Mục lục
Trong những năm qua, Hội sinh vật cảnh tỉnh Bình Định đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và xã, phường đều có cấp Hội. Đối với xã, phường có đông Hội viên thì tổ chức cấp Hội về đến thôn, khu, khối phố. Hiện nay, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định có 216 chi hội, với 14.035 hội viên. Trong đó, có nhiều hội viên trưởng thành từ các làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống có tay nghề cao. Cả tỉnh có 641 nghệ nhân Sinh vật cảnh cấp tỉnh và 53 người là nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề luôn được Hội chú trọng, quan tâm. Hàng năm, các Hội thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức Hội trong tỉnh và ngoài tỉnh để không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề cho cán bộ, hội viên, nghệ nhân, góp phần làm cho tác phẩm sinh vật cảnh đa dạng, phát triển, tạo việc làm mang lại nguồn thu nhập khá cho hội viên.
Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định đã có nhiều hoạt động sáng tạo, chủ động hướng dẫn hội viên tháo gỡ khó khăn theo hướng khuyến khích hội viên nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh và làm các dịch vụ sinh vật cảnh phù hợp thị hiếu, túi tiền người tiêu dùng. Nhờ đó kinh tế sinh vật cảnh Bình Định đã dần từng bước ổn định và phát triển bền vững với những thương hiệu nổi tiếng như: Mai vàng Nhơn An, Hoa Cúc thị xã An Nhơn; Hoa Hồng, Hoa Huệ Phước Hòa, huyện Tuy Phước… góp phần đem lại nguồn thu rất lớn cho người trồng hoa mỗi dịp tết đến, xuân về (có nhiều hộ doanh thu nhiều tỉ đồng/năm; cả thị xã có năm thu trên 160 tỉ đồng). Đồng thời, gắn kết các làng hoa với dịch vụ tham quan, du lịch; từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất trên cơ sở tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân ở làng nghề trồng hoa, cây cảnh, là cơ sở để xây dựng các làng nghề này phát triển một cách bền vững, hiệu quả. Nhiều cơ sở đã thay đổi phong cách tiếp cận, nắm bắt thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, kịp thời cung cấp các sản phẩm từ hoa, cây cảnh cho thị trường trong và ngoài nước, với doanh thu hàng năm ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt là việc chế tác các tác phẩm cây cảnh theo thị hiếu, nhu cầu của từng vùng miền Bắc, miền Nam theo từng phong cách khác nhau, mang lại hiệu quả cao trong cây cảnh nghệ thuật phong cách Bình Định.
Chúng tôi xác định Hội Sinh vật cảnh là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tập hợp những người tự nguyện trong hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa nghệ thuật, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh, góp phần bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; là nơi tôn vinh khả năng lao động sáng tạo của hội viên, đoàn kết giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ - mỹ thuật, nhằm phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, với chất lượng cao các sản phẩm sinh vật cảnh, mang lại đời sống văn hoá tươi vui lành mạnh, lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho hội viên. Đồng thời, SVC không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn góp phần tạo ra việc làm, xóa nghèo và làm giàu chính đáng cho nhiều hộ dân. Hiện tại, Hội SVC tỉnh Bình Định có hàng trăm nhà vườn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Đáng mừng, các nghệ nhân, các DN SVC của Bình Định đã có những bước đột phá trong khâu tìm kiếm, mở rộng thị trường, kể cá thị trường ngoài nước; tạo mặt hàng chuyên biệt; đầu tư vốn, áp dụng các biện pháp KHKT trong trồng, chăm sóc cây cảnh nghệ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các nhà vườn: Huỳnh Thanh Tuyên (huyện Tuy Phước); Trần Hữu Anh, Nguyễn Duy Toàn (chi hội Xuân Lý, TP Quy Nhơn); Tạ Quang Để, Nguyễn Hữu Đức, Đặng Minh Hà, Bùi Thanh Phụng (huyện Tây Sơn); Nguyễn Xuân Hà, Nguyễn Văn Hảo, Đặng Xuân Ngữ (TX An Nhơn)…
Để hỗ trợ các hội viên hoạt động có hiệu quả, các cấp Hội trong tỉnh đã duy trì nhiều loại hình sinh hoạt như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về SVC, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hội thảo, tọa đàm, tổ chức các cuộc thi, hội thi trưng bày triển lãm... Đơn cử, hằng năm, Hội SVC tỉnh Bình Định tổ chức Hội hoa xuân ở TP Quy Nhơn. Hội SVC các huyện, thị xã, thành phố, các chi hội tổ chức trưng bày, triển lãm, hội thi cây cảnh nghệ thuật chào mừng các sự kiện, ngày lễ, tết… Điển hình là: Hội SVC thị xã An Nhơn tổ chức Hội thi “Mai vàng An Nhơn” năm 2020, 2021 thu hút 500 tác phẩm dự thi và trưng bày. Chi hội SVC 30.4 tổ chức triển lãm SVC huyện Tuy Phước (mở rộng) năm 2021, thu hút hàng trăm nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài tỉnh gửi tác phẩm tham gia. Chi hội bonsai nghệ thuật Sao Biển (Hội SVC TP Quy Nhơn) tổ chức trưng bày triển lãm SVC chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ TP Quy Nhơn nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã thu hút hàng trăm nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài tỉnh, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gửi nhiều tác phẩm tham gia... Bên cạnh đó, Hội SVC tỉnh Bình Định còn tham gia đều đặn lễ hội hoa quốc tế Đà Lạt; lễ hội Bonsai & Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15 năm 2019 tại Công viên văn hóa Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh); triển lãm SVC Việt Nam tại Đồng Mô (TP Hà Nội) năm 2018… Thông qua các hoạt động này, các nghệ nhân SVC tỉnh Bình Định đã đoạt nhiều HCV, HCB, HCĐ cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen do Hội SVC Việt Nam, UBND tỉnh, Ban Chấp hành Hội SVC tỉnh Bình Định tặng thưởng. Ngoài ra, nhà vườn Huỳnh Thanh Tuyên, Nguyễn Xuân Hà, Nguyễn Văn Hảo, Trần Hữu Anh… được Bộ NN&PTNT và Hội SVC Việt Nam tôn vinh Chủ nhà vườn SVC Việt Nam tiêu biểu.
Từ thực tiễn hoạt động phong trào của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định trong những năm qua, trong thời gian tới, Hội tích cực đẩy mạnh phong trào Sinh vật cảnh theo hướng:
1. Tích cực khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của Bình Định để sinh vật cảnh phát triển, như tiềm năng về thiên nhiên, truyền thống văn hóa, sự đam mê hiểu biết, tay nghề người làm sinh vật cảnh. Tạo lợi ích kinh tế cho người làm sinh vật cảnh cũng như tổ chức tốt các hoạt động theo các loại hình sản phẩm.
2. Cán bộ Hội Sinh vật cảnh Bình Định, mà trọng tâm là Ban Chấp hành Hội tiếp tục phát huy tốt tính kỷ cương, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo, không ngừng vươn lên, tự khẳng định vai trò, vị thế, góp phần xây dựng và phát triển Hội ngày càng lớn mạnh toàn diện, xứng đáng là nơi đại diện cho quyền lợi hợp pháp của hội viên sinh vật cảnh. Đồng thời, tranh thủ tốt sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền địa phương.
3. Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Bình Định bám sát nhiệm vụ chính trị, các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia Hội. Tích cực tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh giữa các tổ chức Hội trong và ngoài tỉnh...
4. Ban Chấp hành Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động phong trào cấp tỉnh đưa về địa phương, cơ sở như: trưng bày, triển lãm Sinh vật cảnh nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước... tạo sự lan tỏa rộng rãi phong trào Sinh vật cảnh ngày càng lớn mạnh, phong phú đa dạng gây tiếng vang, có sức cổ vũ thu hút lớn đối với phong trào Sinh vật cảnh ở các địa phương.
5. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phương thức hoạt động và thực hiện có hiệu quả công tác thu hút nguồn lực đầu tư vào Sinh vật cảnh, định hướng cho các nhà vườn, chi hội chuyển dịch cơ cấu, chủng loại Sinh vật cảnh phù hợp. Vừa kết hợp với các loài cây bản địa, vừa mạnh dạn đầu tư một số loài cây giống ngoại nhập để làm tăng tính hấp dẫn của thị trường Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định.
Trích tham luận của Hội SVC Bình Định (bài đã đăng trên Tạp chí in số 343)