Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, December 15, 2024 4:51:11 PM

Hà Tĩnh: Mối nguy lạm dụng thuốc diệt cỏ đã được khuyến cáo

13/12/2024

Mục lục

VNHS - Sắp vào vụ gieo, cấy lúa Đông - Xuân, hiện trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh, nông dân phun thuốc diệt cỏ bờ tiềm ẩn ảnh hưởng môi trường. Mối nguy lạm dụng thuốc diệt cỏ đã được khuyến cáo từ lâu nhưng đến lúc này, ngay cả những loại thuốc diệt cỏ cực độc vẫn được sử dụng tràn lan.

Sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người sử dụng

Cỏ bờ chết khô do phun thuốc diệt trừ

Việt Nam là một đất nước khí hậu nhiệt đới, có nền nông nghiệp phát triển, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất đem lại sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của con người. Đặc biệt đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Việc chăn nuôi càng khó khăn vì trâu bò ăn phải cỏ bơm thuốc sẽ đau bụng, gầy yếu.

Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh. Nếu con người ăn thịt của những loài động vật này, cơ thể sẽ bị nhiễm hóa chất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật hiểm nghèo. Không những thế mà còn phá vỡ hệ sinh thái địa phương.

Hiện nay trên các cánh đồng ở xã Cẩm Vịnh, Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) và Thạch Bình (TP. Hà Tĩnh), nhiều nông dân sử dụng thuốc diệt cỏ phun diệt cỏ bờ (cỏ tốt) để đỡ công làm cỏ bờ.

Những thửa ruộng phun thuốc diệt cỏ bờ, cỏ ngấm thuốc nên đã chết hoặc héo úa vàng, trong khi những thửa ruộng không phun thuốc thì cỏ bờ xanh tốt.

Ông Nguyễn Văn Cừ (75 tuổi, trú thôn Bình Lý, xã Thạch Bình) - đang làm sạch bờ ruộng sau khi đã phun thuốc diệt cở bờ trên thửa ruộng của gia đình - chia sẻ: “Phun thuốc để cho cỏ ốm và chết bớt chứ cũng không chết được hoàn toàn. Sau khi phun xong, còn phải làm sạch mép bờ ruộng để tránh nó sống tái sinh trở lại. Mình phun thuốc để hạn chế sự phát triển của cỏ, tránh phải làm cỏ bờ nhiều lần trong vụ gieo cấy Đông - Xuân”.

Theo ông Cừ, gia đình ông đang canh tác 5 sào ruộng (1 sào = 500m2). Tất cả 5 sào đó đều được phun thuốc diệt cỏ bờ.

Ông Cừ nói rằng, chưa thấy ai khuyến cáo gì về việc phun thuốc diệt cỏ bờ nồng độ độc hại thế nào. Việc mua thuốc diệt cỏ cũng dễ dàng. Để phun hết các bờ ruộng với diện tích 5 sào, ông Cừ mua hết 200 nghìn đồng tiền thuốc diệt cỏ.

Băn khoăn về việc phun thuốc diệt cỏ, lỡ trâu, bò thả trên đồng ăn phải cỏ vừa phun thuốc sẽ thế nào, ông Cừ nói rằng ruộng nào phun thì chủ ruộng cắm cành cây báo hiệu là người chăn trâu biết nên không lùa trâu đến đó để tránh ăn phải cỏ vừa phun thuốc.

Trên cánh đồng xã Cẩm Vịnh - cạnh cánh đồng xã Thạch Bình, gia đình bà Bình không phun thuốc diệt cỏ bờ dù nhiều ruộng xung quanh đều phun thuốc diệt cỏ.

“Thuốc đó nồng độ độc hại cao, chồng tôi lại sức khỏe yếu nên nhà tôi không phun, sợ sau khi phun về ảnh hưởng sức khỏe. Tôi nghe họ nói sau khi phun xong, đi làm bờ ngửi phải mùi thuốc diệt cỏ đó cũng mệt, đau đầu lắm” - bà Bình nói.

Theo bà Bình, những thửa ruộng mới phun thuốc diệt cỏ bờ xong, nếu thả vịt chạy đồng ăn giun, dế, tôm, cá ở bờ ruộng mới phun thuốc hiệu quả đẻ trứng của vịt giảm sút.

Tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường

Khuyến cáo hạn chế dùng.

Bà Đoàn Thị Diễm Hương - Chủ tịch UBND xã Thạch Bình - cho biết, sau khi thấy nhiều người dân phun thuốc diệt cỏ bờ, lãnh đạo xã cũng đã kiểm tra và xác định loại thuốc cỏ đó vẫn được phép sử dụng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng theo bà Hương, việc phun thuốc diệt cỏ bờ có đỡ công, đỡ mất nhiều thời gian làm cỏ bờ hơn nhưng sử dụng sẽ tác động đến đất làm đất bạc màu, canh tác khó hơn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh - cũng thông tin, loại thuốc cỏ mà nông dân sử dụng để phun diệt cỏ bờ vẫn được cấp phép sử dụng.

Tuy nhiên, ông Hà khuyến cáo rằng, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ này vì nó tác động đến môi trường, đến đất, nước, không khí, đồng thời tiềm ẩn ảnh hưởng sức khỏe của trâu, bò khi chăn thả trên đồng mà ăn phải cỏ mới phun thuốc.

Sử dụng các loại thuốc diệt cỏ tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến khu dân cư, gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm và gây ô nhiễm môi trường. Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm, sau đó tích tụ trong động vật thủy sinh.

Đáng lo ngại nhất là nhiều đám ruộng nằm gần khu dân cư, nằm gần ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; thuốc trừ cỏ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sau khi phun, nhiều người vứt ngay vỏ bao bì thuốc ở đầu bờ ruộng, mương nước. Trong khi đó, hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước gây ô nhiễm nguồn đất, nước và mất cân bằng hệ sinh thái.

Để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cần thiết. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân có trách nhiệm thu gom bao bì vỏ thuốc xử lý đúng quy định, cũng như phòng ngừa, hạn chế ảnh hưởng tồn dư của thuốc trừ cỏ, hóa chất trong thực phẩm. Các ngành, địa phương cần quan tâm, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Khuyến cáo người dân quan tâm, có trách nhiệm trong việc kiểm soát, quản lý lượng hóa chất, tồn dư thuốc trừ cỏ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hàng hóa và sức khỏe của cộng đồng.

Quang Toản - Xuân Bắc

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng