Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Monday, December 2, 2024 5:37:14 PM

Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả của Hoa Nhài

13/10/2023

Mục lục

Hoa Nhài hay còn được gọi là Mạt lợi; Mạt lị; Nhài kép; Nhài đơn; Lài, thuộc họ Nhài  với danh pháp khoa học là Oleaceae. Cây nhài loài cây bình dị quen thuộc với người dân Việt Nam, hoa nhài thơm, đẹp lại là một vị thuốc có những công dụng rất hữu ích trong đời sống hàng ngày. Trong y học cổ truyền, hoa nhài có tính bình, hơi hàn, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt trị mất ngủ, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết,… dùng chữa bệnh mất ngủ, tăng huyết áp, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt,…. 

Hoa nhài kép 3 lá với bông hoa to, nhiều cánh xếp chồng nhiều lớp

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Hoa Nhài sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Hoa Nhài cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Nhài đơn 2 lá đối xứng, hoa nhỏ

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Hoa nhài; Mạt lợi; Mạt lị; Nhài kép; Nhài đơn; Lài
  • Tên khoa học: Jasminum sambac (L.) Aiton, Nyctanthes sambac (L.)
  • Họ: Họ Nhài – Oleaceae
  • Công dụng: hoa nhài có tính bình, hơi hàn, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt trị mất ngủ, giải độc, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết,… dùng chữa bệnh mất ngủ, tăng huyết áp, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt,….

Mô tả cây Hoa Nhài

Cây hoa nhài là một cây nhỏ, nhiều cành mọc xòe ra.

Lá hình trái xoan nhọn ở đầu và ở phía cuống, dài 3-7 cm, rộng 20-35mm, 2 mặt đều bóng, khe các gân phụ ở mặt dưới có lông.

Cụm hoa mọc ở đầu cành ít hoa.

Quả có 2 ngăn, hình cầu, đường kính 6mm màu đen, quanh có đài phủ lên.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây nhài thường được gọi là Arabian Jasmine trong tiếng Anh, mặc dù nó không có nguồn gốc từ Ả Rập. Loại cây này có nguồn gốc ở Tây Nam và Nam Á, chủ yếu là Philippines, Ấn Độ, Myanmar và Sri Lanka (Lasekana và Lasekan, 2012). Jasminum sambac và các loài khác của chi lan sang Trung Đông, Ba Tư, và sau đó là Châu Âu vào thế kỷ thứ mười tám. Hiện nay nó được trồng gần như khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Cây nhài là loài cây ưa sáng, được trồng nguyên sản ở Ấn Độ. Ở Ấn Độ, nó rất phổ biến và được gọi là Mogra. Nó là quốc hoa của Philippines, nơi nó được gọi là sampaguita, cũng như là một trong ba quốc hoa của Indonesia, nơi nó được gọi là melati putih.

Một cây hoa nhài cổ của CLB Hoa Nhài Việt Nam trưng bày tại triển lãm miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023

Tại Việt Nam, nhài được trồng ở nhiều nơi, như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Nó được trồng rộng rãi vì có hoa thơm ngọt ngào hấp dẫn. Nó được sử dụng trong các khu vườn như một loại cây cảnh. Hoa cũng được sử dụng để làm nước hoa và pha trà hay để làm thơm thức ăn. Để bảo tồn cũng như phát triển các giống hoa nhài quý, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng đã thành lập Câu lạc bộ Hoa Nhài Việt Nam - Đơn vị trực thuộc Hội, hiện tại CLB đã tập hợp được trên 300 hội viên đam mê hoa nhài, nhân giống, bảo tồn và kinh doanh các loài nhài 2 lá, 3 lá với hoa đơn, hoa kép.

Cây Hoa Nhài cổ, lớn được thành viên CLB Hoa nhài Việt Nam đưa lên chậu bảo tồn, trưng bày làm cảnh

Thu hoạch và Chế biến: Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây, lá và hoa đều có thể sử dụng để làm thuốc. Có thể thu hoạch rễ quanh năm, tuy nhiên mùa thu đông là mùa rễ có nhiều dưỡng chất nhất nên người dùng thường thu hái rễ vào mùa này trong năm. Sau khi thu hoạch, rễ phải được sơ chế sạch sẽ, đem thái nhỏ rồi sấy hoặc phơi khô.

Hoa nhài thường được thu hoạch vào mùa hè, khi hoa mới nở. Người bệnh có thể dùng tươi dược liệu hoặc dùng hoa nhài khô. Lá cây có thể được thu hái quanh năm và dùng tươi hoặc sao vàng, phơi khô.

Bộ phận sử dụng của Hoa Nhài

Bộ phận sử dụng của nhài gồm: Hoa, lá và rễ.

Thành phần hóa học

Trong hoa nhài có một chất béo thơm, hàm lượng 0.08%. Thành phần chủ yếu của chất béo này là parafin, ester formic acetic-benzoiclinalyl và este anthranylic metyl và indol.

Jasminum sambac chứa axit dotriacontanoic, dotriacontanol, axit oleanolic, daucosterol, hesperidin, và [+] - jasminoids A, B, C, D trong rễ của nó. Lá chứa flavonoid: RutinRutin, quercetin và isoquercetin, flavonoid rhamnoglycosides cũng như α-amyrin và β-sitosterol. Một họ peptide cysteine -rich peptide thực vật mới có tên là jasmintides đã được phân lập từ loài thực vật này.

Tác dụng của Hoa Nhài

Theo y học cổ truyền

Theo đông y, hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt giải biểu, lợi thấp.

Rễ nhài cũng có vị cay ngọt, tính mát, tuy nhiên hơi có độc; có tác dụng trấn thống, gây tê, an thần.

Trong sách cổ và Bản thảo cương mục có ghi “Muốn làm cho người mê đi trong một ngày, cho người đó uống rượu có chừng 3 cm rễ cây nhài, nếu muốn cho mê trong hai ngày thì cho uống gấp hai nghĩa là đoạn rễ dài 6 cm”.

Theo y học hiện đại

Trong Hiện đại thực dụng trung dược (1957) có ghi “Rễ nhài có tác dụng ma túy (mê) ngâm rượu uống sẽ hôn mê bất tỉnh.

Hoa và lá nhài dùng trị ngoại cảm phát sốt, đau bụng tiêu chảy, lỵ, mụn nhọt độc. Hoa sắc nước dùng rửa mặt, chữa viêm màng khóe mắt và màng mộng, chữa trẻ em lên sởi có sốt, sởi mọc không đều.

Lá dùng trị bạch đới. Lá khô ngâm trong nước rồi làm thành dạng đắp trị loét ngoan cố. Rễ trị mất ngủ, đòn ngã tổn thương, điều kinh. Ngoài ra, còn dùng nước sắc bôi trị viêm mũi, viêm giác mạc.

Liều lượng và cách dùng Hoa Nhài

Ít dùng làm thuốc. Có nơi sắc hoa dùng rửa mắt, hoặc pha như pha chè hay sắc uống chữa lỵ. Liều dùng: 3 – 5 g hoa, lá dạng thuốc sắc, còn dùng hoa pha làm trà uống; dùng 1 – 1,5 g rễ nghiền trong nước.

Có khi người ta giã lá vắt lấy nước trộn với lòng trắng trứng đắp lên mắt.

Bài thuốc chữa bệnh từ Hoa Nhài

  • Ngoại cảm phát sốt, ỉa chảy: Dùng 6g hoa nhài, 10g chè xanh, 3g thảo quả sắc với nước uống.
  • Đau mắt: Dùng 6g hoa nhài, có thể kết hợp với 9g kim ngân hoa, 9g hoa bạch cúc. Tất cả dược liệu đem đun sôi lấy nước xông rồi uống hoặc lấy giã vắt lấy nước, trộn với lòng trắng trứng gà đắp.
  • Mất ngủ: Dùng 1 – 1,5g rễ nhài, nghiền trong nước rồi lấy hỗn dịch đó uống.
  • Rôm sảy: Lá nhài vò vào nước để tắm, có thể phối hợp với lá ngải cứu.

Lưu ý khi sử dụng Hoa Nhài

Dược liệu có chứa caffein, có thể làm tăng huyết áp và gây mất ngủ, cần phải phối hợp với các dược liệu khác để tránh tình trạng trên.

Phụ nữ mang thai không dùng hoa lài, có thể gây co thắt sớm, sảy thai hoặc sinh non.

Catechin có thể làm chậm quá trình hấp thu sắt từ thực phẩm, người bệnh không nên dùng dược liệu trong thời gian dài, có nguy cơ gây thiếu máu.

Chỉ sử dụng dược liệu khi có chỉ định của bác sĩ và dùng theo đúng liệu trình được yêu cầu.

Bảo quản Hoa Nhài

Sau khi bào chế, dược liệu phải được bảo quản trong túi bóng kín, đặt tại những nơi khô thoáng, tránh ẩm ướt, mối mọt sẽ làm ảnh hưởng tới dược tính của dược liệu. Hiện nay, người bệnh chủ yếu dùng hoa nhài sấy khô, có thể được lâu mà không hề mất đi dược tính.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Hoa Nhài. Để dược liệu phát huy được hết công dụng, người dùng cần ghi nhớ những lưu ý khi sử dụng, tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn. Mong rằng những thông tin Tạp chí Việt Nam Hương sắc chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Mạnh Tuấn tổng hợp từ “Cây dược liệu Việt Nam”

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng