Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Saturday, December 21, 2024 9:07:06 PM

Kiến trúc cảnh quan trên thế giới và định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam

17/06/2024

Mục lục

VNHS - Trong những thập kỷ gần đây, khi quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, Kiến trúc cảnh quan (KTCQ) đã trở nên khá quen thuộc và được nhiều người nhắc đến, được xem là một nội dung quan trọng trong các đồ án quy hoạch, thiết kế, xây dựng đô thị, tái thiết cảnh quan môi trường sống và bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử. Lĩnh vực này ra đời, song hành và phát triển liên tục theo tiến trình lịch sử phát triển của xã hội loài người. Bài viết này khái quát sự phát triển của lĩnh vực KTCQ qua các thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội ở nước ngoài và thảo luận một số định hướng phát triển lĩnh vực KTCQ ở Việt Nam.

Cảnh quan cung điện Versaille – một công trình cảnh quan tiêu biểu cho thời kỳ xã hội phong kiến phương Tây
(Nguồn: https://www.archpaper.com/2021/07/the-palace-of-versailles-opens-as-an-ultra-luxurious-hotel-for-a-princely-sum/)

Khái quát sự phát triển lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan ở nước ngoài

1. Thời kỳ nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông

Thời kỳ kinh tế tiểu nông và tiểu thủ công nghiệp gắn liền với chế độ xã hội phong kiến phương Tây. Đặc điểm phát triển cảnh quan thời kỳ này bắt đầu từ sự cải tạo và làm đẹp cảnh quan ở các khu nông trang của tầng lớp quý tộc phong kiến để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của tự nhiên và thể hiện vị thế trong xã hội. Nghệ thuật tranh phong cảnh, thơ phong cảnh đã được vận dụng vào trong xây dựng vườn cảnh. Đương nhiên, sự hưởng thụ những tác phẩm cảnh quan này chỉ dành riêng cho các tầng lớp quý tộc và nó được vây quanh bởi các bức tường rào. Đặc điểm cảnh quan nổi bật trong các khu vườn thời kỳ này là thể hiện cái đẹp hình thức, các tường rào cây xanh được cắt tỉa tạo hình tỉ mỉ, các bồn hoa thiết kế mô phỏng các dạng hoa văn trang trí. Chủ nhà là người sáng tác và quyết định chính cho các công trình, người làm nghề vườn cảnh dù có tài giỏi đến đâu chỉ đóng vai trò thứ yếu – “bảy phần chủ, ba phần thợ”. Qua đó có thể thấy, trong tư tưởng xây dựng cảnh quan của tầng lớp quý tộc phong kiến trước đây vẫn không thoát ly khỏi tư tưởng tiểu nông.

2. Thời kỳ cách mạng công nghiệp và quan điểm hồi sinh thể chất, tinh thần

Cách mạng công nghiệp bắt nguồn từ nước Anh lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Nó đã mang lại những thay đổi to lớn trong xã hội, phong trào công nhân và giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ. Các đô thị không chỉ còn là nơi ở dành cho giới quý tộc mà còn là nơi ở và làm việc của đại bộ phận giai cấp công nhân. Một đặc điểm nổi bật trong giai đoạn này là cư dân tập trung đông đúc trong các đô thị và nhu cầu cần có những không gian xanh cảnh quan, phục vụ nghỉ ngơi giải trí, tái tạo sức lao động bắt đầu xuất hiện. Frederick Law Olmsted, người có công sáng lập ngành KTCQ đã từng nói: “Văn minh con người không ngừng chế tạo ra các loại thuốc để chiến thắng bệnh tật, nhưng tâm bệnh làm tổn hại sức khỏe, sự hạnh phúc của họ cũng đang ngày càng nghiêm trọng và chưa có thuốc chữa, chỉ có luyện tập trong môi trường ôn hòa và dưới ánh sáng tự nhiên mới có thể làm cân bằng tuần hoàn khí huyết, thư giãn đầu óc, khiến con người được hồi sinh sức khỏe, được khỏe mạnh và vui vẻ”. Những nơi thích hợp nhất để có thể đạt được điều này là những khu vườn, nông trang với địa hình cao thấp, có thảm cỏ, đám cây, mặt nước gợn sóng vẫy gọi sẽ có tác dụng tốt cho việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta (Faludi, 1987). Lúc này, cảnh quan công viên (Park – like landscape) bắt đầu được mọi người quan tâm nghiên cứu và nhận định rằng những đặc trưng của không gian công viên sẽ giúp con người khơi dậy những bản năng tự nhiên và cải thiện sức khỏe tâm lý (Appleton, 1975; Kapplan, 1985).

Frederick Law Olmsted là người đi đầu và cũng là người sáng lập nghề KTCQ ở Mỹ năm 1865 và từ đó phát triển ra nhiều nước trên thế giới. Khoảng năm 1858 – 1861, Frederick Law Olmsted cùng người đồng nghiệp là KTS Calvert Vaux, sau khi hoàn thành đồ án thiết kế Công viên Trung tâm TP New York, đã tự phân biệt nghề nghiệp của mình với nghề làm vườn truyền thống (Gardening) và gọi đó là nghề Kiến trúc cảnh quan (Landscape architecture). Ông cũng tự đặt danh hiệu nghề nghiệp của mình là KTS cảnh quan (Landscape architect), không còn là người làm vườn (gardener) nữa. Năm 1900, Trường ĐH Havard là nơi đầu tiên đào tạo ngành KTCQ. Từ đó KTCQ trở thành một lĩnh vực khoa học thực sự, và KTS cảnh quan cũng chính thức được xã hội thừa nhận. Lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động của ngành KTCQ liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ quy hoạch thiết kế công viên, hệ thống không gian xanh, đường phố, khu ở, trường học, khu thương mại đến các nông lâm trường và công viên rừng quốc gia…

3. Thời kỳ hậu công nghiệp và duy trì bền vững hệ sinh thái

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở các nước phương Tây đạt đến cao trào, xuất hiện khái niệm “u ác tính trong cơ thể đô thị” với hàng loạt đô thị liên tục được mở rộng, dẫn đến mất kiểm soát môi trường, giao thông đô thị bị tắc nghẽn, hệ thống không gian xanh công viên không đủ để cải thiện môi trường đô thị…

Sau thời kỳ công nghiệp, cảnh quan các vùng ven đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cho cảnh quan bị chia cắt, quá trình sinh thái tự nhiên bị phá vỡ, tính đa dạng sinh vật suy giảm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Trong khi đó, con người chưa tìm được biện pháp tiếp cận thích ứng với tự nhiên trong phát triển đô thị (Gadgil, 1987).

Lúc này, đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực KTCQ không chỉ giới hạn ở sự tồn tại khỏe mạnh của con người mà còn phải mở rộng đến sự tồn tại của những loại sinh vật khác. Bảo vệ, duy trì các quá trình sinh thái tự nhiên và môi trường sống của các sinh vật khác chính là bảo vệ và duy trì môi trường sinh tồn của chính bản thân con người hiện tại và tương lai. Do đó, cần mở rộng nghiên cứu tổng thể cảnh quan vùng, sự đa dạng không gian của các hệ sinh thái để xây dựng mối quan hệ tương hỗ giữa văn hóa quyển và sinh vật quyển (Landscape mosaic, Forman, 1995). Lần đầu tiên, tư tưởng quy hoạch sinh thái được đề cập trong tác phẩm nổi tiếng nói về Thiết kế gần với tự nhiên (Design with nature, 1969) của I. L. McHarg. Đây là dấu mốc khởi sướng một cuộc cách mạng về quy hoạch sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn trong lĩnh vực KTCQ sau này. Mô hình quy hoạch sinh thái xếp lớp kiểu bánh Piza của I.L. McHarg có nhiều ưu điểm, song cũng dễ nhận thấy những khuyết điểm. Thứ nhất là mô hình quy hoạch thiên về phân tích mối quan hệ sinh thái theo phương đứng trong một đơn nguyên không gian cảnh quan, coi nhẹ quá trình sinh thái theo phương ngang, là dòng sinh thái liên thông giữa các đơn nguyên không gian trong cảnh quan (Faludi, at al, 1987); thứ hai là quá nhấn mạnh vai trò quyết định của tự nhiên đến quy hoạch sử dụng đất và hoạt động của con người. Thực tế, trong quy hoạch, ngoài sự nhận thức quá trình tự nhiên còn phải nghiên cứu quá trình thích ứng với tự nhiên của con người (Steinitz, 1985). Do đó, nhiệm vụ của KTS cảnh quan vừa là nhà điều tiết vừa là nhà chỉ huy để tạo ra môi trường phát triển bền vững, cùng tồn tại cho cả con người và các sinh vật khác trong một khu vực nhất định. Như vậy, KTS cảnh quan không chỉ có kiến thức vững vàng về quy hoạch thiết kế, kỹ thuật công trình, sự hiểu biết về thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử, còn phải được trang bị những kiến thức cả về sinh vật, sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường.

Một số định hướng trong phát triển lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam

Lĩnh vực KTCQ hầu như bao quát toàn bộ các công việc liên quan đến khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình để kiến tạo không gian môi trường sống bên ngoài cho con người. Khi kinh tế xã hội càng phát triển, nhận thức về môi trường sống càng nâng cao, lĩnh vực KTCQ càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Có thể thấy thị trường trong lĩnh vực ở nước ta đang có một số tồn tại nhất định cần phân tích để gợi mở những định hướng phát triển mới.

Công viên trung tâm (Central Park) TP. New York, Mỹ
https://en.wikipedia.org/wiki/Central_Park

1. Về tên gọi chức danh nghề nghiệp

Hiện nay, cùng đào tạo Ngành KTCQ với mã ngành giống nhau nhưng cơ sở đào tạo này thì cấp bằng KTS, cơ sở đào tạo kia lại cấp bằng Kỹ sư. Thực tế, chuyên ngành trên thế giới chỉ có 2 loại bằng chức danh nghề nghiệp đó là Cử nhân KTCQ và KTS cảnh quan. Người tốt nghiệp chương trình Cử nhân muốn lấy bằng KTS cảnh quan cần phải học bổ sung một lượng kiến thức và kỹ năng nhất định. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, phân định rõ vấn đề này, sẽ hạn chế được sự chồng chéo trong lĩnh vực hành nghề giữa những người có bằng KTS và người có bằng KTS cảnh quan.

2. Về định hướng nghiên cứu của lĩnh vực KTCQ

Định hướng nghiên cứu của lĩnh vực KTCQ bao gồm: Lịch sử và lý luận, quy hoạch và thiết kế cảnh quan, quy hoạch và phục hồi sinh thái vùng, bảo tồn di sản k, ứng dụng thực vật trong cảnh quan, kỹ thuật xây dựng cảnh quan.

3. Về thị trường hoạt động của lĩnh vực KTCQ

Các sản phẩm trong lĩnh vực KTCQ có tính đặc thù, yêu cầu tính an toàn không khắt khe và liên đới trách nhiệm không nặng nề như lĩnh vực Thiết kế kiến trúc công trình, nên có hiện tượng ai cũng có thể làm. Những người chưa qua đào tạo chỉ cần có kinh nghiệm về làm vườn hoặc được đào tạo một ngành nào đó liên quan đến quy hoạch thiết kế đô thị, kiến trúc, xây dựng là có thể đảm nhiệm công việc thiết kế, xây dựng các công trình cảnh quan. Theo dân gian mà nói, đây chính là hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”. Những công trình quy mô nhỏ và vừa, có những người còn thiết kế miễn phí nhưng đổi lại là được thi công xây dựng công trình. Những công trình cảnh quan lớn và quan trọng nhưng năng lực của đơn vị thiết kế lại chủ yếu trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, Thiết kế kiến trúc, thậm chí là hạ tầng, đội ngũ chuyên gia được mời đánh giá phương án cũng không thuộc lĩnh vực chuyên sâu về KTCQ. Chính những điều này, vô hình chung đã làm cho thị trường hoạt động trong lĩnh vực trở nên mất định hướng và khó có được những phương án quy hoạch thiết kế cảnh quan chất lượng tốt. Do đó, để thị trường hoạt động của lĩnh vực KTCQ dần đi vào thực chất, các cơ quan quản lý cũng cần phải có những quy định rất cụ thể về chứng nhận năng lực hành nghề trong lĩnh vực KTCQ như lĩnh vực Kiến trúc, xây dựng công trình như đã từng thực hiện.

4. Giữ gìn bản sắc địa phương, không mơ hồ thể hiện đẳng cấp

Cái gọi là cao sang, đẳng cấp hiểu đúng thì đây là mục tiêu mà các KTS cảnh quan đều hướng tới và có thể theo đuổi suốt cuộc đời. Nhưng vấn đề này trong thực tế đôi lúc lại khác, không ít những công trình người thiết kế, nhà đầu tư vì cố mong muốn thể hiện sự đẳng cấp hơn người hoặc tạo sự tò mò nhất thời mà lấy cái cao to, hoành tráng làm ưu tiên, coi nhẹ hồn cốt của tác phẩm; săn lùng những thứ vật liệu đắt tiền, những cây cối xa lạ nhập khẩu từ nước ngoài, lãng quên những thứ vật liệu sẵn có ở trong nước, ở địa phương; thậm chí, còn mô phỏng cảnh quan của cả một dãy phố hay những công trình nổi tiếng có tính biểu tượng ở nước ngoài một cách miễn cưỡng làm mất đi bản sắc địa phương cũng như không phù hợp với môi trường cảnh quan sinh thái khu vực. Nhiều nhà quản lý, nhà đầu tư đi ra nước ngoài, ấn tượng và thích thú với cảnh quan phương Tây, liền mang quan điểm cá nhân áp đặt vào các dự án ở Việt Nam, điều đáng nói ở đây là chẳng người Mỹ, người châu Âu, hay người Nhật,… nào đến Việt Nam du lịch lại thích cái mà họ đã quen thuộc từ đất nước họ. Cái họ cần là muốn trải nghiệm những thứ khác biệt về cảnh quan thiên nhiên, cái bản sắc mang tính hồn cốt của người Việt. Điều này, dễ nhận thấy, tại sao một số nơi như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, quần thể di tích Cố đô Huế, những làng bản ở vùng cao còn hoang sơ đậm nét văn hóa bản địa lại thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm đến vậy. Do đó, việc nhận thức, phát huy và truyền tải các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc, phong tục tập quán địa phương vào công trình cảnh quan là chìa khóa để phát triển lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam tiệm cận với thế giới.

5. Lấy con người làm chủ thể

Sự quan tâm đến nhu cầu của người sử dụng là trách nhiệm của người làm nghề KTCQ, nhưng đôi khi vì quá say sưa, dành quá nhiều thời gian, tâm lực để nghiên cứu tìm hiểu về phong cách, thủ pháp và hình thức thể hiện bản vẽ sao cho bắt mắt, thể hiện được tinh thần của tác phẩm, mà coi nhẹ tìm hiểu về tâm lý, nhu cầu sử dụng của đối tượng cần phục vụ, dẫn đến công năng sử dụng của công trình bị hạn chế. Có những lúc, công năng sử dụng của công trình thiết kế chỉ được thể hiện ở một vài khía cạnh cơ bản, như bày đặt một vài cái ghế để ngồi nghỉ, có một vài khoảng sân phục vụ hoạt động ngoài trời, đường dạo chỉ đơn thuần là tạo lối đi…, thiếu sự quan tâm đến yếu tố môi trường sinh thái, không gian và tâm lý sử dụng của các nhóm đối tượng (người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật yếu thế,…).

Thay lời kết

Như vậy, có thể thấy qua mỗi thời kỳ phát triển kinh tế xã hội thì lý luận, đối tượng, và nhiệm vụ nghiên cứu của lĩnh vực KTCQ cũng liên tục thay đổi theo xu hướng phát triển tất yếu của thời đại: Từ phục vụ nhu cầu hưởng thụ cảnh quan của một bộ phận quý tộc trong xã hội phong kiến đến phục vụ cả cộng đồng xã hội; từ tư tưởng chinh phục tự nhiên đến thích ứng và hòa đồng với tự nhiên; từ xây dựng cảnh quan lấy vẻ đẹp hình thức làm chủ đạo đến tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên, cùng với duy trì phát huy bản sắc văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là những vấn đề cơ bản gợi mở để ngành KTCQ ở Việt Nam tiếp tục nghiên cứu trong xu hướng hội nhập quốc tế.

PGS.TS Đặng Văn Hà, TS Trần Đức Thiện
Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Hà, Chu Mạnh Hùng (2015). Giáo trình thiết kế cảnh quan cây xanh. NXB. Nông nghiệp
2. Appleton, J. (1975). The Experience of landscape. John Wiley, Chichester
3. Faludi (1987). A decision – centered view of environmental planning. Pergamon press.
4. Kaplan et al, .(1985). Cognition and environment: Function in an uncertain world. Praeger, New York.
5. McHarg,I.(1969). Design with nature. John Wiley & Sons, Inc
6. Steiner et al,. (1987). Ecological planning: restrospect and prospect. Landscape Jounal
7. Gadgil (1987). Diversity: Cultural and biological. Trends in Ecology and Evolution.
8. Forman, R.T.T.,(1995). Land mosaic: The ecology of landscape and regions. Cambridge University Press.

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng