Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 18, 2024 9:51:16 AM

“Có cho tôi vài triệu một ngày và bảo tôi đổi nghề thì tôi cũng không”

17/12/2024

Mục lục

VNHS - Đó là lời tâm sự rất thật lòng của ông Nguyễn Bá Kỳ, một người chơi bonsai ở khu vực chợ Rồng, (xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) khi tâm sự về những vui buồn của nghề trồng cây cảnh.

Thăng trầm với nghề

Vườn bonsai của ông Nguyễn Bá Kỳ khoe mình một cách khiêm nhường bên cạnh tuyến đường trục liên xã của xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đây cũng là một địa điểm mà ông cho biết “là nơi đến thăm quan và giao lưu thường xuyên của những anh em làm cùng nghề trong khu vực”.

“Tôi mê cây cảnh từ nhỏ, hồi bé ở quanh khu vực này có mấy cụ già chơi cây cảnh nên ngày nào tôi cũng đến nhà hoặc đi theo các cụ để được ngắm cây cảnh cùng các cụ, thích lắm nhưng chưa có điều kiện nên cũng chỉ biết ngắm vậy thôi” – ông khởi đầu câu chuyện của mình như thế.

Một cây sanh khoe dáng trong vườn cây của ông Nguyễn Bá Kỳ

Bắt đầu từ năm 2001, ông Nguyễn Bá Kỳ chính thức bươc chân vào làng nghề chơi cây cảnh. Ban đầu chỉ là mua một vài cây rồi đưa về vườn nhà mày mò tạo thế, chăm sóc…sau rồi dần dần số cây trong vườn ông cứ được tích lũy thêm với số lượng ngày càng tăng lên.

Trỏ vào những gốc cây đang vươn mình tươi tốt khoe đủ mọi kiểu dáng trong vườn, ông nói: “Trước đây tôi chơi nhiều chủng loại cây lắm, hầu như loại nào cũng có một vài cây, tuy nhiên do chế độ chăm sóc của từng loại là khác nhau, do đó rất mất công sức và thời gian nên cuối cùng tôi chỉ tập trung vào một loại thôi, đó là sanh Nam Điền. Hiện trong vườn này có khoảng hơn 100 cây sanh Nam Điền được tôi kỳ công chăm sóc tạo tác cẩn thận và có thể nói đây là những cây mà tôi thấy ưng ý nhất.

Nhấp một ngụm trà, giọng ông trầm hẳn xuống: Nghề này cũng nhiều nỗi gian truân nhiều lúc tưởng như khó vượt qua nổi. Như vào thời điểm những năm 2010, do suy thoái kinh tế và một phần nguồn cung của thị trường tăng cao do trào lưu nên nghề trồng cây cảnh cũng lao đao, lúc đó tôi phải vay mượn khắp nơi để có tiền duy trì được vườn cây này, thậm chí phải vay nóng với lãi suất cao, tiền trả lãi trung bình lên đến 1 triệu đồng/ngày, tưởng chùng không cầm cự nổi.

Để duy trì được vườn cây yêu quý và không chịu từ bỏ cuộc chơi, ông đã phải bán đi một số cây đẹp trong vườn nhà mình để có tiền trang trải cuộc sống. “Nhiều cây của tôi bán hồi đó bây giờ lại trở thành cây chủ của một số nhà vườn mà họ đã mua”- ông cho biết như thế.

Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những người cùng đam mê

Đam mê khó bỏ

Nói về những vui buồn của nghề trồng cây cảnh, ông hào hứng cho biết: Chúng tôi là nhưng người trồng cây cảnh chứ không phải là những người buôn cây. Do đặc thù là trồng cây nên chúng tôi hiểu tập tính sinh trưởng cũng như những đặc điểm về sinh học của từng loại cây. Vì thế việc tạo tác ra những hình thù cây cảnh là một công việc từ trong tâm. Nhìn cây để biết về ý tưởng tạo hình chúng như thế nào cho đẹp nhất và phù hợp nhất.

Khi nói về niềm vui của nghề, ông cười sảng khoái: Mỗi khi tạo hình, chăm sóc cho cây, tôi luôn tâm niệm “tôi uốn cây và cây uốn lại tôi” bởi cũng chính từ việc tạo tác, chăm sóc cho cây cảnh mà nó tạo ra cho những người như chúng tôi một tính cách, một thú vui, một niềm đam mê từ chính những người tạo ra nó. Không có mê thì khó mà thành nghề được.

“Giả sử như bây giờ có ai cho tôi vài triệu một ngày và bảo tôi đổi nghề khác thì tôi cũng không bao giờ đổi. Nghề chơi cây nó mang lại cho mình sự Chân – Thiện – Mỹ” – ông nói, niềm vui lấp lánh trong ảnh mắt đầy viên mãn.

Khu vườn này là tất cả niềm đam mê của tôi trong suốt hơn 20 năm qua, nó không chỉ là niểm tự hảo, là tâm huyết của tôi mà còn là địa chỉ giao lưu quen thuộc của các anh em cùng nghề trong khu vực – ông nói thêm.

Mỗi một cây trong vườn của ông đều mang một ước mơ, một khát vọng hay là truyền đạt đến người chơi một thông điệp của người chủ vườn hào sang này. Có cây mang tên “Phúc Thịnh” với ý nghĩa “Phúc đức thịnh vượng luôn tràn đây,” lại có cây mang tên “Thẳng và Phẳng” với ý nghĩa cuộc đời luôn sòng phẳng, hãy sống vươn cao để không phải thẹn với đời.

Ông Nguyễn Bá Kỳ bên cây sanh có tên "Thẳng và phẳng"

Không chỉ bỏ tâm huyết của mình vào trong vườn cây, ông Nguyễn Bá Kỳ còn rất chăm đi giao lưu với các CLB, các chủ vườn hoặc tham quan triển lãm sinh vật cảnh tại các tỉnh bạn. Với ông đi không chỉ là ngắm nghía, chiêm ngưỡng những cây mà mình yeu thích mà đó còn là cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để tạo thêm nhiều giá trị kinh tế từ sinh vật cảnh.

“Muốn cây của mình tạo ra được giá trị kinh tế và bán được cho người mua thì trước hết cây đó phải đẹp đã” – đó là quan điểm của ông khi nói về việc thương mại hóa các sản phẩm từ cây cảnh.

Trong những năm vừa qua, giá trị kinh tế từ ngành nghề trồng hoa, sinh vật cảnh đã mang lại cho người trồng hoa, cây cảnh những nguồn thu nhập đáng kể. Không chỉ góp phẩn bảo vệ môi trường, làm đẹp môi trường sinh thái, sinh vật cảnh thực sự đã mang lại một diện mạo mới cho mọi địa phương, từ nông thôn đến thành thị. Đồng thời đó cũng là một thị trường đầy tiềm năng trong tỷ trọng phát triển kinh tế xã hội của nước ta.

Trường Minh

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng