ dại mọc, 1 số đầm chưa được kè thì nhiều rác rưởi xung quanh, làm mất mỹ quan. Trong đầm hầu như còn rất ít gốc sen từ năm trước.

Với sự hỗ trợ của UBND quận Tây Hồ, sở Nông nghiệp PTNT TP Hà Nội và Viện Nghiên cứu Rau quả, nỗ lực quyết tâm và cố gắng rất lớn của các hộ gia đình trồng sen, mà đến nay đã có 2 đầm sen mọc đẹp, đã và đang cho ra hoa vào đúng dịp lễ hội sen năm nay.

Sen Bách diệp Tây Hồ

Trên địa bàn Quận Tây Hồ cũng có khoảng 15 cơ sở chế biến chè sen. Nhu cầu của 1 cơ sở trong 1 ngày vào mùa sen, cần 3.000 - 5.000 bông sen bách Diệp Tây Hồ.  Mỗi cơ sở trong 1 vụ sen cần 360.000 bông, nhu cầu của cả Quận xấp xỉ 4.000.000 bông/năm (cả chế biến và bán tươi). Số lượng hoa này trồng tại Tây Hồ chưa đủ, mà người dân phải liên kết với 1 số đầm sen ở các vùng lân cận. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với sen tây Hồ mà còn xảy ra đối với nhiều loại sen đặc sản quý hiếm khác.

Các đại biểu tham dự Hội thảo 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng tựu chung, theo chúng tôi có 3 nhóm nguyên nhân chính sau: 

Về cơ chế quản lý:

Hiện nay các đầm này chưa có cơ chế giao khoán rõ ràng, chưa có chủ nhân thực sự, có đầm có chủ, nhưng những người chủ này lại ít tâm huyết với cây sen, không đầu tư thích đáng vật tư, công sức cho việc chăm sóc cây sen, do vậy năng suất thấp hiệu quả thu được không đáng kể

Về môi trường:

Do tình trạng ô nhiễm cả nguồn đất và nước. Đặc tính của cây sen Tây Hồ là yêu cầu cả đất và nước đều phải sạch, không ô nhiễm.  Tuy nhiên nguồn đất và nước ở đây đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa được kiểm soát hết, do vậy đã làm cho cây sen khó có thể sống nổi, nếu không có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. 

Về khoa học công nghệ:

Lâu nay người dân Tây Hồ chủ yếu chọn giống, trồng, canh tác sen theo kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng khoa học công nghệ, nên cây sen bị thoái hóa, bị lây nhiễm nguồn bệnh bên từ bên trong, từ đó làm cho cây trồng bị chết, mùa thu hoạch nhanh tàn. Mặt khác cũng do người dân chưa hiểu hết nguyên nhân gây bệnh, nên chưa có cách phòng trừ hiệu quả.

 Cần có cơ chế tổ chức quản lý rõ ràng, mình bạch hơn

Để bảo tồn và phát triển sen Tây Hồ một cách bền vững, cần có sự tham gia và hành động cụ thể từ các cơ quan quản lý, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng. Các cơ quan quản lý nên tập trung vào việc xây dựng và thực thi các chính sách bảo tồn phát triển một cách cụ thể, bao gồm ban hành các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn phát triển sen.

Kiểm soát ô nhiễm và chất lượng nước:  Đặc điểm của cây sen nói chung và sen Tây Hồ nói riêng, là sinh trưởng, phát triển trong môi trường sạch, do vậy cần có kiểm soát ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước. Cần quản lý chặt chẽ nguồn xả thải từ công nghiệp và sinh hoạt.

Các doanh nghiệp, khu công nghiệp và khu dân cư cần tuân thủ các quy định về xử lý nước thải, đảm bảo không xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý. Thực hiện việc thiết lập hệ thống quan trắc nước tự động và kiểm tra định kỳ các chỉ số về môi trường.

Các giống sen được trưng bày trong Lễ hội Sen 2024

Các giải pháp về khoa học công nghệ:

  1. Xây dựng trung tâm bảo tồn, lưu giữ các giống sen (đặc biệt các giống sen quý hiếm như sen Bách Diệp Hồ Tây, sen Mặt Bằng, sen Bát xanh, sen trắng Huế, sen Hồng Đồng Tháp…) quy mô 3-5 ha, để gìn giữ, phát triển được các giống sen bản địa, đồng thời cũng là nguồn quỹ gen, nguồn vật liệu để chọn tạo giống hoa sen mới, có năng xuất, chất lượng cao, phục vụ sản xuất. 
  2. Lai tạo được bộ giống sen mới, thích hợp với điều kiện sinh thái của địa phương để bổ sung vào cơ cấu các giống hoa hiện có.(vừa mang đặc tính tốt của cây mẹ, vừa khắc phục các các tồn tại của các giống sen đó).
  3. Xây dựng cơ sở chuyên ươm tạo, nhân giống sen, để cung cấp cây giống sen chất lượng cao, không bị sâu bệnh hại, đáp ứng 50 - 70% nhu cầu sản xuất. 
  4. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, canh tác sen áp dụng nhiều các kỹ thuật tiên tiến vào thực tế sản xuất.  Đặc biệt là các quy trình sản xuất sen hữu cơ, sản xuất sen theo hướng tuần hoàn, hoặc sản xuất sen ứng dụng IoT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, và hiệu quả sản xuất hoa sen.
  5. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật thu hái, bảo quản, chế biến sâu về sen, để tạo ra nhiều sản phẩm từ sen hơn nữa, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 
  6. Xây dựng các vùng/mô hình sản xuất sen có quy mô lớn, đáp ứng được các yêu cầu về thổ nhưỡng, giao thông, nguồn nước…để đảm bảo có thể sản xuất được cây sen theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ, vừa phát triển một cách an toàn bền vững.
  7. Xây dựng một số mô hình sản xuất sen kết hợp với làm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, để nâng cao hiệu quả sản xuất cây sen, từ đó thúc đẩy ngành du lịch và các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
  8. Tăng cường đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, cho ngành sen. Đồng thời cũng cần mở các lớp tập huấn, ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân, nông dân để họ có có kiến thức trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, thương mại các sản phẩm về sen
  9. Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các giống sen quý như “sen bách diệp Hồ Tây” “sen hồng Đồng Tháp” “sen trắng Ngự Huế” và Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm sen đặc hữu nói trên.

PGS. TS Đặng Văn Đông – Viện Nghiên cứu Rau quả

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng