Mục lục
Thái Lan từng là nguồn cung toàn bộ sầu riêng cho Trung Quốc, nhưng thị phần sầu riêng của Thái Lan tại Trung Quốc đang giảm do sầu riêng Việt Nam.
Sầu riêng Thái Lan đang giảm thị phần ở Trung Quốc do sự cạnh tranh từ sầu riêng Việt Nam. Ảnh: Sơn Trang.
Theo các nguồn tin quốc tế, trong năm 2022, thị phần của sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 95%. Nguyên nhân là sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (tháng 7/2022), các thương nhân Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu sầu riêng chính ngạch từ Việt Nam. Kết thúc năm 2023, sầu riêng Việt Nam đã chiếm 5% nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc.
Năm 2023, sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng rất mạnh, qua đó làm giảm mạnh thị phần của sầu riêng Thái Lan. Cụ thể, 10 tháng năm 2023, trên thị trường Trung Quốc, thị phần sầu riêng của Thái Lan giảm còn 70% và thị phần sầu riêng từ Việt Nam tăng lên 30%.
Thông tin trên cũng trùng hợp với tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Theo Hiệp hội này, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 đạt gần 2,3 tỷ USD, gần bằng 50% so với giá trị sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang thị trường này.
Thị trường sầu riêng tươi ở Trung Quốc rất lớn, nhưng sức ép cạnh tranh cũng đang ngày càng gia tăng, khi sẽ có thêm nhiều nguồn cung cấp ngoài Thái Lan và Việt Nam. Các thông tin từ Malasia cho hay, việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ được các doanh nghiệp nước này bắt đầu vào năm 2024. Thời điểm bắt đầu xuất khẩu sẽ trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 31/5/2024.
Phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với sầu riêng Malaysia và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm tra kiểm dịch. Theo đó, chỉ những quả sầu riêng chín hoàn toàn mới được Malaysia xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo hương vị ngon nhất.
Tuy nhiên, điều này có thể đặt ra những thách thức nhất định trong vận chuyển do thời hạn sử dụng của sầu riêng chín ngắn hơn. Các thành viên trong ngành sầu riêng và Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Malaysia hiện đang đánh giá các phương thức vận tải khác nhau, bao gồm cả vận tải hàng không và đường biển.
Theo ước tính, sầu riêng từ Malaysia có thể đến Trung Quốc trong vòng 48 giờ sau khi được thu hoạch tại trang trại nếu vận chuyển bằng đường hàng không. Khung thời gian này bao gồm thủ tục hải quan cũng như thời gian bay bốn giờ từ Kuala Lumpur đến Nam Ninh. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng phương thức bán trước cho phép người tiêu dùng Trung Quốc nhận được trái cây ngay sau khi đến Trung Quốc.
Về giải pháp đóng gói, các giải pháp hiện tại được cho là đảm bảo độ tươi của trái cây trong tối thiểu 7 ngày và tối đa 21 ngày, đồng thời mang lại cơ hội thuận lợi cho vận tải đường biển.
Sau khi thỏa thuận xuất khẩu giữa hai nước được hoàn tất, ngành trái cây Malaysia đã có kế hoạch thiết lập quy trình xuất khẩu toàn diện cho mùa tiếp theo, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9.
Đặc biệt, để cạnh tranh với sầu riêng tươi Thái Lan và Việt Nam trên thị trường Trung Quốc, các chuyên gia Malaysia đã đề xuất tạo logo sầu riêng Malaysia để phân biệt sầu riêng Musang King của nước này với sầu riêng có nguồn gốc từ các nước khác.
Năm 2023, Malaysia sản xuất 455.458 tấn sầu riêng, 10% trong số đó được vận chuyển đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường Hongkong và Singapore. Malaysia xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc từ năm 2011 và sầu riêng nguyên quả đông lạnh từ tháng 5/2019.
Sơn Trang