Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Monday, November 4, 2024 2:54:42 AM

Người đẹp và biển cả

03/04/2024

Mục lục

Tôi không có ý gì khi tên bài viết khiến liên tưởng tới 'Ông già và biển cả' của nhà văn E.Hemingway. Tôi chỉ nói về câu chuyện thời đại chúng ta đang sống.

Ảnh minh họa

1.

Đó là một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp, sức sống căng tràn. Ai cũng có cảm giác mình không xứng khi đứng trước vẻ đẹp của cô. Dĩ nhiên, cô nhanh chóng là tâm điểm trên chiếc du thuyền đang đưa đoàn khách đi khám phá đại dương.

Giống như biển, cô kiêu kỳ, và đầy bí ẩn.

Cô cầm trên tay cốc nước hoa quả ép đóng hộp nhựa. Chiếc ống hút nhô lên màu xanh lá. Đó là thứ đồ uống nhanh mà giới trẻ hiện đại đang rất chuộng. Rồi, trong một giây, không hiểu có phải do lơ đễnh, chiếc hộp nhựa rời tay cô gái về với biển. Ai cũng nhìn thấy, vì ai cũng đang nhìn cô.

Những con sóng, rất nhanh, lớp nọ tới lớp kia ào đến, cuốn chiếc hộp nhựa có ống hút màu xanh lá ra xa.

Từ đây, chiếc cốc nhựa của cô gái xinh đẹp đã trở thành một trong muôn vàn rác thải nằm lại biển. Nó sẽ mãi lênh đênh, theo các nhà khoa học, khoảng 450 năm đối với chiếc hộp nhựa; 150 năm với chiếc ống hút, vòng đời đó mới bị tiêu hủy.

2.

Ngày 2/4, tại “Diễn đàn thường niên về rác thải nhựa đại dương năm 2024”, các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra con số giật mình: tại Việt Nam, ước tính lượng rác thải nhựa ra đại dương hằng năm là từ 0,28 - 0,73 triệu tấn. Đây là số liệu cũ từ năm 2018 do UNEP thống kê. Trong vòng 28 năm, từ năm 1990 đến 2018, chỉ số tiêu dùng nhựa bình quân trên đầu người ở Việt Nam tăng từ 3,8kg lên 54kg. Đó là thống kê do các tổ chức của Việt Nam.

Trong đó, 10 loại rác thải nhựa hàng đầu tại các địa điểm sông và ven biển ở Việt Nam là mảnh nhựa mềm, ngư cụ, túi nhựa, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút, bao bì thực phẩm, bao bì bim bim, kẹo… Chưa có con số được cập nhật đến thời điểm hiện tại. 6 năm tiếp theo, có lẽ những số liệu này đã tăng lên rất nhiều lần.

Chúng ta thường dẫn chứng những hình ảnh kinh hãi để cảnh tỉnh về tác hại rác thải ở đại dương để kêu gọi loài người bảo vệ môi trường: một chú rùa biển bị vướng vào chiếc túi nilon do con người vứt xuống biển. Nó vẫn sống, nhưng để tồn tại, nó đã bị biến dạng tới mức dị dạng trong “ngôi nhà rác” mà nó không mong muốn. Rất nhiều sinh vật khác cũng đang mắc kẹt trong những thứ rác chậm tiêu hủy mà loài người là thủ phạm…

Những dẫn chứng ấy khiến loài người, trong giấy lát thức tỉnh, thấy mình có lỗi với thiên nhiên, thứ không thuộc về ai nhưng đó lại là thứ bao trùm không gian mà chúng ta đang sống. Nhưng rất nhanh, khi những hội nghị, diễn đàn… ấy kết thúc, rác thải lại tiếp tục về với đại dương.

Các nhà xã hội lại tiếp tục công việc mà họ thạo nhất: thống kê, cảnh tỉnh, tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng…, và chờ đợi sự thay đổi về nhận thức của mỗi người.

3.

Năm 2011, tôi được tiếp chuyện ông Nguyễn Sự, khi đó đang đương nhiệm Bí thư Thành ủy Hội An trên mảnh đất Cù Lao Chàm. Trò chuyện cùng ông Nguyễn Sự có nhà văn Nguyên Ngọc. Câu chuyện của hai trí thức khi đó xoay quanh về ứng xử của Hội An với môi trường biển. Ông Sự cho biết, các dự án ven biển mà Hội An chấp thuận luôn được cân nhắc kỹ lưỡng để hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, cộng đồng, và quan trọng nhất, đó là vấn đề môi trường sống.

Trên mảnh đất Cù Lao Chàm xinh đẹp, ông Sự vận động bà con tạo thói quen không sử dụng túi nilon - vật liệu rất quen thuộc, tiện ích, dễ sử dụng tưởng như không thể không có trong cuộc sống hàng ngày. Thay đổi thói quen rất khó. Thay đổi nhận thức, tư duy càng khó hơn. Vậy mà Hội An làm được.

Buổi sáng sớm hôm sau, tôi thức dậy ra chợ Cù Lao. Làng chài xã đảo, khi đó vẫn còn sơ khai. Các bà, các chị đi chợ, mỗi người đều xách theo một chiếc làn nhựa. Các bà bán rau, bán cá, sử dụng các bao giấy được tận dụng từ các tờ bìa, tờ báo, giấy vở học sinh đã qua sử dụng… để làm đồ gói hàng. Bà con cho biết, đó là “chiếc làn ông Sự”.

Cuối giờ sáng, sự kiện tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường có tên “Hành trình Việt Nam xanh” kết thúc, một bạn trẻ chạy lên sân khấu, xin phép ôm ông Bí thư Nguyễn Sự. Bạn nói, bạn là sinh viên học ĐH ở Đà Nẵng, là người con của Cù Lao Chàm. Cù Lao quê bạn được xanh, sạch như ngày hôm nay, đó là nhờ có những người như ông Nguyễn Sự. Với bạn, đó là sự biết ơn, trân quý người Bí thư Thành ủy hằng ngày vẫn đi làm trên chiếc xe Cub cũ kỹ.

Ông Nguyễn Sự đồng ý. Chiếc ôm siết chặt trên mảnh đất Cù Lao, với tôi, đó là một hình ảnh thật đẹp, cho đến tận bây giờ.

4.

Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, một người thầy đáng kính của chúng tôi đã tự lấy câu chuyện của chính ông để lên lớp cho các sinh viên của ông: “Các anh chị có biết không, khi tôi đi trên đường, những lúc tôi định khạc nhổ, tôi nhìn trước nhìn sau, nhìn xung quanh, thấy đông người quá. Tôi thấy hành động của tôi là hành động không đẹp. Và, thay vì khạc nhổ, tôi tự nuốt nó xuống cổ. Vẫn biết đó là hành động vô thức, bản năng, sinh học…, nhưng tôi vẫn cố gắng tự tiết chế bản thân”.

Câu chuyện của người thầy ấy, tôi nhớ mãi. Nó là một ví dụ không được văn vẻ, bóng bẩy, không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận. Nhưng, nó xoáy sâu vào cảm giác của người tiếp nhận.

Ai cũng biết, biển cả mênh mông, rộng lớn. Biển ôm vào lòng tất cả. Nhưng, như một thực thể, đại dương không muốn đón nhận rác thải - thứ mà loài người luôn ném bỏ ra khỏi không gian sống chật hẹp, nhỏ bé của mình, vì ngộ nhận rằng, rác thải nằm ngoài ngôi nhà của mình, nghĩa là mình đang sở hữu một không gian sạch!

“Đừng xui người tiều phu lên rừng đốn củi. Hãy chỉ cho họ cách sử dụng cây gỗ để làm một chiếc thuyền, để họ biết rằng đại dương rất đẹp”.   

Kiên Trung

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng