Mục lục
Việc bảo tồn các thế cây cổ như trên dễ được nhiều người thống nhất, nhưng việc sáng tạo khôn cùng cây thế Việt Nam hiện đại còn là vấn đề đang trông chờ sự đóng góp tâm trí của những ai có tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nghệ thuật cây cảnh. Về tư tưởng thì hầu như mọi người đều muốn cây cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện đại phải tiếp thu được cái tỉnh hoa của nghệ thuật bonsai thế giới để hội nhập nhưng vẫn phải giữ gìn và phát huy được cái riêng của nghệ thuật cây cảnh truyền thống. Ước mong sao cái kỳ mỹ trong sáng tạo thì không thua ai nhưng cái hồn cốt riêng của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam thì không ai có. Cũng như về văn hóa nói chung, dân tộc Việt Nam đã trải qua sự gặp gỡ trao đổi với rất nhiều nền văn minh trong khu vực và thế giới đã tiếp thu nhiều những nhân tố tích cực từ nước ngoài mà không hề bị đồng hóa.
Ngược lại sự giao lưu ấy đã góp phần làm cho tính đa dạng của văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và bền vững. Hội nhập nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc. Đó là ý thức trách nhiệm của chúng ta hôm nay, cầu nối giữa quá khứ và tương lai nhằm kế thừa liên tục truyền thống văn hóa S.V.C, không được đặt dấu chấm hết truyền thống nhưng cũng không cứng nhắc sao chép truyền thống và không được tùy tiện bất chấp truyền thống. Vậy theo thiển nghĩ của chúng tôi thì việc phát triển cây thế Việt Nam hiện đại không hoàn toàn câu nệ, gò bó vào những "niêm luật" cổ mà yêu cầu cao nhất là phải đẹp và có hồn. Còn kế thừa liên tục truyền thống là ở hai tính đặc thù của cây thế cổ: phương pháp nghệ thuật sáng tác và nội dung tư tưởng sáng tác của ông cha.
1. Về phương pháp nghệ thuật sáng tác:
Nếu như bonsai lấy việc mô phỏng theo cái đẹp của thiên nhiên là chủ đạo thì cây thế Việt Nam lấy việc mô phỏng cái đẹp của ý tưởng con người là chủ đạo và mượn cái đẹp của thiên nhiên để chuyển tải ý tưởng của con người. Như vậy trước khi tạo dựng một cây thế, tác giả phải có ý tưởng rồi thiết kế ý tưởng đồng thời đặt cho cây một cái tên. Sau đó tạo hình từ gốc rễ, thân, cành, gọn đến lá lộc theo ý tưởng. Còn các thủ pháp nghệ thuật truyền thống của cây thế Việt Nam đã xác lập ổn định là tượng hình và nhân hóa hoặc tượng hình và ẩn dụ
Tượng hình là tạo cho cây có những nét mô phỏng hay cách điệu theo hình dáng sự vật hoặc theo ý niệm của tác giả. Nhân hóa là biện pháp nghệ thuật biến cây thành người trong cách thể hiện. Ấn dụ là biện pháp nghệ thuật tạo dựng cái cây là sự vật này hoặc gọi tên cây là sự vật này nhưng mục đích là nói về sự vật khác tức là con người nào đấy.
Xin minh họa một số ví dụ sau: Các thế phụ tử tương tùy, tỷ muội tương ái, quân tử chính trực bằng hữu tương giao... là mô phỏng theo hình dáng con người và nhân hóa cây. Các thế long giáng, long thăng, phượng vũ, hạc lập là cách điệu hình dáng con vật dùng để ẩn dụ ước mơ cao đẹp và phẩm cách con người Việt Nam. Các thế ngũ phúc, thông tâm hữu trạch... là mô phỏng theo ý niệm của tác giả dùng để làm ẩn dụ cho ước mơ và phẩm cách con người. Các thế bàn thạch mai toàn, phương lão mai, nguyệt ảnh... là mô phỏng theo hình dáng con người nhưng đặt tên thế thì lại theo biện pháp ẩn dụ: nêu sự vật so sánh để nói về sự vật được so sánh. Thí dụ nêu sự vật "bóng trăng” (nguyệt ảnh) để nói về người phụ nữ đẹp, trong sáng, thơ mộng...
2. Về nội dung tư tưởng sáng tác:
Ông cha ta tạo dựng một cây thế là bằng tất cả tâm huyết của mình và mượn nó để gửi gắm, ký thác một nỗi niềm, một hoài bão cao xa, một triết lý cuộc sống, một nhân cách cao đẹp, một điều răn dạy về đạo đức chuẩn mực làm người... Đó là thiên luân thế giáo, là đạo lý ở đời, là khát vọng sống tốt đẹp, là tính nhân văn là bản sắc Việt Nam. Mục đích là để tự rèn, tự chế trong việc tu thân tích đức đồng thời để giáo dục con cháu và nhắc nhở mọi người sống cho đúng với thiên lý, nhân tâm. Về tình cảm, tác giả sáng tạo ra một cây thế ví như mang nặng đẻ đau để được đón nhận hạnh phúc: một đứa con ra đời, ở đây là đứa con tình thần. Bằng tất cả công phu chăm sóc, nuôi dạy, uốn nắn cho nó nên người và suốt đời gắn bó với nó. Bởi vậy trước khi qua đời các cụ còn dặn con cháu khi làm lễ phát tang cho mọi người thì đồng thời phải phát tang cho tất cả các Cây thế của các cụ kẻo nó buồn thương mà héo hon rồi chết theo người đã sinh thành ra nó.
Cây thế của ông cha ta như trên thật là thấm đẫm hồn dân tộc, hồn thơ và phẩm chất tài hoa của người nghệ sĩ túc nho. Chúng ta hôm nay cần biết nối gót tiên tổ. Cuộc sống hiện đại mãi mãi vô cùng phong phú đề tài, hy vọng trường phái cây thế Việt Nam sẽ phát triển một cách sáng tạo khôn cùng đồng hành với loại hình CCNT tự do, CCNT tạo hình các vật thể muông thú.
Lê Quang Khang