Tuy cùng chung một huyện, giáp danh với một số xã xung quanh như: Tân phương, Thạch Đồng, Xuân Lộc…nhưng phong tục tập quán ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) lại có nhiều nét rất riêng, không giống với các xã bạn nhất là với các lễ nghi việc cưới xin, cỗ bàn, ăn mặc, tiếng nói… Đặc biệt là cách bài trí, xếp đặt mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ ngày Tết hoặc bên mâm cỗ thờ trong ngày Hội làng thì thật có một không hai, chẳng đâu làm to cao, hoành tráng, cẩn thận, chu đáo và đẹp mắt như ở Đào Xá.
Theo phong tục tập quán người Việt Nam từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng vậy cứ vào những ngày Tết Nguyên đán là trên bàn thờ nhà ai cũng có mâm ngũ quả thờ cúng gia tiên. Song được biết mâm ngũ quả ở các nơi thường bày đặt rất thấp, đơn giản, chỉ chú ý mặt tiền, phía sau để khuyết còn mâm ngũ quả ở xã Đào Xá thì được xếp theo hình tháp tròn đầy đặn cả bốn phía rất công phu và mang tính nghệ thuật rất hấp dẫn.
Hàng năm vào các ngày từ 25 đến 30 tháng Chạp trên những phiên chợ giáp Tết ở xã Đào Xá đã bán đủ các loại trái cây để làm mâm ngũ quả. Theo phong tục tập quán ở đây thì trên mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại quả chính là: Chuối tiêu xanh, bưởi (hoặc phật thủ, đu đủ), cam, hồng, quýt, mỗi thứ từ 5 đến 10 quả. Ngoài ra còn có thêm một số quả thuộc loại nhỏ khác như quất, táo, roi…các loại quả trên đều là những sản phẩm ở quê nhà nhưng được tuyển chọn rất cẩn thận, chỉ chọn những quả to mập, tròn trịa, vỏ nhẵn bóng, mầu sắc tươi tắn, không sứt sát và được xếp theo thứ tự nhỏ dần từ dưới lên .
Đầu tiên là 3 nải chuối xanh được xếp tròn kín quanh mâm, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt. Hình ảnh nải chuối tượng trưng cho bàn tay trăm ngón xòe ra nâng các loại trái ngọt bên trong, thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu với tổ tiên. Giữa ba nải chuối là quả bưởi (hoặc phật thủ, đu đủ) chin vàng tượng trưng cho mùa màng bội thu, cuộc sống luôn đầy đủ, ấm no, sung túc. Tiếp đến là quả cam, quýt, hồng… được xếp bao quanh xen kẽ từ dưới lên theo hình tháp tròn. Quả cam sành mầu nâu xám tượng trưng cho đất và những đức tính giản dị, chân thành, mộc mạc, sức mạnh của con người trong cuộc sống. Quả hồng màu hồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, Quả quýt màu đỏ tượng trưng cho mựt trời tỏa sáng khắp bốn phương luôn mang lại chiến thắng, thành đạt. Ngoài ra còn một số loại quả khác như táo, nho, quất, roi…được xếp xen kẽ làm cho mâm ngũ quả thêm đầy đặn, mầu sắc hài hòa đẹp mắt.
Mâm ngũ quả thờ cúng gia tiên trong mỗi gia đình ở Đào Xá thông thường được xếp đáy rộng 30-40cm, cao 50-60cm còn mâm ngũ quả thờ cúng Thành Hoàng làng trong ngày hội rước voi ở đình làng vào ngày (28 tháng giêng hang năm) thì được xếp to cao hoành tráng hơn so với mâm ngũ quả thờ cúng gia tiên ở mỗi gia đình. Mâm ngũ quả trong ngày Hộ làng có đường kính phần đáy là 50cm, cao từ 80cm đến 1m (như ảnh minh họa). Trông to cao như vậy nhưng rất vững chãi, không bị xô đổ bởi bên trong có trụ đỡ, dây gắn kết và bàn tay lành nghề xếp, cài đặt rất khéo léo, nghệ thuật nên mâm ngũ quả ở đây được bày đặt trong mâm cỗ thờ đặt lên kiệu đem rước quanh làng mà không hề rơi rụng quả nào bao giờ.
Việc bày, xếp mâm ngũ quả rất đặc sắc ở Đào Xá có từ bao giờ không rõ, chỉ biết đây là việc làm rấ công phu, nghệ thuật đã mang tính cha truyền con nối từ rất lâu đời. Những người mới đến định cư ở làng, những cặp vợ chồng mới ra ở riêng làm chưa thạo hoặc những nhà neo đơn không làm kịp thì nhờ các cụ cao niên trong làng đến hướng dẫn, giúp đỡ đảm bảo nhà nào Tết đến cũng có mâm ngũ quả truyền thống của làng để thờ cúng gia tiên.
Được chiêm ngưỡng mâm ngũ quả Đào xá, một tác phẩm mang tính nghệ thuật tạo hình dân gian khá độc đáo ai cũng phải tấm tắc khen ngợi và trân trọng trước bàn tay tài hoa, khéo léo và tấm lòng thành kính, hiếu thảo với atoor tiên của người dân nơi đây.
Nguyễn Văn Ngọ
Tin tức khác