Mục lục
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là những quyết sách mang tính chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực sinh vật cảnh.
Khai thác, phát huy tiềm năng tại chỗ để phát triển kinh tế sinh vật cảnh
Theo số liệu điều tra, hiện cả nước hiện có gần 50 nghìn ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh, doanh thu bình quân từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm; giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm. Nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh giải quyết công ăn việc làm thường xuyên, giữ chân lao động nông thôn cho hàng chục vạn hộ gia đình. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp. Sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, đã xuất khẩu, mang về nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của nước ta rất lớn. Nguồn tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, phù hợp với phát triển nhiều loại hoa cảnh, cây cảnh. Nguồn nhân lực dồi dào, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, bề dày lịch sử nhiều làng nghề truyền thống, những nghệ nhân tài ba, hàng triệu người lao động gắn bó nghề nông nghiệp. Nguồn gen hoa cảnh, cây cảnh phong phú, trong đó có nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhu cầu sử dụng sản phẩm hoa cảnh, cây cảnh tăng bình quân 15%/năm... Những điều đó khẳng định xu hướng, tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của nước ta là rất lớn và sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Trong chiến lược phát triển, nhiều tỉnh, thành phố đã xác định phát triển sinh vật cảnh như một tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tại nhiều địa phương, sự phát triển của sinh vật cảnh đã tham gia, đóng góp hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, thay đổi bộ mặt nông thôn, tôn tạo cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái... Nhiều địa phương đã sớm quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh: Thủ đô Hà Nội quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh hoa ảnh, cây cảnh trên 5.300ha, gắn với các làng nghề truyền thống: Đào cảnh, Quất cảnh, Hoa cảnh Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng Bá (Tây Hồ), Hoa cảnh Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Cây cảnh, Hoa cảnh Vân Tảo, Hồng Vân (Thường Tín), Hoa cảnh Phù Đổng (Gia Lâm). Tỉnh Bắc Ninh phát triển làng nghề cây cảnh Phú lâm (Gia Bình). Thành phố Hải Phòng phát triển làng nghề Hồng Thái, Đặng Cương, Đồng Thái (An Dương). Hưng Yên có làng nghề cây cảnh, hoa cảnh nổi tiếng tại các xã Phụng Công, Thắng Lợi, Xuân Quang (Văn Giang). Thái Bình có làng nghề sinh vật cảnh và du lịch Bách Thuận (Vũ Thư). Nam Định quy hoạch phát triển các làng nghề hoa cảnh, cây cảnh Xuân Dục, Xuân Ninh (Xuân Trường), Đồng Lạc, Nam Mỹ (Ý Yên), Tây Cát, Hải Đồng, Hải Sơn (Hải hậu), và nơi có Đền thờ Tổ nghề Cây cảnh tại xã Điền Xá (Nam Trực). Ninh Bình phát triển nghề cây cảnh, đào cảnh, tiểu cảnh ở huyện Tam Điệp. Phú Thọ có làng nghề Cá chép đỏ Thủy Trầm, Tuy lộc (Cẩm Khê). Thanh Hóa có các làng nghề sinh vật cảnh Hợp Lý, Vinh Thành (Triệu Sơn). Quảng Ngãi có làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, Hành Đức (Nghĩa Hành). Bình Định có các làng nghề trồng Mai cảnh Nhơn An, Phước Hòa (An Nhơn). Long An có làng nghề Mai cảnh Tân Tây (Thạnh Hóa). Bến tre có tới 31 làng nghề trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc. Trà Vinh có làng nghề hoa cảnh Long Đức. Cần Thơ có làng nghề hoa cảnh Long Tuyền (Bình Thủy), Trường Thắng (Thới Lai). Đồng Tháp có làng nghề hoa cảnh, cây cảnh Sa Đéc nổi tiếng, với thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/ ha...
Những năm gần đây, nhờ có các chính sách phù hợp, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và sinh vật cảnh đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng trưởng nhiều năm từ 2,8% đến 3%/năm, nông nghiệp, nông thôn được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng... góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”. Sinh vật cảnh đã khẳng định vị thế, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Ngành kinh tế sinh vật cảnh đang hình thành với những sản phẩm đặc hữu, sinh thái, có giá trị cao về nghệ thuật và kinh tế.
Trong thời gian tới, phát triển kinh tế sinh vật cảnh cần bám sát chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Thứ nhất, các cấp Hội cần quán triệt sâu sắc, đổi mới nhận thức để theo kịp định hướng, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cần cụ thể hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; chính sách phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Những điều đó phải được đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội. Phong trào sinh vật cảnh sẽ đơn điệu, không theo kịp yêu cầu của cuộc sống xã hội nếu chỉ tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày vào cuối năm. Lãnh đạo các cấp Hội không thụ động trông chờ, mà phải chủ động tư vấn, đề xuất, tham gia vào quá trình thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, đặc biệt là các giải pháp phát triển sinh vật cảnh gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; gắn với du lịch sinh thái, gắn với hoạt động nhà vườn, làng nghề, sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; gắn với trình diễn tay nghề, giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc hữu. Sinh vật cảnh phải gắn liền với mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại với không gian, môi trường đáng sống và nông dân văn minh với những sản phẩm sáng tạo, có giá trị cao về văn hóa, kinh tế... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao đẹp của nhân dân.
Thứ hai, trên cơ sở các lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, các cấp Hội cần có sự điều chỉnh, xây dựng một số chương trình, đề án, mô hình phát triển sinh vật cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Cần quan tâm các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, khai thác hiệu quả các sản phẩm sinh vật cảnh truyền thống, coi đó là một lợi thế của địa phương; phát huy vai trò đi đầu và sự sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao để tạo ra các sản phẩm đặc hữu, đạt chất lượng tốt, sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế, thẩm mỹ cao. Đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá, giới thiệu, giao lưu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh.
Thứ ba, mỗi địa phương cần lựa chọn, tập trung các nguồn lực xây dựng các mô hình mẫu thực hiện chủ trương phát triển kinh tế sinh vật cảnh gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; gắn với phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Làm được điều này không chỉ góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh, mà còn tôn vinh vị thế hoạt động Hội, nâng cao các giá trị của sinh vật cảnh về văn hóa, lịch sử và hiệu quả về kinh tế. Mỗi nhà vườn, làng nghề sinh vật cảnh cần được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, sạch, đẹp, thân thiện, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều khách hàng và du khách đến tiếp cận, chiêm ngưỡng sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc sinh vật cảnh.
Hiện tại, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động phối hợp xây dựng mô hình “Du lịch sinh vật cảnh”, “Làng nghề du lịch sinh vật cảnh”... ở một số địa phương nước ta.
Thứ tư, lãnh đạo các cấp Hội cần chủ động đề xuất, tăng cường các hoạt động phối hợp, kết nối, tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi liên kết giữa người sản xuất, nhà kinh doanh, dịch vụ phụ trợ; gắn kết các khâu sản xuất, chăm sóc, bảo quản, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm sinh vật cảnh. Xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh chính là xây dựng thành công sự gắn kết, hiệu quả các công đoạn làm nên chuỗi giá trị cho sản phẩm sinh vật cảnh.
Bên cạnh hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và kinh tế sinh vật cảnh, các cấp Hội còn cần phải phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, quan tâm hỗ trợ, động viên phong trào; phát hiện, tạo điều kiện cho các mô hình đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; khai thác, phát huy tốt nhất vai trò của các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi. Tạo điều kiện, hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình, dự án, tiếp cận các kênh tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Thứ năm, các cấp Hội cần tiếp tục quan tâm làm tốt công tác thi đua khen thưởng, phát hiện, vinh danh nghệ nhân; các cấp có thẩm quyền khen thưởng, công nhận nhà vườn, làng nghề, vinh danh và công nhận các danh hiệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Làm tốt nhiệm vụ này, tổ chức Hội sẽ ngày càng phát triển, vững mạnh; phong trào thi đua và hoạt động của các cấp Hội ngày một gắn kết, mang lại hiệu quả cao.
Công tác phát triển tổ chức, hoạt động hội, phát triển phong trào kinh tế sinh vật cảnh đang đứng trước những cơ hội to lớn và thuận lợi. Kinh tế sinh vật cảnh không thể tách rời quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh./.
Mạnh Quỳnh
Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hội SVC Việt Nam