Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 11:23:42 PM

Phát triển làng nghề trồng hoa gắn với du lịch văn hóa, tâm linh.

26/10/2023

Mục lục

Làng nghề trồng hoa ở xã Mê Linh thuộc huyện Mê Linh, TP Hà Nội hình thành cách đây hơn 20 năm, với đa dạng các loại hoa: Hồng, lan, ly, cúc, loa kèn, huệ, hướng dương… 

Trồng hoa gắn với phát triển du lịch văn hóa, tâm linh

Nếu như năm 1995, xã  Mê Linh mới có 2 ha trồng hoa thì đến nay cả xã đã có gần 300 ha trồng hoa.  Ngày nay ở Mê Linh hầu hết các hộ dân đều trồng hoa, hoa ở ngoài đồng, hoa trong vườn nhà, hoa ở khắp nơi trong làng. Nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn chuyển từ trồng hoa hồng, hoa cúc truyền thống sang các giống hoa từ Thái Lan như hoa bầu, hoa Rupinét, Zupini… Những loại hoa này rất đắt nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với hoa truyền thống. Ngoài trồng hoa, cả xã còn có 700-800 hộ chuyên thu gom hoa đi khắp các tỉnh để bán buôn, bán lẻ. Không chỉ tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng hoa, người Mê Linh còn liên kết với nhau trong sản xuất. Các câu lạc bộ cây cảnh, câu lạc bộ nông dân đã giúp nhau phát triển kinh tế bằng nghề trồng hoa, giúp làng hoa Mê Linh ngày càng thịnh vượng.

Phát triển theo hướng làng nghề, hợp tác xã

Năm 2017 Làng nghề hoa cây cảnh Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Kể từ khi được công nhận làng nghề, Làng hoa cây cảnh Hạ Lôi đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước kia, người dân trong thôn thường trồng hoa hồng cắt cành để bán. Nhưng những năm gầy đây, nắm bắt xu hướng thị trường người tiêu dùng thích mua các loại hoa hồng trồng chậu và cây giỏ treo, người trồng hoa ở xã Mê Linh đã chuyển mạnh sang trồng hồng bonsai, hồng chậu uốn thế và kết hợp với cây treo. Trong đó, một số gia đình có điều kiện và kinh nghiệm đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa hồng chậu, hoa hồng bonsai nhận cấy ghép hoa hồng ngoại cho thu nhập gấp ba, bốn lần. Những hộ gia đình có người biết tự ươm gốc tầm xuân và ghép hồng ngoại, kết hợp tạo hình, uốn thế đẹp thì thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng/sào/năm, trong khi hồng cắt cành chỉ cho từ 200 đến 300 triệu đồng/sào/năm.

Trồng hoa gắn với phát triển du lịch văn hóa, tâm linh

Cùng với phát triển nghề truyền thống trồng hoa, chính quyền địa phương cũng khuyến khích các hộ gia đình liên kết trong đầu tư xây dựng làng hoa và cây cảnh theo hướng tổ chức sản xuất chuỗi hàng hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại địa phương. Để tạo điểm nhấn, thu hút du khách, các nghệ nhân, nhà vườn ở làng hoa Hạ Lôi đã đưa ra sản phẩm đặc trưng riêng, đồng thời mở rộng khu trưng bày, giới thiệu sản phầm; xây dựng thêm các nhà vườn, vườn sinh thái, mở dịch vụ homstay. UBND xã Mê Linh đã và đang nghiên cứu, khảo sát xây dựng các tour du lịch, đưa khách đến thăm Làng hoa Hạ Lôi kết hợp tham quan những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở địa phương và các vùng lân cận như khu Thành cổ - Đền thờ Hai Bà Trưng, Đài tưởng niệm, đền thờ Lý Bí (thôn Kim Giao, xã Tiến Thắng)... Tour du lịch không chỉ để du khách ngắm hoa mà còn quảng bá vẻ đẹp văn hóa, lịch sử của địa phương. Theo đó, kết hợp vừa trồng hoa và kinh doanh du lịch, thành lập các mô hình vừa sản xuất vừa tổ chức du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước” giúp tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Thành cổ - Đền thờ Hai Bà Trưng

  Định hướng trong thời gian tới

Để trồng hoa, cây cảnh trở thành ngành mũi nhọn của huyện trong phát triển nông nghiệp, các ngành chức năng cần hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã về vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, các ngành cần hỗ trợ về những giống hoa nhập khẩu mới, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại kết hợp với xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm để mang lại giá trị kinh tế cao cho vùng trồng hoa.

Đẩy mạnh quảng bá các tour du lịch tâm linh, sinh thái, xây dựng các khu nghỉ dưỡng, homestay nhằm thu hút khách du lịch đến thăm quan, mua sắm tạo điều kiện cho địa phương phát triển.

Để gia tăng hiệu quả kinh tế từ hoa, cây cảnh, ngành Nông nghiệp huyện cần chú trọng việc đưa giống mới, chất lượng cao vào sản xuất. Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh, nhằm nâng cao nhận thức và ứng dụng khoa học cho người dân. Đối với các mô hình điểm, phòng nông  nghiệp cần hỗ trợ nông dân về giống hoa cũng như tạo điều kiện cho các hộ, hợp tác xã vay vốn thông qua Quỹ Khuyến nông huyện… Ngoài ra, phòng Nông nghiệp cũng nên phối hợp với các nhà khoa học chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa, nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới.

HV.

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng