Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 11:25:15 PM

Bắc Kạn Phục tráng và phát triển giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao

21/11/2023

Mục lục

Với tiềm năng và lợi thế của cây lúa nếp Tài, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức thực hiện Đề tài “Phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao tại tỉnh Bắc Kạn” tại xã Yến Dương.

Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Đề tài “Phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao tại tỉnh Bắc Kạn”, Hợp tác xã Yến Dương đã vận động người dân mở rộng diện tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm gạo này ngày càng vươn xa trên thị trường.

Gạo nếp Tài được Hợp tác xã Yến Dương giới thiệu, bày bán tại các hội chợ lớn. 

Nếp Tài được dịch là nếp “tự về”. Giống lúa này đã có từ rất lâu và chỉ duy nhất ở hai thôn Phiêng Phàng, Nà Pài trồng được, cho hạt gạo có hương thơm đặc trưng, khi nấu lên rất dẻo và ráo, mềm nhưng không nát. Đặc biệt gạo này khi sử dụng làm các loại bánh truyền thống thì sau 3-4 ngày vẫn mềm, ngon nên được nhiều người yêu thích.

Mỗi năm lúa Nếp Tài được trồng một vụ, bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11 dương lịch. Trước đây khi chưa có kỹ thuật canh tác nên người dân cấy nhiều dảnh trên một hốc, thiếu phân bón hữu cơ, việc điều tiết nước sau khi cấy chưa bảo đảm nên năng suất đạt thấp.

Tuy nhiên, từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bà con đã khắc phục cơ bản tình trạng áp dụng không đúng chu kỳ về phân bón, nước, làm cỏ… đến nay sản lượng lúa đạt gần gấp đôi so với trước.

Ông Hoàng Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: “Giống lúa nếp Tài năng xuất trước chỉ được khoảng 30 tạ/ha nhưng qua 3 năm phục tráng giống lúa này đã lên 40 – 45 tạ/ha, cây giống rất đẹp. Bây giờ cũng không còn sâu bệnh gì cả, trước toàn là sâu đục thân với chết, bông rất thấp, bây giờ bông dài và năng suất rất cao”.

Cũng theo ông Duẩn, hiện nay toàn xã đã nhân rộng mô hình trồng cây lúa nếp Tài được khoảng 15ha. Phần lớn sản phẩm gạo nếp Tài đã được liên kết bao tiêu sản phẩm, có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bình quân giá bán tại địa phương đạt từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Đánh giá về mô hình phục tráng cá thể giống lúa nếp Tài, ông Nguyễn Đình Điệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Các ruộng thí nghiệm phục tráng cá thể giống lúa nếp Tài đã được tuyển chọn tốt, sinh trưởng phát triển khoẻ, khả năng thắng sâu bệnh cũng như mức độ chống đổ rất rõ ràng, mở ra một hướng mới để tiếp tục nhân rộng nguồn giống cho bà con nhân dân”.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, gạo Nếp Tài đã được Hợp tác xã Yến Dương giới thiệu, bày bán phổ biến ở trong và ngoài huyện, đưa sản phẩm tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ lớn, trưng bày tại các trạm dừng nghỉ ở các địa phương như: Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên), trạm dừng nghỉ Lâm Tuyền (Hà Nam), trạm dừng nghỉ ở Phú Thọ, Lào Cai...

Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài đã và đang mở ra hướng mới, tạo cơ hội cho nông dân địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập và giải quyết việc làm.

Trong thời gian tới, xã Yến Dương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con nhân rộng giống lúa nếp Tài, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng giống lúa nhằm đưa thương hiệu sản phẩm lúa nếp Tài vươn xa, góp phần tăng thu nhập và phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự chung tay của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm, sản phẩm lúa nếp Tài kỳ vọng sẽ từng bước trở thành thương hiệu lớn của tỉnh Bắc Kạn.

Minh Ngọc

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng