Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, December 22, 2024 6:19:12 PM

Thỏ vằn Trường Sơn – loài động vật cực kỳ quý hiếm trên thế giới

07/12/2024

Mục lục

VNHS - Thỏ vằn Trường Sơn có tên danh pháp khoa học là Nesolagus timminsi. Giới sinh vật học thế giới đánh giá, thỏ vằn Trường Sơn là một trong những loài thú cổ hiếm có nhất và ít được biết đến nhất trên thế giới. Thỏ vằn Trường Sơn chỉ có ở vùng dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt - Lào.

Loài này phân bố dọc theo biên giới Việt Nam và Lào ở phía bắc và trung của dãy Trường Sơn. Chúng được tìm thấy từ Vườn Quốc Gia Pù Mát (thuộc tỉnh Nghệ An) đến Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Năm 2019, Sách Đỏ IUCN đưa thỏ vằn Trường Sơn vào phân hạng EN (Nguy Cấp), đối mặt Nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên. Năm năm sau, tức là vào năm 2024, IUCN đã đánh giá lại loài động vật quý hiếm của Việt Nam này.

Hình ảnh thỏ vằn Trường Sơn con được chụp tại Vườn Quốc Gia Pù Mát.
(Ảnh: Nikolai L. Orlov/Researchgate).

Sinh vật bí ẩn của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ

Không chỉ quý hiếm, loài động vật này còn khiến các nhà sinh học quốc tế bối rối vì rất nhiều đặc điểm sinh học của chúng chưa được biết đến.

Để có được lượng thông tin hiếm hoi về loài này, người ta đã phải đặt bẫy ảnh ở khắp các khu bảo tồn và vườn quốc gia ở dãy Trường Sơn, cũng như trải qua hàng nghìn đêm theo dõi thì mới có thể biết đến loài động vật chuyên sống về đêm này.

Loài động vật này được phát hiện đầu tiên vào năm 1995. Vì tập tính chuyên hoạt động về đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày trong các hang do các loài động vật khác đào nên có rất ít nghiên cứu khoa học và hiểu biết của con người về loài động vật này.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết đầy đủ môi trường sống, chế độ ăn đầy đủ, sinh sản, kẻ thù cũng như tác động đến hệ sinh thái của thỏ vằn Trường Sơn (ví dụ như vai trò phát tán hạt giống).

IUCN cho biết, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào tập trung vào hệ sinh thái của thỏ vằn Trường Sơn. Tuy nhiên, một số đặc điểm chung về lịch sử tự nhiên có thể được suy đoán từ các ghi chép bẫy ảnh và thông tin của dân làng. Qua đó, loài này chủ yếu xuất hiện ở rừng thường xanh ẩm ướt lá rộng từ độ cao 50 đến 1.183 mét trên mực nước biển, nơi có rất ít hoặc không có mùa khô.

Hình ảnh một con thỏ vằn Trường Sơn được chụp tại Vườn Quốc Gia Pù Mát.
(Ảnh: Nikolai L. Orlov/Researchgate).

Thỏ vằn Trường Sơn có ngoại hình rất giống với loài chị em của chúng là thỏ vằn Sumatra (danh pháp khoa học: Nesolagus netscheri). Cả hai đều là loài thú cổ còn sót lại của thế giới.

Một đặc điểm khác biệt của loài thỏ này với loài khác là chúng có lông màu xám với 7 sọc màu đen hoặc nâu sẫm trên đầu, thân tựa hổ vằn. Chiều dài cơ thể trưởng thành dao động từ 35 đến 40cm, nặng khoảng 5kg. So với các thành viên của chi Lepus, thỏ vằn Trường Sơn có tai, đuôi và chân tương đối ngắn, Animaldiversity cho biết.

Có 3 nguyên nhân được cho là khiến thỏ vằn Trường Sơn nằm trong Sách Đỏ ICUN, đó là do mất môi trường sống (do con người làm nông nghiệp), khai thác gỗ và bị săn bắt (đến từ nạn bẫy tràn lan diễn ra trên khắp các khu rừng Trường Sơn). Mặc dù không có bằng chứng về việc buôn bán có mục tiêu đối với loài này, nhưng chắc chắn loài này bị săn bắt như một phần của hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Do thiếu thông tin cho thấy loài này có giá trị cao đối với hoạt động buôn bán động vật hoang dã, nên rất có thể khi bị bắt, loài này thường được đưa đến các chợ thịt động vật hoang dã tươi sống tại địa phương hoặc được sử dụng làm thực phẩm chính.

Tin vui từ IUCN

Dưới nỗ lực khám phá thỏ vằn Trường Sơn, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz (IZW) của Đức, Viện sinh thái học Miền Nam (SIE) của Việt Nam đã phát hiện tín hiệu đáng mừng từ loài động vật hiếm có này vào năm 2021.

Theo đó, việc sử dụng bẫy ảnh đã phát hiện thỏ vằn Trường Sơn xuất hiện tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (phía nam dãy Trường Sơn). Đây là phần mở rộng to lớn so với phạm vi đã biết trước đây của loài thỏ vằn vốn chỉ bao phủ từ khu vực phía Bắc tới trung tâm dãy Trường Sơn.

Một con thỏ vằn Trường Sơn được chụp bằng bẫy ảnh. (Nguồn: SGGP).

Việc các bẫy ảnh được đặt ở độ cao khoảng 1.500 – 1.900 mét cũng nói lên độ cao kỷ lục mà loài này có thể sinh sống. Tất cả những điều này cho thấy, chúng ta còn biết rất ít về loài động vật quý hiếm này.

Năm 2024, điều đáng mừng đã đến khi IUCN đánh giá lại số lượng loài thỏ vằn Trường Sơn và đưa ra thông báo mới nhất khi phân hạng thỏ vằn Trường Sơn là LD (Cạn kiệt phần lớn).

Điều này có nghĩa là loài này có Điểm phục hồi loài là 33%. Dù không còn mức EN (Nguy Cấp) nhưng IUCN vẫn lên tiếng bảo vệ khẩn cấp vì nếu không tiếp tục bảo tồn, thỏ vằn dự kiến sẽ bị tuyệt chủng trong vòng 10 năm do săn bắn và khai hoang liên tục.

Minh Hoàng (t/h)

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng