Điêu khắc là một loại hình nghệ thuật nhằm phác họa lại một chân dung, một hình ảnh, một sự vật nào đó hầu khơi dậy nơi người xem một cảm xúc nhất định. Nói đến điêu khắc, người ta nghĩ ngay đến những tác phẩm được làm bằng thạch cao, gỗ, đồng . . . Những năm gần đây, trên thị trường đã thấy xuất hiện mặt hàng điêu khắc đá, một loại hình điêu khắc khá độc đáo với những đường nét sắc xảo, góp phần đẩy mạnh loại hình nghệ thuật điêu khắc lên một bước tiến mới.
Điêu khắc dân gian, cái tên nghe rất quen nhưng lại rất mới. Tại sao gọi là điêu khắc dân gian? Nó giống và khác các loại hình điêu khắc khác ở điểm nào? Qua những tác phẩm ấy muốn nói lên điều gì?
Trước hết, nó là một trong những loại hình điêu khắc, bởi nó nhằm khắc họa lại một hình ảnh, một chân dung, một đề tài mang tính nghệ thuật. Có khác chăng là về phương pháp và chất liệu thể hiện. Chất liệu chính được sử dụng ở đây chủ yếu là những loại cây nhỏ, những nhánh cây, những loại thảo mộc . . . Qua tay nghệ nhân, với kỹ thuật chọn lọc, trau chuốt, định hình, lắp ghép ... để rồi tạo nên những tác phẩm mang tính nghệ thuật. Gọi là điêu khắc dân gian cũng không sai bởi nó mang đậm nét trừu tượng, đơn sơ, mộc mạc. So với những tác phẩm điêu khắc khác với những đường nét sắc xảo gần như thật, tác phẩm điêu khắc dân gian mang tính khái quái, ước lệ. Nói đúng hơn nó mang nặng tính chất tạo hình hơn là những đường nét điêu khắc. Trong một góc nhìn nào đó ta cảm thấy nó rất gần với những bức tranh Đông Hồ. Phải thừa nhận điêu khắc dân gian còn nhiều hạn chế, chủ yếu do chất liệu và đặc thù loại hình nghệ thuật này tạo nên. Điển hình cái khó nhất là việc tạo hình con người, nó chỉ mang tính ước lệ. Mặc dầu vậy nó vẫn mang tính chất điêu khắc cao bởi những đường nét tạo hình khá lạ mắt, ngộ nghĩnh và độc đáo, làm toát lên cái nhìn nhân văn mang tính triết học. Phải chăng điểm hạn chế tất yếu ấy lại là mặt mạnh của loại hình điêu khắc dân gian trong việc thể hiện nội dung.
Quả vậy, bất cứ một loại hình nghệ thuật nào cũng thế, không chỉ riêng loại hình nghệ thuật điêu khắc. Một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá là một tác phẩm có giá trị, ngoài cái nhìn sắc sảo phải làm toát lên được một điều gì đó muốn nói. Một tác phẩm được đánh giá là đẹp không chỉ dừng lại ở cái đẹp bên ngoài mà còn phải đẹp cả về nội dung.
“ Cái nết đánh chết cái đẹp”, từ xa xưa người ta đã có cái nhìn như thế về việc đánh giá một con người, một vấn đề. Đã có một thời các nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật tranh luận về việc đưa ra một tiêu chuẩn nhằm thẩm định giá trị một tác phẩm văn học nghệ thuật xoay quanh quan điểm “ Nghệ thuật vì nghệ thuật” hay “ Nghệ thuật vì nhân sinh”. Cuối cùng ai cũng phải công nhận một điều, mục đích chính yếu của tác phẩm văn học nghệ thuật là phục vụ lợi ích của con người. Thước đo để đánh giá sự thành công của một tác phẩm văn học nghệ thuật là ở chỗ tác phẩm ấy đã đem lại những gì trong quá trình phục vụ con người. Nhận định ấy không chỉ dừng lại ở việc đánh giá một tác phẩm văn học nghệ thuật mà cả các ngành khoa học, những mối tương quan xã hội khác. Bởi một lý do rất đơn giản, con người là chủ thể, là nhân tố quyết định sự sống còn của xã hội. Nếu không quán triệt được điều ấy, tác phẩm nghệ thuật sẽ trở thành vô nghĩa, một vật thể vô hồn. Chính vì thế, để tác phẩm của mình không phai nhạt với thời gian, người nghệ sĩ phải dày công nghiên cứu học hỏi, phải tâm huyết, phải sống thật với tác phẩm của mình, phải thổi được cái hồn của mình vào trong tác phẩm. Cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian là ở chỗ đó. Nó không chỉ dừng lại ở việc tạo những đường nét điêu khắc, mà ẩn sâu phía bên trong là cả một nội dung biểu đạt vô cùng phong phú. Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian, người xem có thể liên tưởng đến nhiều ý nghĩa khác nhau. Hình ảnh người phu xe gầy ốm còng lưng kéo theo chiếc xe không người dưới đêm mưa tầm tã giúp người xem liên tưởng đến nỗi vất vả, cực khổ của một ngành nghề thời xa xưa. Cũng qua tác phẩm ấy, gợi lên trong người xem những liên tưởng khác nữa, chẳng hạn: kiếp sống, mưu sinh, nghị lực, tồn tại, sống còn, vì con, phấn đấu... mang tính giáo dục cao, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay chưa một lần được biết đến cảnh tượng ấy.
Qua đó chúng ta thấy rằng, tác phẩm nghệ thuật có một tiếng nói vô cùng phong phú, mặc dù không diễn tả thành lời như một tác phẩm văn học. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có một sức thể hiện, một tiếng nói riêng, một thế mạnh khác nhau. Nói như thế không phải chúng ta coi nhẹ mặt hình thức, coi trọng nội dung, cái này bổ sung cho cái kia làm nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Điêu khắc dân gian, một loại hình điêu khắc khá mới mẻ, một bước đột phá mới trong lãnh vực điêu khắc, mang đến cho người xem một cái nhìn mới về mặt thưởng thức nghệ thuật, để rồi cùng với những loại hình nghệ thuật khác giúp người xem hiểu hơn nữa về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
Điêu khắc dân gian cũng như các bộ môn sinh vật cảnh khác mà từ trước tới nay chưa được nhắc đến, để phát triển lớn mạnh bộ môn này ta nên tổ chức Hội thi bộ môn này cho các nghệ nhân điêu khắc dân gian như các bộ môn khác: “Cá kiểng, chim cảnh, tiểu cảnh, đá cảnh, non bộ, cây khô, bonsai và hoa quả tạo hình bằng trái cây của Hội sinh vật cảnh Việt Nam”./.
Tin tức khác