Mục lục
30 Tết – một ngày cuối cùng của tháng Chạp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với năm cũ sắp qua mà cả với năm mới cận kề. Vì vậy trong sâu thẳm ký ức của những người tuổi 50 trở lên có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ về ngày 30 Tết, nhất là ở vùng nông thôn Bắc Bộ.
Không hiểu sao ai cũng biết trước năm nào cũng có ngày cuối cùng của năm, có thể là 30, hoặc là 29 Tết. Nhưng người người, nhà nhà đều tất bật, bận rộn hơn rất nhiều so với các ngày khác trong năm. Với gia đình vừa làm nông nghiệp vừa buôn bán nhỏ thì ngày 30 Tết luôn bộn bề công việc. Từ sáng sớm, cả nhà đã phải thức dậy, mỗi người một việc. Cả bố và mẹ đều như thể con thoi, làm việc từ sớm tinh mơ, thâu trưa cho đến tối muộn may ra mới được nghỉ ngơi. Bởi hàng trăm thứ việc ngày 30 Tết, như đã đợi sẵn cần phải giải quyết. Nào là lo mua bán trong phiên chợ cuối năm, thu dọn nhà cửa, sắp xếp ban thờ, nấu bánh chưng, bánh tẻ; cùng hàng xóm ăn đậu thịt lợn; tảo mộ, sắp cỗ cúng 30 – ngày ăn Tết đầu tiên của kỳ nghỉ dài nhất trong năm.
Quê tôi vào thập niên 80 nghèo lắm, nhà tôi quanh năm chỉ quen với hạt lúa củ khoai. Những thứ như thịt gà, giò, chả, ném… đều là đồ xa xỉ mà chỉ chờ đến Tết mới được ăn. Những năm tháng ấy với lũ trẻ vô tư và tinh nghịch như chúng tôi chỉ mong Tết đến Xuân về. Mong Tết vì được bố mẹ mua cho quần áo, giày dép mới; được thỏa sức ăn những món ăn ngon không phải ăn cơm độn khoai sắn; được nghỉ học đi chơi; được đốt pháo, kéo co, hú đáo; được nô đùa và đặc biệt được nhận lì xì từ người lớn tuổi. Vô tư đến nỗi em gái được mẹ mua cho đôi dép mới mà mình không có là cãi nhau, tị nạnh, khóc đòi bằng được trong ngày 30 Tết. Có biết đâu rằng bố mẹ thoáng buồn vì các con tị nạnh nhau và vẫn tất tả lo đủ thứ việc nhà mà chưa kịp sắm cho mình bộ quần áo mới.
Chúng tôi có biết đâu rằng bố thức gần như trắng đêm trước để gói và nấu bánh chưng đến sáng 30 chưa xong lại lo quét mạng nhện mái và hiên nhà; sắp đặt ban thờ chưa xong mẹ lại giục bố đi mời ông bà ông vải về ăn Tết (tảo mộ). Sau này lớn lên, ra ở riêng ngẫm lại mới biết bố bơ phờ, mệt mỏi vì khối lượng công việc ngày 30 Tết. Với mẹ cũng vậy, như trăm dâu đổ đầu tằm, việc gì cũng đến. Vừa lo mua bán hoa quả, lễ lạt ngày cuối cùng của năm, vừa lo sắp cỗ cúng 30, rồi phải đem lễ Tết đến bên nội bên ngoại, vừa lo cho đàn con nhỏ đang tuổi cắp sách đến trường. Mẹ bảo mình thiếu gì thì thiếu nhưng ngày Tết phải lo hương nhang ban thờ gia tiên chu toàn, đầy đủ như thế Tết cổ truyền mới có ý nghĩa.
Chỉ riêng chuyện lo tắm giặt cho anh em chúng tôi ngày 30 Tết đã là cả một vấn đề mà mẹ phải tính toán, lo toan từ trước đó vài ngày vì cần nhiều nguyên liệu. Buổi trưa 30 Tết, vừa đi chợ về đến nhà mẹ đã bảo bố dùng nồi quân dụng cho lá bưởi và xả vào rồi đun nồi nước to để tắm rửa cho cả nhà, nhưng ưu tiên trước là mấy anh em chúng tôi. Trong tiết trời se se lạnh chiều 30 Tết, mẹ lôi từng đứa ra tắm một, kỳ cọ đến đỏ cả người, nhất là ở khe tai, sau gáy và chỗ mắt cá chân vì nhiều gét vô kể. Nhưng tắm xong thấy rất dễ chịu, như nhẹ cả người đi nhờ mùi hương của xả và lá bưởi. Mẹ bảo từ nhà cửa cho đến mỗi người phải tẩy rửa sạch sẽ đi để chào đón năm mới với hy vọng gặp mọi điều may mắn, hanh thông.
Chiều 30 Tết, trong tiết trời giao hòa, mùi bánh chưng vừa vớt ra cùng mùi hương trầm lan tỏa khắp ngôi nhà cấp 4 đơn sơ khiến bao vất vả như tan biến hết. Trong bữa cơm chiều tối 30 cả nhà đoàn tụ, vừa nhâm nhi ly rượu lộc bố vừa bảo vậy là hết năm rồi, cả nhà phải nhìn lại một năm đã làm được gì và chưa làm được gì và các con lớn thêm một tuổi phải chăm ngoan, học giỏi, cố gắng làm người tốt. Tuy chưa đến giao thừa nhưng tiếng pháo nổ lác đác, lan truyền từ nhà nọ sang nhà kia như báo hiệu Tết đã về.
Thấm thoát cũng đã gần 30 năm vào quân ngũ, đi qua bao vùng miền và được ăn Tết ở nhiều nơi, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, ngày 30 Tết trước đây ở quê vẫn in đậm trong tâm trí những người “U50” như chúng tôi.
Đào Duy Tuấn