Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Wednesday, December 4, 2024 1:23:25 AM

Giá trị to lớn của bảo tồn đa dạng sinh học trong đời sống con người

09/05/2023

Mục lục

 Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển du lịch bền vững

Đa dạng sinh học ở nước ta có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi của quốc gia mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Điều này được thể hiện qua chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái. Bảo tồn hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài... đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững.

Các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường.

Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) phối hợp các đơn vị tổ chức thả gần 200 cá thể động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. (Ảnh NGỌC HẢI)

Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cụ thể: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES), … Hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận, bao gồm: 08 Khu Ramsar, 09 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 02 Khu Di sản thiên nhiên thế giới, 01 Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 05 Khu Vườn di sản Asean. Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái trong thời gian qua, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy thoái. Rừng, các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá, ... tiếp tục bị đe dọa. Các hành vi khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp vẫn đang diễn ra hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường (thay đổi mục đích sử dụng đất, gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh, phá hủy các rạn san hô, …), gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học. Do vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang tiếp tục phải đối đầu với nhiều thách thức. Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chính phủ, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

 Mục tiêu và giải pháp

Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, đa dạng sinh học của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, đa dạng sinh học, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Tới đây cần xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững; đúc rút kinh nghiệm và tạo dựng mô hình hiệu quả, tổ chức việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; lồng ghép các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững với phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự tham gia cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam.

Bảo vệ đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững là đóng góp quan trọng của đa dạng sinh học đối với ngành du lịch và phát triển bền vững; huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đưa du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch bền vững, góp phần phát triển đất nước tươi đẹp.

Trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã vào phát triển đa dạng sinh học vì mục tiêu du lịch nông thôn bền vững.

   Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái, đa dạng sinh học của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng.

Tập trung tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề về văn hóa, sinh thái, đa dạng sinh học từ các vùng nông thôn.

Trong thời gian tới cần xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái, đa dạng sinh học gắn với xây dựng nông thôn mới; tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, quảng bá du lịch nông thôn thông qua các chương trình kết nối nông sản và du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

                                                       TS Hoàng Ngọc

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng