Mục lục
VNHS - Đối với cư dân nông nghiệp, Thần Nông là vị thần ban cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt nên việc thờ cúng Thần Nông trở thành nét văn hóa đặc sắc từ bao đời nay và được thể hiện ở nhiều nghi lễ thực hành tín ngưỡng khác nhau ở mỗi dân tộc, vùng miền như: Lễ cầu mùa, xuống đồng, cầu đảo, cúng cơm mới, tịch điền...

Đền Thần Nông thuộc thôn Hố Mỵ, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang được xây dựng trên dấu tích cổ thuộc sườn núi Huyền Đinh. Đền được xây dựng 5 gian 2 chái, 2 tầng, 8 mái đao cong là nơi thờ vua Thần Nông- mà theo truyền thuyết đây là người đầu tiên dạy dân biết cải tạo các giống lúa dại thành lúa đồng nuôi sống con người. Gian giữa đền đặt ban thờ tượng Vua Thần Nông và các vị vua Hùng; ban trái có 3 tượng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; ban phải có 3 tượng thờ Quan giám sát Đại vương.
Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp, Thần Nông chăm lo cho việc trồng cấy để mùa màng tươi tốt. Truyền thuyết kể rằng, Vua Thần Nông sống cách chúng ta khoảng 5.000 năm, là người dạy dân nghề làm nông, chăm lo mùa màng, chế tạo cày bừa và là người đầu tiên làm lễ thượng điền và hạ điền. Ông cũng là người phát triển nghề thuốc trị bệnh cứu dân, độ thế. Vì thế, việc thờ cúng Thần Nông trở thành một nét văn hóa đặc sắc của các cư dân văn minh lúa nước.
Theo truyền thuyết, Thần Nông là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa, trồng trọt cũng gọi là Viêm Đế. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông, tên là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh nhân đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương. Đế Minh lập Đế Nghi làm con nối ngôi cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương làm vua cai trị phương Nam. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 con trai là tổ của Bách Việt.
Quan niệm của cư dân nông nghiệp cho rằng thờ cúng Thần Nông để cầu mong mùa màng được tốt tươi, thóc nhiều, rau lắm, nhà nhà đều no đủ: “Phong thuận vũ hoà”, “phong đăng hoà cốc”, “quốc thái dân an”... Gắn liền với đền Thần Nông tại xã Cẩm Lý là dãy núi Huyền Đinh, nơi còn nhiều dấu tích phản ánh về nghề nông của người dân còn lưu truyền trong dân gian. Đó là những hình tượng, những vật dụng quen thuộc của nghề nông như con trâu đá, núi Thằng Người, luống cày ông Thuấn, hòn Đống Thóc, hòn Đống Gạo, cái quạt hòm… Nhân dân trong vùng lưu truyền huyền tích rằng, vào một đêm đầu thế kỉ trước có một người khách phương xa đến, dừng chân trên một đỉnh núi cao (nơi hiện đang đặt tượng Mẫu) thì có một cơn gió mát từ trong núi thổi ra. Đứng trên đỉnh núi, chòm sao Thần Nông sáng rực, rất gần, có thể đếm rõ từng con vịt của Thần Nông trên dải sông Ngân Hà. Kết hợp với những dấu tích còn lưu lại, người dân trong vùng có một niềm tin sâu sắc rằng nơi đây chính là huyệt đạo của Thần Nông. Kể từ đó, rất nhiều du khách tìm về đây hành lễ mỗi dịp đầu xuân với tâm nguyện cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội đền Thần Nông không chỉ là một sự kiện tâm linh mà còn là cơ hội để cộng đồng cùng nhau nhìn lại quá khứ, tri ân tổ tiên và hướng tới tương lai với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với Thần Nông – người được xem là thủy tổ của nghề nông, vị thần đã dạy dân cấy cày, canh tác và mang lại nguồn lương thực nuôi sống con người từ ngàn đời nay. Truyền thuyết về Vua Thần Nông gắn liền với lịch sử phát triển của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, phản ánh triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên, coi trọng nghề nông như một trụ cột trong sự tồn tại và phát triển của đất nước. Bởi vậy, đền thờ Thần Nông không chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần "Dĩ nông vi bản" – lấy nông nghiệp làm gốc, đề cao tầm quan trọng của nghề nông trong đời sống của người dân Việt Nam.
Trong không khí rộn ràng của lễ hội, các nghi thức truyền thống được thực hiện trang trọng, mang đậm nét văn hóa dân gian, phản ánh tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Việt. Mở đầu lễ hội là nghi thức tế lễ Vua Thần Nông và các chư thần, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với các bậc tiền nhân, những vị thần linh đã che chở, ban phước lành cho nhân dân. Màn tế lễ diễn ra trong không gian linh thiêng, với những bài khấn cầu kỳ, trang phục tế lễ truyền thống và âm hưởng của những làn điệu chầu văn, mang lại cảm giác trang trọng, thành kính.

Một trong những phần quan trọng nhất của lễ hội là nghi thức khai canh, hạ điền – nghi thức tái hiện lại công việc gieo trồng, đánh dấu sự khởi đầu của một mùa vụ mới. Lãnh đạo địa phương và các bậc cao niên trong làng thực hiện nghi thức gieo những hạt giống tượng trưng, phát hạt giống cho các xã, thị trấn trong huyện, với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy. Những hạt giống này không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển, của những ước nguyện tốt đẹp mà người dân gửi gắm vào đất trời.
Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, lễ hội đền Thần Nông còn mang đến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí đặc sắc, tạo nên một không gian lễ hội rộn ràng, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Những trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, đua thuyền, cờ tướng không chỉ mang đến niềm vui mà còn giúp gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các cuộc thi gói bánh chưng, bánh giầy không chỉ thể hiện sự khéo léo của người dân mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của những món ăn truyền thống trong đời sống người Việt.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động vui chơi, lễ hội còn là dịp để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều gian hàng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản như mật ong, trà hoa vàng, khoai sọ, vải thiều, nhãn và các sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương. Đây là cơ hội để các hợp tác xã, doanh nghiệp, người nông dân quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, nâng cao giá trị nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Lễ hội đền Thần Nông không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch văn hóa, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của huyện Lục Nam nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Nằm tại vị trí đắc địa, đền Thần Nông còn là một điểm kết nối quan trọng trên hành trình khám phá vùng đất Tây Yên Tử, liên kết với các di tích nổi tiếng như Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh - Hải Dương) và Tây Yên Tử (Sơn Động – Bắc Giang)... tạo nên một tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách. Với sự đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, sự tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, lễ hội ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch văn hóa tâm linh của Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội đền Thần Nông chính là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện đại, giữa tín ngưỡng dân gian và phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và kinh tế cho người dân địa phương.
Với tất cả những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh mà lễ hội mang lại, lễ khai hội đền Thần Nông không chỉ là một sự kiện thường niên mà còn là một biểu tượng của truyền thống, lòng biết ơn và sự phát triển bền vững. Mỗi mùa lễ hội qua đi, đền Thần Nông lại trở thành nơi hội tụ của lòng thành kính, của sự gắn kết cộng đồng và của những hy vọng cho một tương lai tươi sáng.
Doãn Hưng - Phạm Hùng