Mục lục
(VNHS) - Cây xanh đã và đang là “lá phổi” của đô thị. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, tình trạng đầu độc cây xanh đô thị, hủy hoại hệ sinh thái đô thị nhằm phục vụ mục đích cá nhân, trục lợi diễn ra khá nghiêm trọng ở nhiều thành phố hiện nay.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, thời gian vừa qua nhiều người dân sinh sống tại khu vực phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng,Hà Nội) đang cảm thấy tiếc nuối và bày tỏ nghi vấn cây sao đen hàng trăm năm tuổi trước số nhà 65 bị bức tử trước khi đốn hạ, đào gốc sáng 25.3.
Sở Xây dựng xác nhận cây sao đen trên có đường kính 80cm, cao 18m có hiện tượng bị xâm hại, bị đổ xi măng ở gốc cây. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến cây bị chết. Theo vị đại diện Sở Xây dựng cho biết : "Việc xử lý chặt hạ cây chết được thực hiện theo đúng quy trình, quy định của thành phố, với sự tham gia của các bên có liên quan… Sau khi chặt hạ, việc có trồng thay thế cây khác hay không còn phải khảo sát, cân nhắc vỉa hè có đủ điều kiện để trồng lại hay không?"
Những người dân tại đây cho biết, cách đây 5 năm, một cây sao đen khác trước cửa số nhà 71 phố Lò Đúc cũng bị xâm hại bằng cách đổ axit vào cây. Một người dân khẳng định: "Chúng tôi có ghi lại hình ảnh cây bị đổ axit triệt hạ, gửi cả ảnh và đơn thư lên chính quyền địa phương, công an mà không thấy phản hồi gì”.
Được biết, Sao đen là loại cây nằm ở nhóm III trong danh sách gỗ quý của Việt Nam. Hiện tại, trên phố Lò Đúc có khoảng hơn 50 cây sao đen có tuổi đời hơn 100 năm, kéo dài từ số nhà 1 đến số nhà 77. Hàng cây này không chỉ tạo bóng mát mà còn đem lại cảnh quan rất riêng biệt cho khu phố.
Không chỉ riêng hàng cây sao đen ở phố Lò Đức đang bị ‘bức tử’, nhiều cây xanh trồng tại các tuyến phố lớn ở Thủ đô cũng đang chịu chung số phận khi bị giá sắt siết chặt làm biến dạng thân, có cây bị đóng đinh, mắc đèn, treo đồ, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Đơn cử như tại đường Phạm Văn Đồng mở rộng (quận Bắc Từ Liêm), hàng nghìn cây xà cừ đã được thay bằng nhiều loại cây khác, chủ yếu là giáng hương. Cây lúc mới trồng đã cao hơn 5 m, đường kính hơn 30 cm, được đỡ bằng trụ sắt. Sau một thời gian trồng,hiện cây phát triển nhưng bị các vòng sắt bao quanh thân cây không được tháo dỡ hay nới rộng. Những cây hoa phượng trên đường Láng Hạ (quận Đống Đa) bị vòng sắt siết chặt khiến một đoạn thân cây biến dạng.Tình trạng trên còn diễn ra tại nhiều tuyến đường được thay thế cây trong những năm qua, như Phạm Văn Đồng, Láng Hạ, Trần Khát Chân, Xã Đàn, Vành đai 2, Võ Chí Công….
Việc trồng cây xanh trong các khu đô thị không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo ra hệ sinh thái xanh, làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang sạch đẹp.
Vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp, vì sự tôn nghiêm của pháp luật, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, đề nghị các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm những trường hợp bức tử cây xanh. Đồng thời, các ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm tổ chức phân định rõ danh mục cây xanh do thành phố quản lý và do quận, huyện quản lý để kịp thời xử lý các vi phạm, bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Trường Minh