Mục lục
Voọc chà vá chân nâu là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong các loài linh trưởng, do có vẻ ngoài xinh đẹp và độc đáo. Chúng được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng.
Voọc chà vá chân nâu quý hiếm
Pháp luật Việt Nam và Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã (Cites) đã nghiêm cấm săn bắt, buôn bán Voọc chà vá chân nâu dưới mọi hình thức (Nghị định 32 ND-CP/2006 của Chính phủ). Săn bắt và mất môi trường sống là nguyên nhân làm số lượng quần thể của Vọoc suy giảm nghiêm trọng. Người dân các địa phương thường săn bắn loài này làm thực phẩm hoặc nấu cao để sử dụng như một loại thuốc gia truyền. Ngoài ra, Voọc chà vá chân nâu còn được bán để nuôi làm cảnh hoặc làm thú nhồi bông. Hiện nay môi trường sống của loài ngày càng bị phân tán và thu hẹp do nạn khai thác gỗ và chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.
Phân bố Voọc chà vá chân nâu trên thế giới và Việt Nam
Trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở đông bắc Campuchia. Quần thể lớn nhất hiện nay được ghi nhận tại miền Trung của Lào. Trong khi đó, các quần thể của loài này bị phân tán và chia cắt khá mạnh bởi việc phá rừng và xâm lấn đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, làm đường giao thông,….
Các vùng phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu ở Việt Nam từ Nghệ An đến Kon Tum, cụ thể gồm các Vườn quốc gia như Pù Mát (Nghệ An), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Bạch Mã (Huế) và các khu bảo tồn thiên nhiên như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Đăk Krong (Quảng Trị), Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Sao La (Quảng Nam), Sông Thanh (Quảng Nam), Ngọc Linh (Kon Tum – Quảng Nam), Chư Mom Rây (Kon Tum), Sơn Trà, Bà Nà - Núi Chúa, Nam Hải Vân (Đà Nẵng), và nhiều khu rừng đặc dụng khác ở Quảng Nam.
Bài và Ảnh: Phạm Hạnh - Phúc Thịnh - Đỗ Doãn Hoàng