Mục lục
Năm cây thị có tuổi đời gần 700 tuổi cao hàng chục mét, tỏa bóng mát một vùng rộng lớn, từng là nơi trú ẩn của bộ đội trong thời chiến tranh. Hiện, năm cây thị đã được công nhận là Cây di sản vào năm 2011.
Năm cây thị cổ mọc trong khuôn viên vườn nhà ông Lê Thanh Hà (SN 1952, trú tại xóm 1, xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An). Nơi đây cũng là khuôn viên nhà thờ họ tộc họ Lê.
Theo ông Lê Thanh Hà kể, năm cây thị cổ thụ này đã có tuổi đời gần 700 năm tuổi. Trải qua nhiều năm nhưng năm cây thị này vẫn còn nguyên vẹn sau bao cuộc chiến tranh khốc liệt.
Năm cây thị cổ thụ có thân to lớn, cao hàng chục mét. Cành lá của cây sum suê phủ kín cả khoảng vườn rộng lớn. Theo ông Hà, gốc cây thị lớn nhất có đường kính gần 4m, cả chục người ôm mới xuể, bốn cây còn lại lần lượt nhỏ hơn.
Ông Lê Thanh Hà cho hay, trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những cây thị này đã trở thành hầm trú ẩn của nhân dân và bộ đội.
Mỗi thân cây rỗng trở thành một căn hầm.
Không chỉ là căn hầm trú ẩn, mỗi lần đến mùa quả chín, cây thị còn cứu đói cho dân làng vào những ngày thiếu ăn. Mùa này cây thị đang đơm hoa để chuẩn bị kết trái.
Bên ngoài thân sần sùi, gân guốc, rễ cây cắm sâu chạy khắp cả khu vườn, tán cây xòe rộng.
Nhiều loại cây thân leo, phong lan sinh sống bám chắc vào cây.
Một số cành già bị gãy theo thời gian.
Trong các thân cây thị đều rỗng và có nhiều hang, hốc sâu dưới đất.
Ông Hà lập một am thờ nhỏ ở gốc các cây thị để thắp hương.
Ông Hà cho biết, nhiều năm trước đã từng có người ra tham quan và ngỏ ý mua lại năm cây thị này với giá hơn chục tỷ đồng nhưng bị từ chối.
Năm 2011, năm cây thị cổ này đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, cây thị trở nên già cỗi, nhưng vẫn đứng vững như một chứng tích thời gian.
Nguồn: https://tienphong.vn/nam-cay-thi-gan-700-tuoi-tung-la-noi-tru-an-cua-bo-doi-thoi-chien-tranh-post1530442.tpo