Mục lục
VNHS - “Tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị hôm nay, với tư duy nhận thức thông suốt, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao nhất, nỗ lực cao nhất, trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề vững chắc, mạnh mẽ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”
Đó là những kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu kết luận tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Tạp chí Việt Nam Hương Sắc trân trọng lược ghi những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thống nhất rất cao về nhận thức, hành động, quyết tâm chính trị
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã hội đủ điều kiện và tiềm lực để bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Yêu cầu của thực tiễn cần thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng về xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo ra khí thế mới, nguồn lực, động lực mới, sức mạnh nội sinh mới của Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”. Qua thực hiện, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được đổi mới một bước theo hướng tinh gọn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Thông qua vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không triển khai được hoặc triển khai hình thức, dẫn đến tính chủ động, đổi mới, sáng tạo chưa cao, năng suất, hiệu suất lao động thấp; tình trạng thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phiền nhiễu còn nhiều… gây lãng phí nguồn lực, cản trở, kìm hãm sự phát triển.
Vấn đề bức thiết đặt ra là phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, có sự lan tỏa, đồng tình ủng hộ rất lớn trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Thời gian rất gấp rút, công việc phía trước còn rất nhiều việc phải làm.
“Vinh dự lớn lao, trọng trách nặng nề trước quốc gia, dân tộc đặt trên vai Đảng ta. Chúng ta cần thống nhất cao về nhận thức, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, nêu quyết tâm cao nhất, tập trung mọi nỗ lực, hoàn thành các nhiệm vụ, bảo đảm các mục tiêu đề ra. Phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Đây là vấn đề lớn, rất khó, phức tạp và nhạy cảm, động chạm đến quyền, lợi ích, tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đòi hỏi sự đoàn kết, quyết tâm cao, sự gương mẫu, dũng cảm, hy sinh vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ và phát triển trường tồn của đất nước”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Tập trung giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị cùng với việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới, phải chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Sau Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu làm ngay, làm rất quyết liệt, rà soát nội dung các luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo không gian cho phát triển.
Đặc biệt có sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp: lược bỏ khỏi dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Quốc hội đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn đối với 7 luật, 4 nghị quyết; đồng thời, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới về dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi; quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế những nội dung mới để từng bước liên thông, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân; thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực.
Tiếp tục tập trung đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, trên tinh thần đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định, chính sách; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách; cải cách triệt để thủ tục hành chính; khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, mở đường phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh, tháo gỡ kịp thời khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, đất đai, hỗ trợ, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tăng tốc bứt phá thực hiện các nhiệm vụ
Trong quá trình triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải bảo đảm tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024.
Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; bứt tốc, bứt phá, tăng tốc về đích, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đã đề ra; tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIV, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Cùng với đó, chuẩn bị nhân lực, nguồn lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia có khả năng thúc đẩy tăng tốc, bứt phá, dứt điểm, có tính chất mấu chốt, trụ cột trong hệ sinh thái phát triển.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động. Nỗ lực cao nhất, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt hai con số, đồng thời kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nợ công, bội chi NSNN hợp lý, trong giới hạn an toàn...
Đa dạng hoá, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các loại thị trường, nhất là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán; thu hút mạnh các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hợp tác công - tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn, vươn tầm quốc tế; thu hút đầu tư FDI có chọn lọc gắn kết với khu vực trong nước hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Tập trung đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt... bảo đảm đến cuối năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc. Chuẩn bị triển khai ngay các dự án quan trọng cho giai đoạn 2026-2030, trong đó có các dự án hạ tầng điện, viễn thông, giáo dục, y tế, ứng phó biến đổi khí hậu…
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá dân tộc; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống người dân; bảo đảm đến hết năm 2025 xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai; xử lý các cơ sở ô nhiễm; đẩy mạnh các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhất là ngoại giao kinh tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chú trọng hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Rà soát, xử lý hiệu quả, có hệ thống các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài, lãng phí.
Box:
“Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ chính trị hết sức phức tạp, hệ trọng, cấp bách, cần có sự đoàn kết, nhất trí, kiên quyết, kiên trì, quyết tâm rất cao trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Từ nay đến thời điểm diễn ra Đại hội XIV của Đảng còn rất nhiều công việc bộn bề, đòi hỏi toàn Đảng và hệ thống chính trị phải nêu cao quyết tâm, nỗ lực, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, phấn đấu về đích các mục tiêu đặt ra. Chúng ta phải tập trung làm thật tốt, làm thật hiệu quả, hoàn thành 3 việc lớn: (i) Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; (ii) Tăng tốc, bứt phá thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII; (iii) Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.”
Tổng Bí thư Tô Lâm
(*) Đầu để do Ban Biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc đặt