Mục lục
Hoa Hướng dương là loại cây có hạt lấy dầu được sản xuất lớn thứ 3 trên thế giới, đứng thứ 4 trên thế giới về sản xuất dầu thực vật và giữ vị trí thứ 3 về sản xuất bánh dầu làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm.
1. Sản xuất hạt Hướng dương lấy dầu
Ukraine và Nga là những nước sản xuất hạt Hướng dương hàng đầu trên thế giới. Năm 2013, Ukraine sản xuất 11 triệu tấn hạt Hướng dương, chiếm 24,8% sản lượng của thế giới trong khi Nga sản xuất 10,6 triệu tấn, chiếm 23,7% sản lượng của thế giới. Argentina, Trung Quốc, Romania, Bulgaria và Tanzania cũng là những nhà sản xuất hạt Hướng dương lớn trên thế giới. Tổng sản lượng hạt Hướng dương trên thế giới đạt 44,5 triệu tấn vào năm 2013 với diện tích gieo trồng đạt 4,6 triệu hécta.
Năm 2019, tổng sản lượng hạt Hướng dương trên thế giới đạt 54,3 triệu tấn. Con số này cao hơn 7,42% so với năm 2018 và tăng 41,4% so với 10 năm trước. Nước đứng đầu là Nga, chiếm 28,3% sản lượng hạt Hướng dương trên thế giới với 15,3 triệu tấn, đứng thứ 2 là Ukraine chiếm 28,1% (15,2 triệu tấn) và thứ 3 là Argentina chiếm 7,04% (3,8 triệu tấn). Romania chiếm 6,57% (3,6 triệu tấn) và Trung Quốc chiếm 4,5% (2,4 triệu tấn) đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trên thế giới.
Trong niên vụ 2021, Ukraine đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới với sản lượng hạt Hướng dương đạt 17,5 triệu tấn. Nga đứng vị trí thứ 2 với 15,5 triệu tấn. Như vậy 2 quốc gia này thay nhau giữ vị trí số 1 và 2 của thế giới về sản xuất hạt Hướng dương trong suốt nhiều năm qua. Tại Ukraine, Hướng dương là một trong những loại cây trồng phổ biến nhất, chiếm 1/5 diện tích canh tác (khoảng 6,5 triệu hécta năm 2021) với năng suất trung bình hàng năm đạt 2,13 tấn/ha. Các khu vực sản xuất hạt Hướng dương chính ở Ukraine gồm: Vùng Luhansk, Kherson và Dnipropetrovsk.
Theo dự báo của Ủy ban Liên minh Châu Âu (EU), diện tích trồng hoa Hướng dương của EU cho thu hoạch vào năm 2022 lên tới khoảng 4,7 triệu hécta (tăng 199.000ha so với năm 2021). Romania vẫn là nhà sản xuất lớn nhất trong Liên minh châu Âu về diện tích. Nước này dự kiến sẽ tăng 56.000ha lên khoảng 1,3 triệu hécta. Tiếp theo là Bulgaria ở vị trí thứ 2 với diện tích dự kiến là 875.000ha. Pháp có thể cũng sẽ ghi nhận diện tích tăng 4,4% lên 729.000ha. Diện tích trồng hoa Hướng dương ở Hungary dự kiến sẽ tăng 29.000ha, tương đương 4,5% so với năm trước lên 680.000ha. Tại Tây Ban Nha, diện tích trồng hoa Hướng dương sẽ tăng 4,5% so với năm trước lên 654.000ha. Trong khi đó ở Đức, diện tích trồng hoa Hướng dương của của nước này có thể sẽ mở rộng lên 40.000ha.
Trước tình hình gieo trồng hoa Hướng dương ở Ukraine không rõ ràng do chiến tranh tiếp diễn thì đây là một tín hiệu quan trọng cho nguồn cung ra thị trường của các nhà máy sản xuất dầu ở châu Âu.
- Xuất khẩu hạt Hướng dương: Năm 2020, giá trị xuất khẩu hạt Hướng dương trên thế giới đạt 4,82 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,1% so với năm 2019 (4,42 tỷ đô la Mỹ). Các quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt Hướng dương gồm Romania (671 triệu đô la Mỹ), Trung Quốc (628 triệu đô la Mỹ), Nga (589 triệu đô la Mỹ), Bulgaria (537 triệu đô la Mỹ) và Pháp (432 triệu đô la Mỹ). 5 quốc gia này chiếm 61,3% tổng sản lượng hạt Hướng dương được xuất khẩu trên toàn cầu.
- Nhập khẩu hạt Hướng dương: Trong năm 2020, giá trị nhập khẩu hạt Hướng dương trên thế giới đạt 4,45 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, 5 quốc gia nhập khẩu hạt Hướng dương lớn nhất gồm: Thổ Nhĩ Kỳ (560 triệu đô la Mỹ), Bulgaria (504 triệu đô la Mỹ), Nga (300 triệu đô la Mỹ), Hà Lan (292 triệu đô la Mỹ) và Đức (267 triệu đô la Mỹ).
2. Sản xuất dầu Hướng dương
Một trong những mặt hàng chính có thể được sản xuất từ hạt Hướng dương là dầu Hướng dương, loại dầu ăn phổ biến, được người tiêu dùng ưa chuộng.
- Xuất khẩu: Ukraine là quốc gia xuất khẩu dầu Hướng dương đứng đầu thế giới. Năm 2020, sản lượng dầu Hướng dương của nước này là 19 triệu tấn, trong đó lượng dầu xuất khẩu đạt 6,7 triệu tấn (tăng 2,2 triệu tấn so với năm 2015). Nga, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt xếp thứ 2, 3 và 4 trong bảng xếp hạng này. Sản lượng dầu Hướng dương của 3 nước này lần lượt đạt 3,8 triệu tấn, 715.000 tấn và 558.000 tấn. Liên minh Châu Âu (EU) có sản lượng dầu Hướng dương xuất khẩu đạt 875.000 tấn, còn lại 808.000 tấn dầu Hướng dương xuất khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới.
- Nhập khẩu: Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu Hướng dương lớn nhất trên thế giới. Niên vụ 2020/2021, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 1,8 triệu tấn, tiếp theo là EU (1,6 triệu tấn), thứ 3 là Trung Quốc (1,5 triệu tấn) và thứ 4 là Thổ Nhĩ Kỳ (750.000 tấn). Ấn Độ nhập khẩu 70% dầu Hướng dương từ Ukraine, 20% từ Nga và 10% từ Argentina.
Hà Lan là nhà nhập khẩu dầu Hướng dương thô lớn nhất của EU với giá trị nhập khẩu năm 2021 là 641 triệu Euro, trong đó có 538 triệu Euro đến từ Ukraine. Tây Ban Nha và Ý là hai nước nhập khẩu dầu Hướng dương lớn thứ 2 và thứ 3 của EU. Hà Lan cũng là nhà nhập khẩu dầu Hướng dương lớn nhất từ Ukraine tính theo tỷ lệ phần trăm (84%), tiếp theo là Malta (77%), Tây Ban Nha (69%) và Pháp (66%).
Ở Ukraine, hạt Hướng dương được gieo vào tháng 4, tháng 5 và thu hoạch bắt đầu từ tháng 9. Tuy nhiên, do xung đột giữa Nga và Ukarine mà việc trồng và chế biến hạt Hướng dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hành động quân sự trong các khu vực nông nghiệp gây rủi ro cho chuỗi cung-cầu của chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Với việc các tuyến đường giao thương bị phong tỏa, các cơ sở xuất nhập khẩu đóng cửa và nông dân không thể trồng sẽ làm cho năng suất và sản lượng hạt hướng Hương bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2022.
Do tập trung vào thị trường xuất khẩu nên hầu hết các nhà máy chế biến dầu ăn của Ukraine đều nằm ở vị trí hậu cần gần các cảng Biển Đen và thường cách xa các khu vực trồng cây lấy hạt ở miền Trung và miền Đông của đất nước.
Cuộc xâm lược đã khiến các nhà máy chế biến này của Ukraine không thể hoạt động. Với việc tạm ngừng kinh doanh và không có hạt Hướng dương, hầu hết các nhà máy sản xuất dầu Hướng dương đều đóng cửa hoàn toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất dầu ăn trong nước của Ukraine mà còn ảnh hưởng đến nguồn xuất khẩu dầu ăn ra nước ngoài của nước này. Bởi theo dự kiến, Ukraine sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn dầu Hướng dương vào cuối tháng 2 và tháng 3 năm 2022 nhưng do khủng hoảng đang diễn ra, các nước nhập khẩu sẽ phải thay thế số lượng dầu ăn này bằng các nguồn cung có sẵn từ quốc gia xuất khẩu dầu Hướng dương khác trên thế giới.
Theo dự báo mới nhất từ Công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform thì sản lượng thu hoạch hạt Hướng dương tại Ukarine niên vụ 2022/2023 sẽ chỉ đạt 9,2 triệu tấn (giảm 42% so với năm 2021/2022), với diện tích gieo trồng xuống thấp nhất trong 13 năm qua (giảm 4,2 triệu hécta). Sản lượng dầu Hướng dương dự kiến sẽ chỉ đạt 5,9 triệu tấn, trong đó có 5,4 triệu tấn để xuất khẩu.
Ngọc Duệ