Tạp chí điện tử Việt Nam Hương sắc

Sunday, November 3, 2024 5:30:40 PM

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Con người là một bộ phận của thiên nhiên, sống hài hoà với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên

13/09/2022

Mục lục

Đối với Việt Nam và thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự kiệt xuất thế kỉ 20, một anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân đội ta chiến thắng hai đế quốc giàu mạnh nhất thế giới. Đại tướng còn là một nhà sử học, một nhà văn hóa lớn. Con người và sự nghiệp của Đại tướng đã đi vào lịch sử, ghi tạc vào lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

 

Đại tướng cũng là người đã định hướng cho Hội Sinh vật cảnh Việt Nam những bước đi ban đầu vững chắc. Dưới đây là bài phát biểu của Đại tướng trong Hội thảo văn hóa Sinh vật cảnh đầu tiên, ngày 6/9/1992 tại Hà Nội

"Xã hội là một tổng hòa giữa con người với con người. Một tổng hòa giữa con người với thiên nhiên"... Đây là ý kiến của Đại tướng phát biểu trong cuộc Hội thảo Văn hóa sinh vật cảnh đầu tiên. Đại tướng nói: “Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hủy hoại thiên nhiên, thì đó là hành động trái với qui luật, dẫn tới tai họa không thể lường hết được". Là một nhà cách mạng lão thành, nhiều năm gần gũi Bác Hồ, Đại tướng đã kể lại sinh thời Bác Hồ yêu cảnh thiên nhiên như thế nào: “Từ ngày về nước, Bác luôn luôn thích sống gần thiên nhiên. Mỗi khi tìm nơi làm việc, chỗ ở, Bác đều chọn những nơi có suối nước trong bên cạnh núi cao, những nơi “Sơn thủy hữu tình”. Thơ Bác dành cho cảnh đẹp thiên nhiên rất nhiều. Và nếu điểm qua văn học Việt Nam từ xưa đến nay, thì cũng có một mảng rất lớn ca ngợi bốn mùa hoa thơm, cỏ lạ. Đó là một nét đặc sắc của văn hóa phương Đông, một nút đặc sắc văn hóa truyền thống Việt Nam. Cho nên việc thành lập Hội sinh vật cảnh Việt Nam, với tôn chỉ bảo vệ và phát triển cái đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta, đó là một sáng kiến rất đáng hoan nghênh. Hoạt động của Hội sinh vật cảnh Việt Nam không những đáp ứng mong mỏi của nhiều người mà nó còn hợp với qui luật, nó góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, vui vẻ hơn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân thăm triển lãm Sinh vật cảnh Xuân 1996 tại Hà Nội

Đại tướng nhiệt liệt khen ngợi tỉnh Nam Hà đã xây dựng được một mô hình phát triển sinh vật cảnh kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới và gia đình văn hóa. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dựa vào mô hình Nam Hà, có những văn bản, những biện pháp thích hợp để nhanh chóng mở rộng ra cả nước”. Trong phần cuối bài nói chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong mỏi làm sao cho Thủ đô ta ngày càng đẹp hơn lên: “Thủ đô vốn có những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những di tích lịch sử và những công trình kiến trúc nổi tiếng, nhưng gần đây đã xuống cấp phần nào do sự thiếu quan tâm, phần nào do sự hủy hoại. Mong rằng trong quá trình xây dựng những công trình mới, hiện đại, nhất là ở nội thành, làm sao cho hài hòa với thiên nhiên, chứ không làm xấu đi các cảnh quan thiên nhiên, vốn là niềm tự hào của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, và của cả nước. Mong rằng đường phố Hà Nội có nhiều cây xanh hơn nữa, có nhiều công viên đẹp hơn nữa, khôi phục và phát triển những vùng trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng như Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà v.v... Mong rằng Thủ đô sẽ có những vườn trồng những loại hoa cây cảnh đặc sản của Việt Nam, để vừa thu hút khách du lịch vừa để xuất khẩu, vì ở đây có điều kiện giao lưu thuận lợi”. Nói về tiềm năng kinh tế khá lớn của sinh vật cảnh nước ta, Đại tướng nói: “Ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa, loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế, vừa được văn hóa. Muốn như vậy thì phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của sinh vật cảnh Việt Nam”

 

0 Bình luận

Tin tức khác

Thông báo
Đóng