Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 10:50:14 PM

Nghệ thuật tạo hình cây cảnh

02/11/2023

Mục lục

Tiền đề tạo hình cây cảnh nghệ thuật là cây phôi và ý tưởng. Cây phôi gợi ý tưởng và ý tưởng giúp ta sử dụng cây phôi hợp lý. Vậy là “cây” cụ thể là cây tạo hình trở thành “bức thông điệp” chuyển tải ý tưởng để tác giả giao lưu với người thưởng ngoạn.

“Bức thông điệp” này đạt kết quả đến đâu, tốt hay không tốt, bước đầu phụ thuộc vào sự tạo hình.Tạo hình “tốt” sẽ níu kéo chân người thưởng ngoạn có đủ thời gian suy ngẫm mà thấu hiểu lòng người tạo tác. Ngược lại tạo cảm giác hờ hững như khách qua đường thì lấy đâu ra sự cảm thông ? Vậy tạo hình dựa vào những yếu tố nào? Yếu tố cơ bản là nét tổng thể. Yếu tố này đập ngay vào mắt người ta khi tiếp cận tác phẩm. Đó là đường viền bao quát tác phẩm theo đúng nghĩa đen: to, nhỏ, tròn, êlíp, trực hay xiên.v.v.

Dấu ấn thời gian cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của cây cảnh

Cái “viền” tổng thể này phải hợp lý, hợp lý với tự nhiên và hợp lý với con người. Thực chất đó là “hình dáng”. Dáng “cao ráo” hay “lùn tẹt”đều phải tự nhiên, không khiên cưỡng. Ta không thể đặt cây “nhất trụ kình thiên” vào một chậu thon, cao hay một cây huyền vào một chậu tròn bầu bĩnh hoặc không có đôn cao. Dáng cây phụ thuộc vào hai yếu tố: thân và tán. Tạo một thân cây đẹp ít nhất cũng dăm năm vì cần nhiều công đoạn “gia công" kỹ thuật kết hợp với quá trình phát triển sinh học. Mặt khác dấu ấn thời gian cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của cây cảnh, thể hiện ở sự già dặn, cổ lão của cây. Khi đã có thân hợp lý ắt có tán hợp lý; tại sao trong tạo hình cây cảnh cổ ta chỉ thường gặp số tán lẻ 3,5,7.9.

Vấn đề này gắn liền với yếu tố tâm linh của con người Á đông trong đó có người Việt Nam. Con người Á đông lấy âm-dương làm gốc. Âm- dương mà hợp thì mọi vật sinh sôi; Âm-dương xung khắc thì tai họa xảy ra. Sự phát triển bao giờ cũng bắt nguồn từ sự cân bằng, hòa hợp giữa âm và dương. Hình mẫu đối xứng “âm dương” tạo cảm giác vững chắc, yên ổn và phát triển. Do vậy hình mẫu đó trở thành khuôn mẫu tự nhiên cho xã hội ở nhiều vấn đề.

Ví như các công trình kiến trúc cổ bao giờ cũng có một trục đối xứng, cho dù có phạm luật “Phong thủy” như đoạn đường từ cổng vào sân nhưng người ta vẫn làm vì yêu cầu “đối xứng” của công trình và người ta khéo léo khắc phục bằng một tấm bình phong hay một hòn giả sơn trước nhà.

Với con người thì sao? Trong sâu thẳm tâm hồn Việt là sự “cân bằng” lấy “yên ổn” làm gốc. Tâm linh người Việt gắn với hệ thống thờ tự nơi gian chính giữa nhà. Nghèo khó hay cao sang cũng vậy. Trục đối xứng là ngai vị ông tổ ở chính giữa ban thờ.  Nói vậy để thấy yếu tố cân bằng đối xứng ăn sâu vào tiềm thức con người Việt, tạo cái nhìn quen thuộc khi tạo hình cây cảnh. Ta dễ thấy với gỗ tán lẻ thì tán số một là ngọn, số tán con lại bao giờ cũng “chẵn” chia đều cho tả – hữu - tiền - hậu. Đó là dạng cân bằng đối xứng của cây. Và hình như chỉ vậy người chơi cây mới chấp nhận được. Tất nhiên có sự “cải biên” nhưng cái chính vẫn là cân bằng đối xứng. Đây là yếu tố “gốc” để chơi cây, để cây “đứng” được mà trơ gan cùng tuế nguyệt.

Một chút về “Tứ thời xuân tại thủ”. Tại sao là 4 - số chẵn chứ không phải số lẻ? có lẽ bốn mùa kế tiếp, đây là dòng chảy thời gian nên không có điểm bắt đầu và kết thúc, do vậy nếu đối xứng là khiên cưỡng. Vậy tính cân bằng đối xứng của cây cảnh luôn được người xưa tôn trọng. Nó tồn tại cho đến ngay nay và như ta thấy yếu tố tinh thần đã thấm sâu vào yếu tố vật chất và ngược lại.

Ta dễ thấy yếu tố “Sư phụ” của nho giáo và yếu tố cân bằng - đối xứng của tự nhiên có một sự đồng điệu. Sự đồng điệu đó khẳng định sự bền vững của hai yếu tố trên: một yếu tố tinh thần một yếu tố vật chất. Mới hay khi thuận với tự nhiên thì bền vững cho dù một thủ chơi hay một hệ tư tưởng xã hội.

Ta không giáo điều, nhưng ta cũng không dễ thay đổi yếu tố đối xứng trong tạo hình cây cảnh. Ví như thế “xiêu” hay “huyền” ta vẫn phải có tán “gốc” làm đối xứng tương đối nếu không dễ gây phản cảm cho người chơi.

Nói vậy để nghiệm ra rằng: Tình cảm con người trong sáng chính nhờ sự cân bằng trong tâm linh con người, rộng ra là sự cân bằng trong tâm linh dân tộc mà ta gọi là tính “nhân văn” xây đắp nên truyền thống Văn hóa dân tộc, đã tỏa hào quang đến mọi mặt xã hội, trong đó có việc định hình cho cây cảnh. Và cũng nhận ra rằng cây lại giúp con người cân bằng trở lại mỗi khi trong lòng “nổi sóng” mà ta gặp không ít trong đời.

Nghệ thuật tạo hình cây cảnh ngày nay vẫn coi trọng sự cân bằng nhưng không hoàn toàn lệ thuộc vào sự cân bằng lối cổ. Các nghệ nhân vừa chú trọng sự cân đối của tự nhiên vừa chắt lọc những nét kỳ thú, độc đáo của tự nhiên để đưa vào tác phẩm của mình. Nhờ vậy tác phẩm của họ vừa hợp lẽ tự nhiên lại vừa mang tính thẩm mỹ cao, đó là những tiền đề cho việc sáng tạo ra những cây cảnh nghệ thuật đặc sắc để chinh phục tình cảm người thưởng thức. Tính cân bằng và đối xứng ở đây được thể hiện rất phong phú, đa dạng và do vậy, cây được tạo hình phóng khoáng, không lệ thuộc vào số tay, số tán chẵn lẻ miễn sao có tính thẩm mỹ cao. Phải chăng  đó là hướng đi hợp lý cho việc tiếp thu tinh hoa vốn cổ trong quá trình sáng tạo những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật mang hơi thở thời đại.

Lê Huy Hiệu

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng