Thủ đô Hà Nội có chiều dài lịch sử, bề dày văn hóa và tầm cao trí tuệ được kết tinh và hội tụ hàng ngàn năm, Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo với hơn 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, tiêu biểu là Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng long, Di sản Ký ức văn hóa thế giới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)... cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Ngày nay, Hà Nội đã và đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, an toàn với các du khách trong khu vực và trên thế giới. Năng động, sáng tạo trong đổi mới và phát triển, kế thừa truyền thống, quy tụ và lan tỏa được nhiều tiềm lực chính là tiền đề và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô - trái tim của cả nước.
Hà Nội là nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc Việt, vì thế người dân Thủ đô càng phải tiêu biểu cho nhân dân cả nước về tất cả các mặt. Việc xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng chính là góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định rõ điều này, các cấp ủy đảng và chính quyền Hà Nội luôn coi trọng việc thực hiện nội dung xây dựng “người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với những tiêu chí được định hướng dựa trên nền tảng xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có bổ sung những nét tinh tế, thanh lịch đặc trưng của người Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, nhằm ngăn ngừa mặt trái của cơ chế thị trường và những tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn thuần phong mỹ tục với việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới.
Ngày nay, cùng với hệ thống các ao hồ ở Hà Nội, cây xanh giữ một vai trò quan trọng, bởi ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí nhà kính, cây xanh còn làm tăng tính thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc. Tuy vậy, nếu xét về chỉ số diện tích cây xanh trên đầu người của Hà Nội trước kia so với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn khá khiêm tốn. Hà Nội bắt đầu khởi xướng chương trình trồng 1 triệu cây xanh, từ năm 2016 đến nay. Hàng triệu cây xanh được trồng mới là những cây được lựa chọn cẩn thận và có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan, môi trường sinh thái phù hợp với quá trình đô thị hóa. Giờ đây đi giữa nắng oi ả của mùa hè, trên nhiều tuyến phố nội thành, cũng như ngoại thành mỗi người dân của thủ đô đều cảm nhận về sự thay đổi với những hàng cây được Thành phố tổ chức trồng đồng bộ đã bắt đầu xòe tán, đơm bông, rợp bóng mát. Điển hình như con đường được vinh danh mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tuy chỉ dài khoảng 10,5 km nhưng luôn luôn ngập tràn sắc xanh với hàng ngàn cây đang phát triển. Tuyến đường Võ Chí Công với chiều dài hơn 4km, những hàng cây mọc thẳng, tán đẹp, hứa hẹn những mùa hoa rực rở. Trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long sẽ được phủ đầy những cây xanh, ý tưởng biến bãi đất trống ở Đại lộ Thăng Long trước kia thành một tuyến đường rợp bóng cây xanh nối dài tới huyện Ba Vì. Bên cạnh các trục đường, tuyến phố tiêu biểu trên còn rất nhiều các tuyến đường phố khác đang được khoắc trên mình những bộ cánh mới với những cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt như: Tuyến đường Quốc lộ 32, phố Xã Đàn, Láng Hạ, Kim Mã, Hoàng Cầu, Văn Cao, Tôn Thất Thuyết… Đây là những tuyến phố được trồng với đa dạng các loại cây, biến kỳ vọng của người dân Hà Nội về một thủ đô thực sự sáng – xanh – sạch đẹp đang dần trở thành hiện thực.
Hà Nội đang tiếp tục triển khai cải tạo, nâng cấp 3 công viên do thành phố quản lý gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo và xây mới 6 công viên gồm: Dự án xây dựng khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy theo hình thức hợp đồng BT, Dự án xây dựng công viên, hồ điều hòa tại khu đô thị Tây Nam Hà Nội, dự án cảnh quan công viên hồ Phùng Khoang, dự án cụm công trình Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, dự án công viên văn hóa Kim Quy, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 63 công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô. Ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố chủ yếu phục vụ công ích.
Do hình thành từ lâu nên tại nhiều công viên, vườn hoa Hà Nội, diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, lạc hậu, đơn điệu, thiếu đồng bộ, đang được thành phố tập trung cải tạo, nâng cấp. Kế hoạch cải tạo, nâng cấp công viên cây xanh cũng là sự tiếp nối nỗ lực cải thiện không gian xanh đô thị cho Hà Nội. Tính chung trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại. Trong đó, thành phố trồng hơn một triệu cây, các quận huyện trồng trên 539.000 cây và hơn 73.000 cây trồng theo diện xã hội hóa. Việc trồng mới tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí.
Cải thiện tăng diện tích cây xanh đô thị là một trong các mong muốn lớn nhất của người dân thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát ý kiến 1.028 hộ gia đình sinh sống tại Hà Nội cho thấy giải pháp mà người dân mong muốn ưu tiên thực hiện (có tỷ lệ lựa chọn cao nhất 73%) là tăng cường hoạt động trồng cây xanh. Sự lựa chọn của người dân Hà Nội là phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Thực tế, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang nỗ lực gia tăng không gian xanh của họ. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc gần đây đã xây dựng hơn 2.000 khu vườn; thành phố Melbourne ở Úc đã lên kế hoạch tăng gần gấp đôi diện tích xanh lên 40% vào năm 2040; và Milan, Ý đã lên kế hoạch mở rộng không gian xanh của họ với 3 triệu cây sẽ được trồng.
Theo kết quả khảo sát, ước tính mỗi hộ gia đình tại Hà Nội sẵn lòng chi trả trung bình 60 nghìn đồng một tháng (tương đương 720 nghìn đồng/năm) để tăng diện tích cây xanh đạt mức 18m2 bình quân đầu người. Mức 18m2 diện tích cây xanh bình quân đầu người là mục tiêu của Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được UBND TP Hà Nội thông qua. Kết quả nghiên cứu, điều tra cho thấy người dân Hà Nội thực sự mong muốn Thành phố Hà Nội tiếp tục khẩn trương thực hiện các kế hoạch giúp cải thiện không gian xanh đô thị. để tiếp tục phát triển văn hóa môi trường, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành phố đã xác định những giải pháp quan trọng cần thực hiện là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng Thủ đô hòa bình, xanh sạch đẹp, văn hiến, văn minh và hiện đại.
Hà Khanh
Tin tức khác